Chủ Nhật, 25 Tháng Mười Hai, 2022 10:00

Niềm vui Noel

 

Noel là dịp tỏa lan niềm vui cho bao người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc. Nhiều kỷ niệm cũ, không ít dự định sắp tới, cũng như các cảm nhận về mùa Giáng Sinh được ghi lại.

 

YÊU MẾN VẺ ÐẸP VĂN HÓA CÔNG GIÁO

Anh Lê Minh Tân (quận 12): Bên Phật giáo chúng tôi, ngày Phật Ðản mừng Ðức Phật ra đời, thì bên Công giáo là ngày Chúa Hài Nhi hạ sinh. Giáng Sinh đến là lúc gia đình tôi có dịp cùng nhau thưởng lãm vẻ đẹp nghệ thuật của hang đá, và những khu vực, tuyến đường, tuyến hẻm rực rỡ đèn giăng. Sự đoàn kết của người Công giáo nơi những xóm đạo đã tạo nên những công trình Giáng Sinh đậm chất văn hóa tôn giáo, mỗi năm mỗi đẹp hơn, sáng tạo hơn. Những công trình chào mừng Giáng Sinh tạo nên nét đẹp cho đường phố, khu xóm và là nơi thưởng lãm chung cho cộng đồng, cho mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy trong mùa Giáng Sinh, cảm nhận của riêng tôi là niềm vui, là sự an lành trong thời khắc cuối năm.


GIÁNG SINH CỦA NGƯỜI XA QUÊ

Ông Ðaminh Vũ Văn Tung (giáo xứ An Thái, Tổng Giáo phận Hà Nội): Sau mấy mùa Giáng Sinh liền không thể về quê vì dịch Covid-19, nay tôi có dịp về thăm đại gia đình ở Nam Ðịnh từ ngày 23.12 để cảm nhận không khí đại lễ nơi giáo xứ Thạch Bi quê nhà. Sau đó, tôi lại “lên đường” vào Hà Nội để đón Giáng Sinh cùng với vợ con. Ðộ hơn chục năm về trước, giáo dân xứ Thạch Bi chúng tôi đời sống còn khó khăn, nên mỗi mùa Noel đến chỉ có thể làm hang đá nơi nhà thờ. Khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế khấm khá hơn, nên mỗi gia đình đều làm hang đá, đều có ngôi sao Giáng Sinh trước nhà. Ðặc biệt, mỗi khu giáo cũng có hang đá lớn do các gia đình giáo dân góp sức hoàn thành. “Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, lời hát này càng phù hợp với tiết trời lạnh giá lối chừng chỉ hơn 10 độ nơi quê nhà xa xôi. Thật không thể nào quên được, vào đêm mừng Chúa Hài Nhi ra đời, nhà nhà thắp đèn ngôi sao, “lên đèn” hang đá, rồi cùng nhau đến thánh đường dự lễ. Sau đó là tiệc mừng ngày đại lễ bên nhau. Bao năm qua, gia đình tôi rời quê vào Hà Nội sinh sống, Noel của người xa quê không được vui vầy như ở quê nhà, nhưng vợ chồng con cái tụ về bên nhau, cùng tham dự nghi thức diễn nguyện Giáng Sinh và thánh lễ đêm cách sốt sắng. Giáo xứ An Thái nơi gia đình tôi đang cư ngụ, dịp lễ Giáng Sinh thu hút rất đông người ngoại giáo đến dự. Tôi cảm nhận niềm hạnh phúc vì cho dù trong cảnh xa quê, vẫn có nơi để được đón Chúa Hài Nhi trong không khí ấm cúng, linh thánh.


