Gần đây, bà con trên mạng xã hội bàn tán nhiều về một số cách xử sự “kém sang” của người quản lý khi khách hàng phản ánh thái độ phục vụ của quán ăn, nhà hàng, cửa tiệm... Họ bênh nhân viên, đổ lỗi cho khách hàng, thờ ơ với những góp ý từ người đến mua hàng thậm chí còn miệt thị chê bai thân thể và vẻ ngoài của họ. Rồi những va quẹt, đụng chạm khi chen lấn, xếp hàng biến thành vụ đôi co, gây gổ. Có cả những vụ báo mạng đưa tin ai đó tham gia “mặt trận giao thông” khi đụng xe bỗng hóa thành tử sĩ (không chết vì tai nạn mà thiệt mạng vì ẩu đả với đối phương).
Nhà tâm lý học kiêm nhà văn Harriet Lerner trong cuốn sách “Vì sao bạn không xin lỗi?” (Why won’t you apologize?), chương đầu tiên đã nhận xét: “Xin lỗi không chân thành chắc chắn sẽ làm người khác không vừa lòng thậm chí còn mang đến tổn thương. Nếu xin lỗi đi kèm từ “nhưng mà” lại là một kiểu lấy cớ, làm mất đi thành ý của lời xin lỗi”.
Không nhận lỗi cũng có nhiều kiểu: Lờ đi coi như không biết, không nghe, không thấy. Quay lưng bỏ đi khi có chút sai sót với người dưng bằng cái tặc lưỡi “Chậc, có gì to tát đâu”. Xin lỗi quanh co, bao hàm những lời giải thích, bao biện cho lỗi của mình. Cắt ngang, tranh luận, phản bác cái lỗi lè lè do mình gây ra. Ðổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh khách quan, thậm chí cho chính nạn nhân. Ðó là chưa kể một số người coi xin lỗi là “vẽ vời, khách sáo”, “mồm miệng đỡ chân tay”, “người ta im im (tức là không gân cổ cãi) là đã biết lỗi rồi”, “chỉ cần thể hiện bằng hành động”.
![]() |
Tại sao cất lời xin lỗi một cách thành thực, không ngại ngần lại khó khăn đến thế?
Hàng tràng những câu chém gió, thậm chí gây sát thương cho người nghe còn nói được, mà chỉ hai từ “xin lỗi” lại chẳng dễ nói chút nào? Tôi xin tóm tắt vài lý do người ta có lỗi mà không xin:
lCon người vốn có tính phòng thủ thâm căn cố đế. Ðẩy bản thân phải trực tiếp chịu trách nhiệm về những hành vi của mình là “dại”, là để người khác dồn mình vào thế bất lợi, “mua dây buộc mình”, “chuốc vạ vào thân”.
lXin lỗi là thừa nhận lỗi lầm của mình, tất nhiên sẽ khiến “người đi xin” bị rơi vào thế yếu, dễ bị quê độ. Biết lời xin lỗi của mình có được đối phương tiếp nhận hay lại khiến mình thêm “mất mặt”. Từ chối lời xin lỗi là quyền của người bị hại, cho dù lời xin lỗi này có chân thành đến đâu! Nếu người bị hại cảm thấy sự xúc phạm này là quá lớn, chẳng hạn cha mẹ của một đứa trẻ bị xâm hại tình dục hoặc thân nhân một người vô tội bị đoạt mạng, không thể chỉ nghe một câu “Là lỗi của tôi” là xong.
lBởi cái tôi quá lớn. Cái tôi tự cho phép được quyền làm người khác đau vì mình thì cũng chính cái tôi ấy không muốn phải nhún nhường nhận lỗi. Ngược lại, có những người quá dễ dàng “ngàn lần xin lỗi nhau” mà chẳng chịu sửa lỗi, vì quá xem nhẹ cái lỗi ấy.
lPhải chăng xin lỗi luôn đi kèm với việc phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại? Thế nên một số người tránh xa câu xin lỗi vì sợ phải thừa nhận mình yếu kém hoặc phải đền bù.
Vì xã hội thiếu chuẩn mực nên chẳng ai tôn trọng ai. Vì không có thói quen đó...
Không quen thì tập dần thành quen
Bắt đầu từ việc biết giá trị của lời xin lỗi:
Xin lỗi là dũng khí, giúp người bị thương tổn cảm thấy được an ủi, khiến họ khó có thể nói lời chỉ trích, những thống khổ và phẫn nộ trong lòng cũng được giải thoát. Và cũng mang đến cho chính bản thân người nói lời xin lỗi lòng tự trọng, thành thật và sự chín chắn.
Xin lỗi là một loại năng lực, giúp ta nhận thấy hành vi của mình đã ảnh hưởng như thế nào đến người khác, biết gánh chịu trách nhiệm và trả giá. Xin lỗi không nhất thiết do mình có lỗi thực sự, đôi khi chỉ là đã làm buồn lòng người khác.
Lời xin lỗi ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách làm hòa mà còn là một nghĩa cử bày tỏ rằng mình tôn trọng phẩm giá của người đó.
THẠC SĨ - BÁC SĨ LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.