Chuyến xe khuya từ Đà Lạt về Sài Gòn thường ngang qua Đồng Nai khi tờ mờ sáng. Sau giấc ngủ chòng chành thắc thỏm trên con đường lên núi xuống đèo, đoạn từ La Ngà, khách đã có thể cảm thấy an tâm để chìm sâu vào một giấc mộng, do đường bắt đầu bằng phẳng.
Trong giấc mộng đó, khách nghe vang lên văng vẳng bên tai là những lời cầu kinh. Lời kinh thoát ra từ các vòm cửa sáng đèn của những nhà thờ giáo xứ ven đường. Ánh đèn trắng nê-ông, ánh đèn vàng trên những tháp chuông trầm mặc, có khi là cả bầu trời sao muôn màu nếu là vào mùa Vọng. Hình ảnh đó quen thuộc từ xưa nay; là giấc mộng thì đó là giấc mộng đẹp mà ta hằng mong trở lại, chẳng hề đổi thay. Ta trôi trong tiếng đàn organ du dương của những bản thánh ca thanh thoát và đắm mình trong nhạc chuông ngân nga chào một ngày mới nhiệm mầu.
Ảnh minh họa |
Khách thấy mình trôi đi bồng bềnh qua một khung cảnh, không gian trong trẻo của những cuộc hành trình trong bóng đêm và sương mai. Ấy là cách nói văn chương, để mô tả về những người đi lễ ban sớm. Khách lướt qua giữa họ. Là những bóng người cô độc với chiếc đèn pin trên tay quét những vệt sáng ngắn vào bóng tối sót lại của đêm. Là những nhóm hai, ba người của một gia đình, có bà có cháu, có cha mẹ và con cái bước theo nhau lầm lũi trong lặng thinh, đôi khi rì rầm chuyện trò. Là những người còng lưng, tay lần tràng chuỗi bước từng bước nhỏ chậm rãi ven lộ... Khách còn nhận ra nơi này, những cụ bà qua vạt áo dài cũ hiện lên trong ánh đèn tờ mờ, những cụ ông chống gậy bước chân chậm rãi, và nơi kia là những đôi vợ chồng trẻ khoác tay nhau tình tứ. Họ thoáng hiện và lại chìm khuất trong màn đêm, trong sương mai. Những khuôn mặt thành kính và tràn đầy niềm hạnh phúc.
Từ những lớp cửa kính mờ sương của xe khách, giấc mơ của khách trôi đi êm đềm qua những vệt sáng kéo dài, qua những màn sương mờ ảo, qua những bóng tối thâm u. Và lại mở ra một khung trời, một giáo đường, một không gian quá đỗi thân quen. Sự lặp lại như điệp khúc ngọt ngào, như những thước phim bay bổng lấp lánh được đồng hiện từ ký ức.
Cứ thế, những nóc giáo đường, những vùng đèn sao nhấp nhánh, những cổng vòm khiêm cung và những bóng người lặng lẽ, một người, hai người, một nhóm, một hành trình, nhiều hành trình..., khởi đầu cho một ngày mới.
Giấc mộng trôi qua ngoài cánh cửa xe khách khiến khách đánh thức một quá khứ đẹp chưa xa, rằng khách cũng từng có một quãng thời gian được trưởng thành trong bầu không khí sốt sắng thuần thành. Đó là những vùng quê nghèo, nơi người ta bắt đầu đời sống mỗi ngày là một giờ kinh ở nhà thờ, một thánh lễ nghiêm trang để dâng ngày cho đấng toàn năng. Một sự phó thác trọn vẹn, một sự xác lập trật tự đời sống, bắt đầu từ điểm nhìn thiêng liêng của một cảm thức tâm linh cao khiết. Khách nhớ rằng ông bà mình, cha mẹ mình, những cụ ông cụ bà trong xóm của thời kỳ đó với nếp đời thuần hậu. Sự thuần hậu bởi tự họ thực hành được một nhịp điệu ổn định, hướng thượng. Thời cuộc ngổn ngang và mưa gió thực tại không khiến họ chao đảo được. Rồi như những nghệ nhân lành nghề, họ trao truyền cho cháu con một thói quen, một tập quán, một nhận thức để tiếp tục nối theo bước chân tâm linh của họ.
