Mấy hôm nay, tin tức về vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Ðức Bà Paris đã làm chấn động cả thế giới, bởi đây không phải là một đám cháy thông thường mà là sự thiêu hủy một công trình kiến trúc vốn được xem là “niềm tự hào của nước Pháp”, và là một “báu vật” của văn hóa nhân loại.
Khi mái vòm của nhà thờ bị thiêu hủy và nhất là khi tháp nhọn của nhà thờ đổ sụp đã khiến trái tim của bao người quặn thắt. Hàng trăm lính cứu hỏa đã cật lực chữa cháy, hàng nghìn người dân quỳ gối xuống đường để cầu nguyện cho ngôi nhà thờ thân yêu, hàng triệu trái tim vẫn còn thổn thức dù biết ngọn lửa đã được khống chế. Trái tim của Paris bị tổn thương đã làm cho biết bao con tim tan chảy. Có thể nói, Nhà thờ Ðức Bà Paris không chỉ là biểu tượng của Công giáo nữa mà đã trở thành biểu tượng cho tình hữu ái và tinh thần đoàn kết nhân loại. Sự mất mát và nỗi đau không gì bù đắp được này đã gắn kết con người lại với nhau, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo.
![]() |
Bằng trực cảm tuyệt vời của mình, đại văn hào Victor Hugo cũng đã từng miêu tả một đám cháy dữ dội tại ngôi nhà của Chúa. Ông ý thức rằng mọi giá trị vật chất đều chỉ là hữu hạn trong cái vô hạn của thời gian. Vì vậy, với tầm nhìn của một nhà văn hóa lớn, ông đã bất tử hóa tòa kiến trúc bằng văn bản. Trong tiểu thuyết Nhà thờ Ðức bà Paris (Notre-Dame de Paris), ngôi nhà thờ đã tìm được một chốn trú ngụ an toàn và bắc thêm những nhịp cầu để đến với độc giả trên toàn thế giới, cả những người chưa có may mắn đến thăm một lần.
Là một giáo viên dạy ngữ văn, tôi biết đến Nhà thờ Ðức Bà Paris trước tiên qua tiểu thuyết. Cũng như bao du khách tò mò khi đến Pháp, tôi đã đến thăm ngôi nhà thờ ấy trong tâm thế muốn kiểm chứng những gì mình đã từng đọc, từng nghe về nơi này. Tận mắt chứng kiến vẻ nguy nga, đồ sộ cùng độ tinh xảo của những chạm khắc nghệ thuật, được hít thở bầu không khí trang nghiêm và thanh thoát nơi giáo đường, tôi mới cảm nhận được những vẻ đẹp và giá trị của di sản văn hóa này, mới lý giải được vì sao Nhà thờ Ðức Bà Paris có một vị trí đặc biệt đến vậy giữa bao nhiêu nhà thờ cổ kính và đồ sộ của châu Âu. Và rồi, tôi đem tất cả sự say mê, ngưỡng mộ ấy truyền sang cho nhiều thế hệ học trò của mình. Dù chưa lần được viếng thăm nơi chốn ấy, những sinh viên của tôi đã thuyết trình say sưa về công trình vốn nhiều trầm tích văn hóa ấy bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, với ước mơ sẽ được đặt chân đến trong một ngày không xa.
Vì vậy, tin Nhà thờ Ðức Bà Paris bị cháy đã gây cho tôi một nỗi xúc động khó tả. Dẫu biết “thác là thể phách còn là tinh anh”, nhưng tinh anh của một công trình kiến trúc lại gắn chặt với những giá trị vật chất mà ngọn lửa đã ít nhiều phá hủy. Sao có thể không ngậm ngùi, xót xa? Song, chúng ta phần nào yên tâm khi Tổng thống Pháp đã khẳng định phục dựng và tái thiết Vương Cung Thánh Ðường này là sứ mệnh của nước Pháp, một quỹ quyên góp quốc gia đã được mở, đã có vài tỷ phú sẵn lòng hiến tặng một phần tài sản để khắc phục hậu quả, và nhất là cả thế giới đang hướng mắt về Nhà thờ Ðức Bà Paris.
Hồng Hạnh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.