Thứ Tư, 15 Tháng Mười Hai, 2021 15:14

Ðồng cảm khi nghĩ về những người lao động nhập cư

 

Ðọc bài viết “Trở lại” của Nguyễn Ngọc Hà trên trang Gia Ðình CGvDT số 2319, là một cư dân Sài Gòn, tôi cũng đồng cảm với tác giả khi nghĩ về những người lao động nhập cư ở thành phố này.

 

Sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, tôi cũng đã được gặp lại dáng ngồi của người phụ nữ miền Trung với hàng bánh bột lọc quen thuộc bao năm. Vì đã phải “nhịn” món khoái khẩu này một thời gian, nên khi thấy chị, mắt tôi sáng hẳn lên và mua liền ba chục cái bánh để nhâm nhi. Tôi tẩn mẩn bóc từng lớp lá chuối cho bánh vào tô. Từng tấm bánh dẻo dẻo trong trong được làm bằng bột năng với nhân tôm đỏ au, càng thôi thúc tôi phải bóc nhanh lên nữa. Ðây là một đặc sản từ xứ Huế, được người phụ nữ từ quê miền Trung mang vào Sài Gòn. Như chị nói, đây là nghề gia truyền mà chị đã được học từ bà và mẹ của mình rồi lấy đó làm việc mưu sinh hằng ngày. Vào Nam làm và bán bánh, công việc đem lại thu nhập giúp chị đỡ đần được cha mẹ nơi quê nhà. Và cũng như nhiều người nhập cư khác, khi Covid-19 như một cơn lốc tràn tới, nhịp sống ở chốn Sài thành này bỗng trở nên chênh chao. Chị không còn mang những tấm bánh bột lọc bọc lá chuối ra bán được nữa. Phải chôn chân ở nhà trọ. Nghe cha mẹ báo quê nhà vẫn còn “êm”, chị lên xe rời thành phố. Tròm trèm gần 4 tháng tránh dịch Covid, chị nghỉ cũng đồng nghĩa “cắp” cả hàng bánh bột lọc về quê nhà. Khi dịch bệnh có phần giảm bớt, chị quay lại cuộc mưu sinh bởi “ở nhà không có việc chi làm, thôi cứ vào Nam, tiếp tục làm bánh có đồng ra đồng vô cũng đỡ”. Thế là chị đã “nối” nỗi nhớ của nhiều người, trong đó có tôi. 

VGP News :. | Di cư lao động 'thoáng hơn', ASEAN sẽ tăng trưởng cao hơn |  BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

 

Dịch giã đã tác động không nhỏ đến cuộc sống thường ngày nhưng cũng khó làm thay đổi thói quen của những người chuộng món ăn dân dã. Tấm bánh bột lọc nhân tôm đã thành cái “duyên” của đất Thần Kinh nơi phố thị này! Vì một lý do “chẳng đặng đừng”, người bán bánh phải tạm ngừng việc, để cho khách quen một sự mong chờ, nhớ nhung...

Cũng như tác giả bài viết “Trở lại”, tôi mừng vì được gặp lại những con người lao động chân chất. Khi thèm một món đặc sản vùng miền, tôi đã có thể thỏa mãn cơn “ghiền” với những quán hàng đơn sơ, giản dị mà chẳng cần cầu kỳ tìm một nhà hàng sang trọng, đắt đỏ nào đó.

 

ÐOAN TRANG

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm