Thứ Tư, 26 Tháng Tám, 2020 14:45

Phòng bệnh cho người già mùa Covid

 

Dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam, lần này tập trung ở Ðà Nẵng, không chỉ dừng lại ở việc lây lan mà còn khiến bệnh nhân tử vong. Theo ghi nhận, phần lớn người không qua khỏi ở độ tuổi trên 60, vướng các bệnh nền về tim mạch, tiểu đường. Vấn đề này lại đặt ra cho con cháu việc quan tâm, chăm sóc cha mẹ, ông bà lớn tuổi trong gia đình, làm sao để các cụ không gặp phải dịch bệnh nguy hiểm!

Người già thường không đi ra ngoài nhiều, nhất là các cụ ngoài 70 tuổi. Tuy nhiên, không thể nói các cụ không có nguy cơ bị nhiễm bệnh từ bên ngoài. Bởi nguồn lây nhiễm có thể đến từ những người thường xuyên tiếp xúc với các cụ như người giúp việc, con cháu trực tiếp chăm sóc trong nhà. Vậy nên, chính những đối tượng này cần phải ý thức hạn chế với “thế giới bên ngoài” để không trở thành người lây nhiễm F1 cho các cụ.

Bà Trần Thanh Tâm, 64 tuổi (Q.Phú Nhuận, TPHCM) cho biết, bà đã lớn tuổi và có bệnh nền là tim mạch, lại đang chăm sóc người cha già 94 tuổi nên bà rất hạn chế ra ngoài. Nếu phải đi chợ hoặc mua nhu yếu phẩm, bà cẩn thận mang khẩu trang, rửa tay bằng cồn sát khuẩn sau khi về nhà. Lúc ở nhà, bà cũng luôn rửa tay thường xuyên, nhất là trước lúc cho ông cụ ăn uống…

Ðôi lúc sự cẩn thận cũng khiến người khác khó chịu nhưng theo anh Nguyễn Văn Sơn, 40 tuổi (Q.1, TPHCM) thì “như vậy vẫn hơn”. Là con út trong nhà, có mẹ năm nay đã 86 tuổi, anh Sơn chia sẻ rằng từ khi có dịch bùng phát, lần đầu cũng như bây giờ, anh luôn hạn chế cho mẹ ra khỏi phòng dù bà còn đi đứng được, tuy có chậm chạp. Buổi sáng, anh thường mở cửa sổ để mẹ hứng ánh mặt trời, bữa điểm tâm cũng được làm ngay tại nhà. Trước khi mang thức ăn vào cho mẹ, anh Sơn rửa tay sát khuẩn hẳn hoi. Khi cả hai vợ chồng đi làm, anh vẫn dặn người giúp việc nấu ăn cho bà thật cẩn thận. “Thức ăn đã được vợ tôi mua sẵn để trong tủ lạnh. Chị giúp việc chế biến rất kỹ lưỡng và trước khi cho mẹ tôi ăn, chị cũng theo thói quen rửa tay sạch sẽ. Tôi cũng dặn chị hạn chế ra ngoài gặp gỡ. Khi có người ghi điện nước hay đưa hóa đơn điện nước, cáp truyền hình, internet..., chị phải mang khẩu trang tiếp xúc…Tôi có đặt máy quay nối mạng để dễ quan sát và kiểm chứng”, anh Sơn kể và cho hay thêm, có nhiều người nói anh khó nhưng anh vẫn giữ quan điểm của mình để tránh nguy cơ lây nhiễm cho mẹ vì anh hiểu, một khi vướng phải con vi rút Corana nguy hiểm, người già như mẹ anh rất khó vượt qua.

Nhiều người nói “Trời kêu ai nấy dạ” hoặc “Chạy trời không khỏi nắng”, tức sống chết đều do số mệnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lâm, 56 tuổi (Q.5, TPHCM) không đồng tình với điều này. Ông cho rằng nếu lơ là, ỷ vào “mệnh trời” mà cứ đi lê la nhậu nhẹt hay tiếp xúc tràn lan mà không tuân thủ các biện pháp phòng dịch rồi về chuyện trò với người lớn tuổi trong nhà, thì xác suất lây nhiễm chắc hẳn sẽ cao hơn những người có ý thức, luôn trong tâm thế phòng tránh bệnh. Xác định vậy nên ông luôn hạn chế các con ra vào cùng bà nội, đi đâu về muốn vào phòng bà thì trước hết phải tắm rửa sạch sẽ, mang khẩu trang nghiêm túc. Nắm đấm cửa phòng của mẹ ông cũng luôn được sát khuẩn thường xuyên. Những việc này đôi khi khiến các con và các cháu bực mình nhưng ông Lâm chỉ nói: “Tụi con bệnh sẽ mau khỏi thôi nhưng bà nội, bà cố bệnh, chắc chắn sẽ nguy hiểm hơn. Vì vậy mình cứ cẩn thận càng nhiều càng tốt…”.

Không chỉ cẩn thận chăm sóc ba mẹ, ông bà sống cùng một mái nhà, mà nhiều người con, người cháu đang kiếm sống tại thành phố, dù đang khó khăn vì lương bị giảm, buôn bán ế ẩm… nhưng trong thời điểm giãn cách xã hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp, họ không dám về quê nhà để giữ an toàn cho cha mẹ, ông bà. Khi các nơi nới lỏng việc giãn cách, có không ít người di chuyển về nhà bằng xe riêng chứ không dám đi các phương tiện công cộng. Họ không chỉ suy nghĩ để phòng tránh dịch cho bản thân mà còn sợ mình vô tình trở thành “F1”, lại ảnh hưởng đến người nhà, nhất là với những cá nhân có người thân tuổi đã về chiều.

Sự quan tâm, chăm sóc người thân lớn tuổi trong mùa dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tình yêu thương, sự quý trọng từng giây phút sống của người con, người cháu đối với cha mẹ, ông bà mình. <                                                

SƠN HẠ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm