Thật không gì hạnh phúc hơn khi trong gia đình mọi người đều khỏe mạnh, cơ thể lành lặn. Với những nhà chẳng may có người thân khuyết tật, các thành viên phải làm gì hay cư xử thế nào để giúp họ tự tin trong cuộc sống?
Phải chăng tất cả tình thương và sự ưu đãi đều dồn về người khuyết tật trong nhà? Có dịp gặp gỡ những người trong cuộc, chúng tôi được nghe chia sẻ về trải nghiệm của họ. Bà Trần Thị Mỹ, 65 tuổi (ngụ Q.5, TPHCM) kể: “Em gái nhỏ hơn tôi ba tuổi. Sau một cơn sốt lúc em 8 tuổi, em không thể đi được nữa. Sau này tôi biết em bị sốt bại liệt. Khi em gái xuất viện về, ba mẹ tôi đã phải cố gắng rất nhiều để em quen dần với cuộc sống mới...”. Cũng theo bà Mỹ, đỡ đần gì được cho em, các anh chị trong nhà đều làm hết dưới sự khuyến khích của ba mẹ. Tuy nhiên, sau một năm, gia đình nhận ra em luôn sống “dựa dẫm” vào mọi người, nhất là luôn cho rằng mình ở vị trí “ưu tiên một”. Thí dụ ăn gà, em luôn đòi cái đùi hoặc ức, những gì không ngon thuộc về ba mẹ, anh chị em khác... Và ba mẹ của bà Mỹ đã đổi lại cách giáo dục, gởi em tới trường chuyên biệt. Tại đó, cô em khuyết tật này được dạy cách biết tự chăm sóc mình như tắm rửa, giặt giũ quần áo, lau dọn giường sau khi ngủ, xếp mùng mền - những việc mà ở nhà, ba mẹ và các anh chị đều làm thay. Từ nếp sống đó, những ngày nghỉ lễ, về nhà, ba mẹ và cả gia đình bà Mỹ uốn nắn lại em một cuộc sống mới. Cuộc sống của một người khuyết tật “tàn” nhưng không “phế” khi biết tự lập, tự làm chủ bản thân mình, không ỷ lại dựa dẫm vào ai cả. “Ba mẹ vẫn tập cho con cuộc sống biết lo cho chính mình. Nhờ vậy, em tôi độc lập hơn. Em được giải phẫu chân để tập đi nạng, đi học và sau này có nghề đánh máy chữ để làm việc. Ðến thập niên 90, vi tính ra đời, em tập sử dụng vi tính và làm đến ngày về hưu”, bà Mỹ nói thêm.
![]() |
Dù xót cho người thân của mình không được lành lặn, cũng không nên tập cho họ một cuộc sống ỷ lại, cũng như suy nghĩ họ bị tật nên không thể làm bất cứ điều gì cho bản thân, và trên hết trong gia đình là thuộc hàng VIP, được nhận tất cả những gì tốt đẹp nhất từ mọi người. Như vậy hóa ra không phải thương yêu mà là hại chính họ bởi ba mẹ rồi cũng qua đời, anh chị em rồi sẽ có gia đình riêng với bao lo toan trong cuộc sống. Nếu không biết tự lo cho chính mình một tí gì, sẽ đến ngày họ trở thành “gánh nặng” cho anh chị em khi ba mẹ không còn nữa…
Cũng có trường hợp dù muốn, người khuyết tật cũng không thể tự lập. Ðó là trường hợp cô Mai Chi, 60 tuổi (Bình Hưng, Bình Chánh, TPHCM). Là giáo viên dạy Lý, từng là tổ trưởng tổ Lý một trường THPT. Ðến tuổi 45, cô bỗng thấy chóng mặt và ngã xỉu trên bục giảng. Khi đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, bác sĩ phát hiện cô có khối u tại não. Sau 2 lần phẫu thuật, cô bị liệt toàn thân vĩnh viễn. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã hết sức động viên, an ủi để tránh cho cô một cái chết tự tử bằng thuộc rầy. Ba má luôn nhỏ nhẹ. Anh chị, các cháu chăm sóc cô đều tránh tiếng thở dài, tặc lưỡi. Khi các cháu lớn, anh chị ra riêng và hùn tiền thuê người giúp cô. Mỗi tuần, cả nhà lại tụ họp ăn uống cùng người chị, người em, người dì, người cô bị liệt giường. Có mâu thuẫn gì, mọi người dẫn nhau ra quán nói chuyện để tránh tổn thương người mà hiện nay không thể tự chăm sóc chính mình và luôn cho rằng mình là gánh nặng của người thân.
Một chị quen biết ở xóm cũ của chúng tôi, cũng nằm trong số những người bị khuyết tật chân, mọi người vẫn gọi chị là “Xuân què”. Thật lạ, chị không mặc cảm. Lớn lên tôi mới biết ba mẹ chị đã nói cùng chị và các em trong nhà rằng chị bị như thế là “hy sinh” cho cả gia đình. Các thành viên trong nhà đều ý thức mình may mắn hơn để trân trọng người chị khiếm khuyết này, tạo cho chị sự tự tin, biết chấp nhận thực tại.
Trong nhà có người khuyết tật, người nhà không thể vì điều đó mà mặc cảm với hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp; phải dũng cảm nhận lấy sự thật để tiếp tục vui sống. Với người thân bị khuyết tật, cần cho họ dũng khí để sống; không nên đặt họ lên hàng được ưu tiên mọi mặt, như vậy dễ tạo ra sự dựa dẫm, ỷ lại. Một khi có người thân bị liệt, các thành viên trong nhà cũng không nên để họ mang mặc cảm là gánh nặng cho gia đình; cần giúp họ tìm được niềm lạc quan...
Gia đình có người khuyết tật không có gì là vấn đề to tát. Ðiều quan trọng của các thành viên trong nhà là hãy biến những cái “khuyết” thành những gì ấm áp nhất để có một mái nhà hạnh phúc.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.