Mỗi ngày, ông bà sẽ lay cháu dậy khi tiếng chuông nhà thờ vang lên lần một vì đơn giản họ nghĩ vậy là tốt cho cuộc sống đứa nhỏ. Đứa nhỏ nào chẳng mê ngủ, nhưng rồi vì sự vâng phục kính trọng ông bà, đôi khi vì phải gánh vác trách nhiệm đi để rọi đèn pin cho ông bà, mà nó quen dần với những buổi kinh nguyện ban sáng. Mọi người có những sửa soạn thật nghiêm túc cho buổi kinh nguyện theo cách riêng. Phải chăng đó cũng là ẩn dụ về sự sửa soạn tinh thần mà mỗi người cần có khi bước vào một ngày sống, đối diện với cuộc đời thường nhật đầy thử thách.
Giờ kinh sáng, thánh lễ lúc hừng đông nhắc nhớ đến một ý nghĩa sâu xa rằng, mỗi ngày ta sống đã được phó thác và thánh hóa để trở nên trọn lành.
Xe vẫn trôi đi qua con đường ban mai nối những xứ đạo, như cuộc hành hương trên tràng chuỗi ngọc, như những ngón tay chậm rãi đi qua những câu kinh thánh thiện. Khách đi vào giấc mộng, một giấc mộng của sự thanh tẩy bởi hình ảnh, bởi ký ức, bởi sự chiêm niệm. Khách thấy mình trôi về phía hừng đông ngày mới. Những tháp chuông hiện lên trên nền trời hai bên con đường, nơi cửa nhà, chợ búa, nhịp sống thức dậy. Những lời thánh ca và kinh nguyện đã tưới tắm loài cây khép lá trong đêm dài, để nó trở nên tươi tốt, vươn mình, đầy căng sức sống đón ánh mặt trời. Khách nhớ ra rằng mình chỉ chìm trong giấc mộng đẹp mà thôi, nhưng từ lâu đã bỏ rơi giấc mộng đó như một chủ thể có thể nắm giữ và tái dựng mỗi ngày trong cuộc đời hiện tại.
Có những lần trên hành trình đi qua nơi này, khách ngạc nhiên khi thấy ở ghế bên cạnh, những người đồng hành lớn tuổi đang dõi mắt nhìn ra cửa sổ theo ánh sáng cây thập tự trên những tháp chuông, họ làm dấu và lần chuỗi hạt hoa hồng. Có hôm, có người khách già bên cạnh thầm thì hát một câu thánh ca gây ít nhiều bối rối. Khách đã nghĩ rằng đó là lời thánh ca rơi rụng từ rất lâu trong vùng ký ức trong trẻo của tuổi thiếu thời. Ánh mắt ấy, khuôn mặt khắc khổ ấy, dáng người thành kính ấy như bước về từ ngày tháng cũ, hiền hậu và ấm áp như ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội của thuở xa xôi.
Và rồi bầu trời rạng, những tia nắng đầu tiên hắt qua rèm cửa. Nhịp sống sôi động bên ngoài như những đợt sóng dồn dập dần dần. Xa lộ với những mặt người vội vã ngược xuôi. Khói và bụi. Tiếng ồn và chật chội. Tất cả, ta gọi là ngày mới của cuộc đời. Ngày mới của một cuộc sống phố thị huyên náo.
Trong thế giới hối hả đó, giữa nhân quần mịt mù đó, có những con tim đã kịp sưởi ấm bởi một nghi thức thiêng liêng, bởi một cuộc đối thoại thánh thiện đầu ngày. Ta không thấy họ tỏa sáng bằng mắt thường, nhưng ta tin tim họ tỏa sáng thứ ánh sáng thiện tâm trong những tương quan chằng chéo của đời sống một ngày và nhiều ngày trong mờ ảo bụi trần.
Khách xuống xe, balô nặng trên vai và bước về phía phố. Giấc mộng đẹp của một hành trình sẽ mãi mang theo.
Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]
Bình luận