Israel đang triển khai dự án tiến tới khôi phục mực nước ở Biển hồ Galilee, vốn đang cạn dần vì hạn hán, nhiệt độ tăng trên toàn cầu và khai thác nước quá mức từ các cộng đồng xung quanh.
Tình trạng lượng mưa bất thường, biến đổi khí hậu và sử dụng nước đang đe dọa sự tồn tại của Biển hồ Galilee, hồ nước ngọt thấp nhất thế giới. Israel hiện lên kế hoạch giải cứu địa điểm rất nổi tiếng với các Kitô hữu, tiến tới khôi phục và duy trì nguồn nước ngọt chính của quốc gia này. Ðể thực hiện, chính quyền Tel Aviv quyết định tận dụng mạng lưới các máy bơm, đường ống và đường hầm được xây dựng từ thập niên 1960, theo AFP dẫn thông tin từ Cơ quan Cung cấp Nước Quốc gia Israel.
![]() |
![]() |
Nhu cầu cấp bách
Nhà nghiên cứu Noam Halfon của Cơ quan Khí tượng học Israel cho biết nhiệt độ trung bình của nước này chỉ mất khoảng 20 năm để tăng thêm 2 độ C. Biển hồ Galilee vừa trải qua một mùa đông ướt át, nhưng điều này vẫn chưa thể cứu vãn mực nước xuống thấp trong giai đoạn hạn hán vào các năm từ 2014 đến 2018. Và chuyên gia Halfon cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước.
“Một số mô hình khí hậu dự báo Israel sẽ ít mưa hơn trong thời gian tới, giảm từ 10% đến 15% lượng mưa trung bình trong nửa cuối thế kỷ 21”, theo ông Halfon. Bên cạnh đó, việc dân số đang gia tăng nhanh chóng cũng cần đến dự án cơ sở hạ tầng nguồn nước mới. “Cứ mỗi 30 năm, dân số Israel lại tăng gấp đôi. Nếu không có dự án (bơm nước ngọt cho Biển hồ Galilee), tình hình sẽ vô cùng bi kịch”, ông phân tích.
Ông Ziv Cohen, kỹ sư của công ty nước Mekorot, là người tham gia dự án khử mặn nước biển và chuyển vào Biển hồ Galilee. Nhìn từ xa, các vùng đồi xung quanh hồ nước ngọt này tràn đầy hoa dại, nhưng ông Cohen cảnh báo rằng những gì đang trải ra nước mắt hoàn toàn không phản ánh thực trạng tại khu vực. “Trong những năm gần đây, ai nấy đều cảm thấy áp lực từ việc giảm lượng mưa”, nhất là khu vực xung quanh Biển hồ Galilee, theo ông.
Với kinh phí hơn 300 triệu USD, dự án trên đến cuối năm nay sẽ đảo ngược dòng của hệ thống vốn từ trước đến nay vẫn đưa nước hồ đến những nơi khác trên lãnh thổ Israel. “Thời điểm luồng nước bắt đầu chảy qua hệ thống đường ống, đưa nước từ các nhà máy xử lý nước biển của Israel, chúng ta có thể nâng mực nước của Biển hồ Galilee”, kỹ sư Cohen cho hay.
![]() |
![]() |
Lắp đường ống đưa nước từ các nhà máy xử lý nước biển của Israel đến Biển hồ Galilee |
Nhà máy xử lý nước biển
Trong khi đó, tại nhà máy khử nước biển Hadera cách bờ Ðịa Trung Hải khoảng một giờ chạy xe, ông David Muhlgay, Tổng Giám đốc điều hành công ty OMIS, rót một ly nước vừa được nhà máy xử lý xong. Nhà máy Hadera của OMIS là một trong 5 nhà máy xử lý nước biển từ Ðịa Trung Hải thành nước ngọt của Israel. “Chúng tôi từ một quốc gia khan hiếm đã trở thành nơi dồi dào nước ngọt trong 15 năm qua”, theo ông Muhlgay. Nhà máy của ông xử lý 137 triệu mét khối nước ngọt mỗi năm, chiếm 16% nguồn cung cấp nước uống cho Israel. Công suất của nhà máy còn có thể tăng lên 160 triệu mét khối nước, và vì thế, ông Muhlgay sẵn sàng tham gia dự án mới.
Công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt đã mở ra cánh cửa tiềm năng về quan hệ ngoại giao và tất nhiên cả cơ hội hợp tác xuyên suốt vùng Trung Ðông vốn khan hiếm nước. Hiện Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Bahrain và Ma Rốc. Năm ngoái, Israel, Jordan và UAE nhất trí về mặt nguyên tắc cho kế hoạch trao đổi điện mặt trời ở Jordan lấy nước ngọt của Israel. Theo giới hữu trách, nguồn nước này sẽ đến từ Biển hồ Galilee.
Ông Muhlgay cho biết nhà máy đã đón tiếp nhiều khách tham quan đến từ Ma Rốc và công ty cũng gởi đoàn đến UAE tìm cơ hội hợp tác. “Công nghệ của Israel đang thu hút nhiều mối quan tâm từ nước ngoài”, theo ông Muhlgay. Tuy nhiên, các nhà vận động bảo vệ môi trường vẫn tỏ ra lo ngại về việc Israel đang ngày càng dựa vào nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng vận hành các nhà máy xử lý nước. Nhà máy Hadera sử dụng nhiên liệu từ than đá và khí đốt, trong khi thế giới đang nỗ lực giảm mạnh những nguồn năng lượng góp phần gây hiệu ứng nhà kính. Ông Muhlgay cũng thừa nhận nhà máy không thể dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo. Vẫn chưa rõ Israel sẽ có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này hay không.
![]() |
![]() |
Biển hồ đang cạn dần vì hạn hán, nhiệt độ tăng trên toàn cầu |
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.