NHỚ NHỮNG MÙA NOEL

Anh Vũ Văn Chức (Nhân viên truyền thông, quận Bình Thạnh): Là một Phật tử ở tỉnh Nghệ An, nhớ mỗi khi Noel về, tôi thường đến nhà bạn bè là người Công giáo ở Nghi Lộc, Nghi Phú để mừng tiệc cùng nhau. Khi vào TPHCM học đại học, tôi lại được cùng bạn bè đến thăm xóm đạo ở đường Phạm Thế Hiển (quận 8). Chúng tôi thong dong đi bộ vài cây số để ngắm hang đá mà không biết mỏi, vì nơi đây quá đẹp, quá rực rỡ sắc màu. Lần làm tôi nhớ nhất là vào một dịp Noel nọ, tôi cùng 3 người bạn nữa đi phát quà. Chỉ có một bộ quần áo ông già Noel mà chia nhau mỗi người một món, vì không có tiền mua mỗi người một bộ: bạn mặc áo, bạn đội mũ, bạn khoác giỏ quà... Hiện nay, tất cả đã ra trường và đi làm nhiều năm, mỗi mùa Noel đến, chúng tôi lại cùng nhau chia sẻ niềm vui và gởi lời chúc mừng đến bạn bè. Qua lại dưới những con đường giăng đèn lung linh, những nơi có hang đá, trong tôi là cảm giác ấm áp, bình yên nơi đất khách quê người.


NGUYỆN CẦU CHO TÌNH YÊU THƯƠNG, ÐOÀN KẾT

Chị Têrêsa Ka Riệp (giáo xứ B’Sumrắc, GP Ðà Lạt): Hiện tại, giáo xứ tôi đang trong lúc thu hoạch mùa màng khá bận rộn, nhưng các gia đình tín hữu vẫn dành thời gian tham dự thánh lễ, tĩnh tâm cách sốt sắng, lãnh nhận Bí tích Giải tội và hoàn thành hang đá Chúa Hài Nhi theo mô hình ngôi nhà sàn truyền thống của buôn làng. Với đồng bào sắc tộc chúng tôi, Giáng Sinh là ngày đại lễ cao trọng trong mỗi năm. Ðược sự đồng hành của vị linh mục cũng là người sắc tộc, bà con tín hữu mừng lễ với tâm tình tạ ơn và chú trọng vào chiều sâu, không tổ chức tiệc mừng linh đình. Ðêm 24, giáo dân chúng tôi vui mừng khoác lên mình những trang phục truyền thống, đến nhà thờ dự lễ và tham gia đoàn rước kiệu Chúa Hài Nhi cùng với đoàn cồng chiêng. Ðêm 25, sau thánh lễ là chương trình văn nghệ mừng Chúa Giáng Sinh với sự tham gia của tất cả các đoàn thể. Hòa chung niềm vui ngày Chúa ra đời, chúng tôi nguyện cầu tình yêu Giáng Sinh luôn hiện diện và hun đúc tình yêu thương, đoàn kết trong giáo xứ, nơi buôn làng và trong từng gia đình tín hữu.


CHIA SẺ NIỀM VUI LIÊN TÔN

Chị Maria Trần Thị Út Hiền (giáo xứ Gò Vấp, TGP TPHCM): Gia đình chồng tôi là những Phật tử. Từ khi về làm dâu, gia đình có thêm niềm vui trong những ngày đại lễ. Là một kế toán, cuối năm là lúc bận rộn nhiều với công việc, nhưng tôi luôn dành thời gian chuẩn bị tâm hồn và những thứ cần thiết cho gia đình để đón mừng Noel một cách tươm tất. Nấu nướng hoặc chọn đặt mua những món ăn ngon, chúng tôi mời mẹ chồng cùng vui với gia đình nhỏ. Không theo đạo vợ, nhưng chồng vẫn cùng tôi và các con tham dự thánh lễ trọng thể. Sau đó chúng tôi tụ họp về nhà các anh chị ruột ở thành phố để cùng nhau mừng lễ đến khuya. Vào những giây phút vui vầy bên nhau, anh chị em tôi gọi điện thoại chúc mừng Giáng Sinh đến cha mẹ và mọi người nơi quê nhà. Vào ngày Phật Ðản, vợ chồng tôi cũng chủ động mở tiệc mừng theo truyền thống tôn giáo của gia đình chồng, chúc mừng mẹ chồng cùng các anh chị. Mong rằng niềm vui, niềm hạnh phúc dưới mái nhà liên tôn sẽ luôn vững bền và ngày càng được nhân lên.

 

 
Bích Vân (thực hiện)
 
 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm