Thứ Tư, 11 Tháng Năm, 2022 17:00

Phòng tránh đuối nước cho trẻ em?

 

Khi nhịp sống trở lại bình thường, học sinh các cấp từ mầm non đến đại học trở lại trường học từ cuối tháng 3, cũng là lúc nhiều phụ huynh lo lắng cho những hoạt động vui chơi giải trí của con em mình ngoài trường học. Sự lo lắng đó là có cơ sở. Một số tai nạn do đuối nước thương tâm đã một lần nữa đánh động tới trách nhiệm của các bộ, ngành và toàn xã hội về bảo đảm an toàn cho các em trong mùa hè. Chỉ riêng dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, nhiều vụ tai nạn đuối nước liên tiếp xảy ra ở Nghệ An, Ðồng Nai, Bình Thuận... Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính từ đầu năm đến giữa tháng 4.2022, cả nước xảy ra 19 vụ đuối nước, làm chết 20 người, mất tích 3 người. Qua các vụ này có thể thấy, hầu hết các nạn nhân bị đuối nước do tắm ao, sông, hồ… là những địa điểm nằm gần khu vực các em cư trú, nên phát sinh chủ quan về sự cảnh báo hoặc răn đe từ người lớn.

Chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ

Sau một loạt các vụ việc thương tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ liên quan và các địa phương cần phải sát sao hơn để hạn chế tối đa những tai nạn trẻ em do đuối nước. Tuy nhiên, việc chỉ đạo là chưa đủ khi từng cá nhân và gia đình vẫn chưa thực sự vào cuộc. Ðuối nước xuất phát từ sự nhận thức và hành vi của trẻ em, chứ không chỉ từ hiệu quả của việc dạy bơi. Các vụ việc đáng tiếc cho thấy có những tai nạn xảy ra ngay cả khi trường hợp biết bơi. Mặt khác, nhiều trường hợp tai nạn xảy ra vào ngày nghỉ hoặc trên đường đi học về các em rủ nhau ra sông, hồ tắm dẫn đến đuối nước tập thể. Ðiều này cho thấy nhận thức của các em chưa rõ về mối nguy hiểm này. Ðồng thời cũng cho thấy mức độ quan tâm của gia đình và nhà trường tới các em chưa được chu đáo.

Việt Nam có nhiều sông ngòi, ao hồ, kênh rạch… nên những rủi ro luôn rình rập với nhiều học sinh, trẻ nhỏ. Nếu chúng ta nhìn nhận đây là vấn đề hệ trọng thì sẽ kiểm soát tốt hơn các tai nạn đáng tiếc, bằng cách các ao hồ tự phát phải có rào chắn, có biển cảnh báo, có người bảo vệ để học sinh không tùy tiện xuống tắm. Hơn nữa, khi kỹ năng bơi lội chưa thành một môn giáo dục thể chất bắt buộc trong môi trường học đường thì tỷ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng sẽ rất thấp. Khi đã phổ cập kỹ năng bơi lội thì trẻ em nông thôn hay thành phố đều có kiến thức giống nhau để có thể tự bảo vệ mình khi tiếp xúc với sông nước, tránh tai nạn đáng tiếc. 

 

Ngô Quốc Ðông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm