Họa sĩ Lê Thị Lựu, sinh ngày 19.1.1919 tại làng Thổ Khối, tỉnh Bắc Ninh. Bà là nữ sinh đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương (thi đậu khóa III, năm 1927) và của Việt Nam, bởi thời hậu phong kiến, ngành hội họa bị coi là lãng mạn, không hợp với nữ giới.
![]() |
Năm 1929, bà đã có hai tác phẩm đầu tay được nhiều người yêu thích trong cuộc triển lãm chung của trường, đó là hai bức sơn dầu Chân dung ông Hai và Thiếu nhi vườn chuối. Tháng 11 năm này, báo L’Avenir đưa tin, sau đó đăng lại trên phụ trương tiếng Pháp của báo Nam Phong số 145, trong đó tác giả Yvonne Schultz viết:“Bức tranh rất thú vị của cô Lựu, năm thứ ba, trình bày mấy đứa trẻ quanh cây chuối. Tôi tin rằng đó là một bức tranh duy nhất cho thấy đứa nhỏ có một cái bụng đầy cơm, điều đáng yêu là người vẽ đứa nhỏ kia là một phụ nữ trẻ, người ta thấy trong bức tranh đó một tình cảm rất dịu hiền đối với trẻ thơ. Bức thứ hai là chân dung người ông cậu với nét vẽ bạo dạn làm nhớ tới Reynolds (một trường phái họa và điêu khắc mới)”.
![]() |
4 năm sau, tranh của Nguyễn Thị Lựu được Hiệp hội nữ họa sĩ và điêu khắc trưng bày trong một cuộc triển lãm, đoạt giải nhất và nữ họa sĩ được kết nạp vào làm thành viên của hội.
Bà tốt nghiệp thủ khoa năm 1933, sau đó có 7 năm được mời dạy vẽ tại nhiều trường danh tiếng như trường Bưởi, trường Hàng Bài (Trưng Vương sau này), trường Làm Ren, trường Hồng Bàng và trường Mỹ thuật Gia Ðịnh. Năm 1940, bà sang Pháp tu nghiệp, lập gia đình và sống ở Pháp luôn.
Ngoài tài vẽ, bà còn làm thơ, làm báo, cộng tác với các báo uy tín thời đó như Ngày Nay, Phụ Nữ Tân Văn, Ðàn Bà Mới.
Tác phẩm của bà không nhiều (khoảng 300 bức), lưu lạc nhiều, một ít còn giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 29 bức được gia đình tặng Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại là bạn bè lưu giữ.
Nhận xét về bà, các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá chung rằng“Chuyên sơn dầu và lụa, ảnh hưởng Renoir và Bonnard, màu sáng, nhẹ nhàng, diễn tả không gian chủ yếu bằng điệu thức màu thay vì độ tương phản đậm nhạt theo truyền thống, ít cảnh, nhiều người, chủ yếu ba “thiếu”: thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi. Chân dung người đẹp theo khuôn khổ cổ điển, mặt trái xoan, cân đối, hài hòa, màu tươi sáng phảng phất buồn thanh bình. Thuộc trường phái ấn tượng cổ điển nhưng thấm đẫm tính chất Á Ðông”.
Ngày 6.6.1988, bà mất tại Autibes (Pháp) cùng năm ra đi của Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên.<
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.