Ðược Thượng viện thông qua, bà Ketanji Brown Jackson đã làm nên lịch sử, trở thành nữ thẩm phán gốc Phi đầu tiên kể từ khi Tòa án Tối cao thành lập năm 1790.
Sau những tuần lễ vận động và các phiên điều trần công khai tại Thượng viện, bà Jackson ngày 7.4 đã trở thành nữ thẩm phán với số phiếu 53 ủng hộ và 47 phiếu chống, theo Hãng tin AP. Nữ thẩm phán, hiện công tác tại tòa phúc thẩm ở thủ đô Washington D.C, sẽ thay thế thẩm phán Stephen Breyer, 83 tuổi, khi ông về hưu vào mùa hè năm nay.
![]() |
Cuộc bỏ phiếu lịch sử
Ở tuổi 51, bà Jackson dự kiến sẽ đảm nhiệm vai trò trên trong nhiều thập niên tới. Trên thực tế, sự có mặt của bà khó làm lay chuyển thế cục hiện tại ở Tòa án Tối cao Mỹ, với thế đa số là 6-3 nghiên về phe bảo thủ. Tuy nhiên, sự gia nhập của nữ thẩm phán đóng vai trò lịch sử, trong bối cảnh Tối cao Pháp viện chứng kiến lần đầu tiên nam bị đẩy vào thế thiểu số và có 4 phụ nữ là thẩm phán.
Bà Kamala Harris, người phụ nữ gốc Phi đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ, chủ trì phiên bỏ phiếu tại Thượng viện ngày 7.4. Trước khi bước vào phiên bỏ phiếu cuối cùng, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer phát biểu: “Hôm nay, chúng ta đã đạt được bước tiến lớn, quan trọng và táo bạo trên con đường đầy chông gai để thực hiện những lời hứa kể từ thời điểm lập quốc. Ðây không những là thời khắc tuyệt vời của thẩm phán Jackson mà thậm chí còn là khoảnh khắc quan trọng hơn thế nữa đối với nước Mỹ”. Còn tại Phòng Roosevelt của Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden và thẩm phán Jackson chứng kiến phiên bỏ phiếu qua màn hình trực tuyến. Ông Biden đã chia sẻ ảnh chụp với bà Jackson trên Twitter sau đó.
![]() |
Với hành động đề cử bà Jackson, Tổng thống Joe Biden đã hoàn thành lời cam kết được đưa ra trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Khi ấy, ông cam đoan sẽ đề cử người phụ nữ gốc Phi đầu tiên cho Tòa án Tối cao nếu đắc cử tổng thống và có cơ hội chỉ định ứng viên cho tòa này. Là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp Mỹ, Tối cao Pháp viện là tòa án duy nhất được thiết lập bởi Hiến pháp. Tổng cộng có 9 thẩm phán và đều được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm trọn đời. Tổng thống chỉ có thể đề cử nhân sự mới cho Tòa án Tối cao trong trường hợp một thẩm phán qua đời hoặc tự nguyện về hưu.
Cam kết trên đã giúp ông Biden giành được sự ủng hộ của Phó lãnh đạo đa số hạ viện là ông James Clyburn. Ðây là sự ủng hộ đóng vai trò xúc tác cho ông Biden giành được thắng lợi giòn giã tại kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở bang Nam Carolina. Nhờ chiến thắng này, ông Biden trở thành ứng viên của đảng Dân chủ đối đầu với Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump.
![]() |
Nỗ lực hơn 232 năm
Phát biểu từ khu vực phía nam Nhà Trắng ngày 8.4, một ngày sau khi được Thượng viện phê chuẩn, bà Jackson nói “phải mất 232 năm và 115 lần bổ nhiệm mới đến lúc một phụ nữ gốc Phi được chọn vào Tối cao Pháp viện Mỹ”. “Thế nhưng, chúng ta cuối cùng cũng làm được điều đó, tất cả chúng ta”, theo nữ thẩm phán. Trong các phiên điều trần công khai, bà cam kết theo đuổi con đường của một thẩm phán độc lập. Bà thề tận lực hiện thực hóa dòng chữ khắc trên tòa nhà của Tối cao Pháp viện - Công lý bình đẳng trước pháp luật - đảm bảo rằng dòng chữ này không chỉ tồn tại dưới dạng lý tưởng mà còn được thực thi trên thực tế.
![]() |
Bà Jackson trở thành thẩm phán của tòa án từng chối bỏ quyền công dân của người Mỹ gốc Phi trước đây |
Với sự hiện diện của cha mẹ và các con gái trong những phiên điều trần, bà Jackson nhắc lại trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện về cuộc hành trình xuyên thế hệ của gia đình. Cha mẹ bà là giáo viên trường công. Bản thân bà chào đời ở thủ đô Washington D.C và lớn lên ở Miami (Florida). Nữ thẩm phán theo học trường luật của Ðại học Harvard. Trong thời gian đại học, bà là biên tập viên của chuyên san về luật Harvard Law Review. Bà khởi đầu sự nghiệp pháp lý với việc làm thư ký cho 3 người, trong đó có thẩm phán Breyer của Tòa án Tối cao. Trước khi trở thành thẩm phán liên bang của tòa phúc thẩm D.C, bà giữ vai trò thẩm phán quận của Tòa D.C từ năm 2013 đến 2021. Bà Jackson cũng từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên án Mỹ từ năm 2010 đến 2014. Từ năm 2016, nữ thẩm phán là thành viên của Hội đồng Giám sát Harvard.
Việc được phê chuẩn đánh dấu hành trình không mệt mỏi của bà Jackson trong nỗ lực trở thành thẩm phán của tòa án từng chối bỏ quyền công dân của người Mỹ gốc Phi trước đây.
GIANG VÔ YÊN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.