Giới chuyên gia cảnh báo những người từ chối cơ hội tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không những dễ mắc bệnh mà còn đẩy bản thân vào tình thế trở thành những “xưởng sản xuất biến chủng” một cách bất đắc dĩ.
Ðài CNN dẫn lời bác sĩ William Schaffner, giáo sư khoa bệnh truyền nhiễm đang công tác tại Trung tâm Y khoa Ðại học Vanderbilt (TP.Nashville, bang Tennessee, Mỹ) nêu ra một thực tế đáng quan ngại: “Người chưa tiêm vắc xin Covid-19 có thể là nhà xưởng sản xuất biến chủng di động”. “Càng có nhiều người chưa tiêm vắc xin trong cộng đồng, cơ hội để SARS-CoV-2 nhân lên cao hơn”, vị giáo sư bổ sung. Và trong quá trình nhân lên, siêu vi đột biến, và có thể cho ra đời biến chủng nguy hiểm hơn.
|
Ảnh: GMA |
Lây lan và đột biến
Bản năng của vi rút, bao gồm nhóm gây bệnh Covid-19, là nhân lên và trải qua các đột biến. Khi một người bị nhiễm, SARS-CoV-2 sao chép hàng chục ngàn lần trong cơ thể người bệnh. Quá trình này diễn ra không hoàn hảo, nên đôi khi đột biến phát sinh. Trong khi một số gây hại cho bản thân vi rút, hoặc không làm chúng nguy hiểm hơn, những đột biến khác có thể khiến chúng trở nên đáng ngại, chẳng hạn như giúp đẩy nhanh tốc độ lây lan. Khi chúng lây từ người này sang người khác, đột biến sẽ được sao chép và tiếp tục lan truyền. Nếu lây lan thành công cho nhiều người, nó trở thành biến chủng. Theo Ðài CNN dẫn lời giáo sư Mỹ, những người chưa tiêm đang cung cấp cơ hội để đột biến tiếp tục sao chép.
“Một khi các đột biến xảy ra, nhóm những vi rút đã đột biến bám trụ được sẽ giúp lây lan nhanh chóng trong cộng đồng”, nhà vi sinh vật và miễn dịch học Andrew Pekosz của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (TP Baltimore, bang Maryland) phân tích. “Mỗi khi thay đổi, vi rút được cung cấp một nền tảng khác để bổ sung đột biến mới. Giờ đây, chúng ta đang phải đối mặt nhiều biến chủng với tốc độ lây lan mạnh hơn chủng ban đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc)”, theo ông Pekosz. Trong khi nếu không lây được, vi rút không thể thay đổi và đột biến. Chính vì vậy, khi vắc xin được sản xuất với số lượng lớn, đủ để đáp ứng nhu cầu cho mọi nước trên thế giới, việc đồng ý tiêm ngừa giúp ngăn chặn dịch Covid-19 cùng nguy cơ phát sinh các biến chủng mới.
![]() |
Khi vắc xin đã trở nên đại trà, những ai từ chối chích vắc xin có nguy cơ sẽ trở thành những xưởng sản xuất biến chủng di động - ảnh: Reuters |
Bộ tứ biến chủng
Kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 trước khi lan khắp thế giới, SARS-CoV-2 hiện có một số biến chủng nằm trong danh sách “gây quan ngại” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhóm tạm gọi là “bộ tứ” bao gồm Alpha (lần đầu tiên phát hiện ở Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil) và Delta (Ấn Ðộ). Chúng dễ lây hơn, gây bệnh nặng hơn hoặc thậm chí có thể đột phá hàng rào phòng ngự bảo vệ cơ thể. Những biến chủng trên cũng được tìm thấy trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng, khiến số ca bệnh tăng cao.
Giới chuyên gia y tế công cộng đang đặc biệt quan ngại biến chủng Delta có thể lây bệnh cho những người đã tiêm vắc xin. Tuy vắc xin vẫn bảo vệ người đã tiêm không bị những diễn biến nặng của Covid-19, nhưng việc họ bị nhiễm sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan và là mối lo với những ai chưa chích ngừa. Ðài CNN dẫn kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy hai mũi vắc xin Pfizer có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa các trường hợp có triệu chứng từ biến chủng Delta. Tại Israel, số liệu của Bộ Y tế nước này cho thấy từ ngày 2.5 đến 5.6, tỷ lệ hiệu quả của vắc xin Pfizer là 94,3%. Từ ngày 6.6 đến đầu tháng 7, giai đoạn chính quyền Tel-Aviv hủy bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, con số này giảm xuống còn 64%.
Tuy nhiên, giới khoa học bác bỏ khả năng một biến chủng hoàn toàn có thể công phá hàng rào phòng vệ của vắc xin. “Tôi cho rằng viễn cảnh xuất hiện biến chủng kháng vắc xin khó xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta có thể phải đối mặt một biến chủng có thể gây nguy hiểm hơn cho nhóm dân số cao tuổi và dễ bị tổn thương nhất”, theo báo The Guardian dẫn lời giáo sư Lawrence Young của Ðại học Warwick (Anh) cảnh báo.
![]() |
Chích ngừa Covid-19 ở chợ rau củ tại Hyderabad, Ấn Độ - ảnh: AP |
Nguy cơ khi “sống chung với vi rút”
Một số nhà khoa học nêu ý kiến sẽ đến lúc con người phải học cách sống chung với Covid-19, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng hiện không phải thời điểm để chuyện đó diễn ra, đặc biệt khi độ phủ của vắc xin chưa được như mong muốn. Anh là một trong những trường hợp như thế, do dân số vẫn chưa được tiêm đủ vắc xin và số ca dương tính mới hiện vẫn tăng theo cấp số nhân. Nếu toàn bộ các biện pháp phòng vệ như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội không được thực thi, nhiều khả năng biến chủng mới có thể xuất hiện và củng cố năng lực đột phá “lá chắn vắc xin”.
“Có ý tưởng cho rằng một khi đã tiêm xong nhóm dân dễ bị tổn thương và người cao tuổi, cứ để siêu vi tự do tấn công phần còn lại của dân số, bao gồm trẻ em và giới trẻ. Ðó quả là viễn cảnh đáng sợ, bởi vì nếu SARS-CoV-2 được phép lây lan và sao chép một cách không kiểm soát, sẽ có thêm nhiều biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện”, giáo sư Young phân tích. Theo chuyên gia người Anh, nước này hiện cần kiểm soát mức độ lây lan, và tiêm phòng khoảng 80% dân số trước khi dỡ bỏ những biện pháp giới hạn xã hội.
Nhìn rộng ra hơn, những diễn biến hiện nay của Covid-19 hoàn toàn đúng với những gì mà Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở: “Chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền nhân loại”. Vắc xin phải được nhanh chóng phủ sóng toàn cầu, chứ không chỉ ưu tiên cho những quốc gia phát triển về kinh tế. Ðồng thời, khi được tạo điều kiện, mỗi cá nhân đều nên sốt sắng tiêm vắc xin. Nếu vẫn còn nhiều quốc gia hoặc cá nhân chưa được bảo vệ bằng vắc xin, thì nguy cơ về các “xưởng sản xuất biến thể di động” vẫn còn đe dọa thế giới.
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.