Má tôi tuy nghèo nhưng vẫn bươn chải kiếm tiền cho chị em tôi ăn học, má vẫn nói: “Dù có cực khổ chút cũng không sao, miễn tụi bây đừng bỏ học là má vui rồi”.
Ba mất sớm, má một mình nuôi hai chị em chúng tôi. Nhà tôi ở sát mé sông một vùng quê miền Tây Nam bộ, căn nhà lá đơn sơ trước cửa có hàng rào hoa râm bụt. Má trồng rau, trồng chuối trên miếng vườn nho nhỏ do ông bà xưa để lại. Mỗi buổi sáng, mới hừng trời, má đã lom khom ngoài mấy liếp rau, lo cắt cho vô giỏ để chuẩn bị đem ra chợ bán. Má hâm cơm lại với ơ cá khó quẹt thơm phức rồi gọi hai chị em chúng tôi ra ăn lẹ để còn đi học. Trên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ, cả nhà ngồi ăn sáng, vừa ăn vừa nói chuyện thật vui. Mặt trời vừa lên, chị em tôi tranh thủ đến trường cho kịp giờ, còn bóng má với chiếc xe đạp và chiếc áo bà ba màu tím cũng khuất dần sau ngọn tre cuối xóm.
![]() |
Buổi trưa, tôi hay thắc mắc không biết má về từ lúc nào, nhưng hễ chúng tôi vừa đi học về tới cửa là đã nghe mùi thơm thức ăn trên bếp. Má ngồi trên chiếc giường tre đợi chúng tôi về để cùng ăn trưa. Tôi nhớ có lần mình vừa ăn vừa ngó bàn tay má và chợt nhận ra bàn tay gầy còm, các ngón tay chai sần, đầy những vết xước. Những ngón chân của má cũng vậy, đen đúa, bụi bặm… đúng chất một người phụ nữ miền quê. Mà cũng phải thôi, chiều nào má cũng quần quật ngoài vườn, quần xăn lên tới đầu gối, lúc thì xới đất, khi thì nhổ cỏ, bón phân, tưới rau…
Đêm về, má hay ngồi trên bộ ván ngựa nhìn ra ngoài sân, có hôm cạ cạ gót chân vào cục đá mài cho bớt những vết nứt, hay có khi lại ngồi bóp vai vì đau nhức, mùi dầu lan toả khắp gian nhà. Vậy mà khi tôi hỏi có cực không thì má luôn bảo:“Ui, bấy nhiêu đó nhằm nhò gì với má. Hồi xưa bà ngoại còn cực hơn má gấp mấy lần. Chuyện nhỏ con ơi!”. Ngoài miệng thì nói vậy thôi chứ tôi biết má rất cực, chỉ là trước mặt con cái má luôn tỏ ra nhẹ nhõm. Nhiều khi trong xóm có những mối nấu đám cưới, má cũng hay đi phụ để kiếm tiền thêm, có khi tới khuya mới về, lúc chị em tôi đã vào nằm trong mùng, ngó ra thấy má vẫn lụi cụi ngồi ăn cơm.
Ngày càng lớn, tôi càng thương má nhiều hơn, hiểu được những vất vả mà má đã chịu cả một đời. Chị em tôi lớn lên từ những công lao của má, từng hạt cơm, từng đôi dép, bộ đồ đều được đánh đổi bằng chính mồ hôi và nước mắt. Bao nhiêu năm ròng, sự vất vả thấy rõ qua những vết chai trên đôi tay và vết nứt trên bàn chân của má.
Chị hai tôi giờ đã là một cô giáo trong xóm, còn tôi là một sinh viên đại học sắp ra trường. Nhiều đứa trẻ bằng tuổi chúng tôi trong xóm học hết cấp 1, cấp 2 là nghỉ rồi, nhưng một mình má vẫn có thể nuôi chúng tôi đến ngày hôm nay.
Lâu lâu về quê, tôi thấy má ngồi trên chiếc võng mắc ngang mấy cây cột dầu, mắt đăm chiêu ngó ra bờ sông, gió chướng thổi rụng rơi mấy bông so đũa ngoài sân trắng ngần. Tóc má lốm đốm bạc phất phơ trước gió… Trong nhà, tụi học trò đang được chị hai dạy đọc chữ, rành rạnh từng chữ một:“Ôm con mẹ đếm sao trời/ Đếm sao cho hết một đời long đong”.
MINH KHIẾT
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.