Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non hiện nay đang được rất nhiều trường có kế hoạch phát triển và có những phương pháp giáo dục phù hợp để vừa kết hợp vui chơi, học tập vừa giúp các bé sớm hoàn thiện nhân cách và khả năng tự lập trong cuộc sống khi trưởng thành...
![]() |
Khi các trường đầu tư giáo dục kỹ năng sống
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay các trường mầm non đang có những bước chuyển biến rất đặc biệt. Nếu trước đây chỉ dạy các cháu vui chơi, học tập thì bây giờ tập trung vào giáo dục các kỹ năng cần thiết cho trẻ như kỹ năng sinh tồn, nhận thức bản thân, giao tiếp ứng xử, tự lập, làm việc nhóm, làm việc nhà… Cô Hoàng Giang (Hiệu Trưởng trường Mầm Non Công Nghệ Cao, Q.9 - TPHCM) cho biết: “Kinh nghiệm sống cho trẻ là một trong những hoạt động giáo dục thiết yếu và quan trọng vì nó dần hình thành những thói quen và hành động tích cực, cho trẻ có cơ hội phát triển nhân cách đầy đủ và đúng hướng. Ví dụ như việc rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, biết nói lời xin lỗi, lời cảm ơn… Từ những hành động đơn giản, nhưng trẻ sẽ có thói quen tốt, kỹ năng hay trong cuộc sống. Lớn lên một chút (với những bạn lớp chồi, lá) trẻ có thể nhận thức được tình huống nguy hiểm cho bản thân, bạn bè, biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm, cũng như chia sẻ với người lớn khi gặp khó khăn, hoạn nạn”.
Tại trường Mầm Non Thế Giới Xanh (Thủ Ðức, TPHCM) việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ được đầu tư rất bài bản và được phía nhà trường cũng như phụ huynh rất quan tâm. Ðể tạo hứng thú trong việc học kỹ năng sống cho trẻ, trường thường tổ chức các chuyến dã ngoại, hình thức vừa tham quan vừa trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, hay các điểm du lịch. Cô Hoàng Minh Trang, giáo viên trường chia sẻ: “Mỗi khi có các chuyến dã ngoại, các bạn nhỏ rất thích, vừa được chơi vừa được trải nghiệm thực hành đóng vai làm nông dân, làm bác sĩ, đầu bếp, thợ cắt tóc, cảnh sát…, qua đó cũng giúp các bé vui chơi, sống hòa đồng với bạn bè”. Cũng theo cô Trang, để các hoạt động giáo dục hiệu quả, nhà trường cũng chú trọng phương pháp làm mẫu nêu gương để các em bắt chước vì trẻ 2 tuổi trở lên đều học cách nhận biết, bộc lộ tình cảm và kỹ năng xã hội qua sự quan sát và bắt chước người lớn xung quan. Ðồng thời, sử dụng phương pháp trò chơi phân vai để trẻ có nhiều cơ hội thể hiện, tích lũy kỹ năng, giúp trẻ hiểu bản thân hơn và học cách giao tiếp, giải quyết tình huống nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày”.
![]() |
Quan tâm phát triển các kỹ năng sống cho trẻ, sẽ giúp các em hình thành những thói quen tốt ngay từ nhỏ, rất có ích cho cuộc sống sau này…
|
Và kết quả...
Thực tế, nhiều phụ huynh cảm thấy con mình tự tin, hoạt bát, sáng tạo và tự lập trong sinh hoạt cá nhân sau một thời gian đi học. Nói về kết quả của việc học kỹ năng từ trường, chị Nguyễn Minh, một phụ huynh có con học tại trường mầm non Hoàng Yến (Thủ Ðức) cảm nhận: “Trước đây, bé nhà tôi rất nhút nhát, nhưng khi được các cô cho đi chơi dã ngoại, khám phá nhiều, bé đã mạnh dạn hơn. Có lần tham gia dã ngoại tại doanh trại, bé đã được sinh hoạt, sắp xếp đồ, tập thể dục cùng các chú bộ đội. Khi về nhà, bé có thể tự gấp chăn gọn gàng và khoe về ngày dã ngoại của mình. Thấy con nhanh nhẹn, hiểu biết nhiều thứ, tôi thấy an tâm và vui lắm!”.
Anh Nguyễn Minh Ðức (Q.5, TPHCM) thì hào hứng khoe những hiểu biết mà con đã học tại trường mầm non Tuổi Thơ. Nếu trước đây bé hay ngủ nướng thì hiện nay đến trường mỗi ngày với con anh là một niềm vui mới. Hầu như ngày nào bé cũng huyên thuyên kể về những hoạt động tại lớp cùng cô và các bạn. “Do là con một nên ông bà và ba mẹ trất cưng chiều, muốn gì được nấy nên bé hay làm nũng để được những thứ mình cần. Còn bây giờ thì khác, bé tự lập hơn, biết tiết kiệm và thậm chí còn phụ giúp mẹ làm việc nhà như quét nhà mỗi sáng khi thức dậy trước khi đi học. Ngoài ra, bé quan sát thế giới xung quan rất nhanh, có khi tôi cũng cảm thấy rất bất ngờ vì cứ nghĩ những thứ ấy con mình chưa biết vì còn quá nhỏ”, anh Ðức nói.
![]() |
Chuyện trẻ đi học mầm non luôn khiến phụ huynh lo lắng vì sợ con mình bị bạo hành, việc kiểm tra máy quay giám sát (camera) thường xuyên không còn là điều xa lạ với hầu hết phụ huynh. Nhưng với chị Lê Thy (Thủ Ðức) thì lại khác, một khi tin tưởng gởi con đi nhà trẻ thì không cần phải xem camera. Ðó cũng là cách để các cô giáo giảm áp lực cũng như cho con mình có sự thoải mái, vô tư với tuổi của chúng. Không giám sát qua thiết bị công nghệ song chị Thy có thói quen hay liên hệ với cô giáo và ngược lại, cô cũng luôn chủ động gọi cho gia đình khi có vấn đề gì. Như có lần học kỹ năng sống về nhập vai, con chị Thy bị bạn cùng lớp cắn bầm cánh tay phải do bọn trẻ dành bộ đồ chú cảnh sát giao thông. Vết thương gần 1 tháng mới lành. Cô giáo đã gọi điện xin lỗi rất nhiệt tình, gia đình vì thế cũng thông cảm và xem như không có gì; vả lại, chị Thy nghĩ, bọn trẻ giành đồ chơi với nhau là chuyện bình thường, có va chạm như vậy mới trưởng thành hơn.
Qua sinh hoạt hằng ngày cho thấy, nếu kết hợp việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non vào sinh hoạt thì bé sẽ ghi nhớ lâu hơn vì những hành động này sẽ được lặp đi lặp lại mỗi ngày và trở thành thói quen. Vì thế, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non nên được nhà trường và phụ huynh quan tâm đúng mực, để các em hình thành được thói quen tốt ngay từ nhỏ, bắt đầu với những việc bé nhất; khi lớn lên, những trẻ này có thể ứng biến nhanh nhạy với những tình huống trong cuộc sống và có khả năng tự bước đi trên đôi chân của chính mình.<
Võ Hồng Tuấn
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.