Thứ Ba, 30 Tháng Giêng, 2018 15:45

Quà Tết đẹp bởi lòng hiếu

Nhiều người vẫn hay nói “Tết vui là bởi tay bưng biếu quà”, bởi Tết cổ truyền vốn là dịp thể hiện tình cảm cũng như lễ nghĩa một cách đặc biệt của người Việt với ông bà tổ tiên, cha mẹ, họ hàng, gia tộc… Niềm vui “nhận” và “trao” là một hình ảnh đẹp trong cuộc sống.

Biếu Tết đấng sinh thành

Chuyện chuẩn bị chút quà biếu người lớn hơn trong gia đình, họ tộc vào dịp Tết là một bài học về tri ân, làm bền chắc thêm sợi dây tình cảm. Biếu Tết đấng sinh thành của mình xét ở khía cạnh tình cảm có thể nói là thuần nhất thể hiện tình yêu thương, bộc lộ sự quan tâm, lo lắng với cha mẹ.

Con cái khi đã trưởng thành, có công ăn việc làm, hoặc có gia đình riêng, Xuân về lại càng nhớ lo Tết cho cha mẹ, bởi khi bản thân có thể chủ động về tài chính thì thường đấng sinh thành đã về già. Bên cạnh chuyện gửi thêm ít nhiều tiền để ba mẹ ăn Tết tùy theo khả năng, món quà biếu luôn là phần được “đầu tư” và gây nhiều mong đợi nhất vì mỗi năm mỗi khác.

Chọn quà tết (ảnh: internet)

Với những người con làm ăn khấm khá, quà Tết được chọn thường sẽ là những món tẩm bổ như các loại cao, sâm, nấm, yến, rượu hay thực phẩm nhập ngoại, món ngon đắt tiền, bởi “Người già cần chú ý bồi bổ sức khỏe và mình bây giờ có khả năng biếu các cụ để gọi là tỏ chút lòng hiếu thuận”, anh Hoàng Dương, 35 tuổi (Bình Dương) chia sẻ. Cũng theo anh, kể từ ngày nghe ba mẹ mình than nhức mỏi, run tay, hầu như các dịp đặc biệt và Tết anh đều tìm mua nhân sâm, cao nhung làm quà biếu. Công việc quá bận rộn vào dịp cuối năm nên không thể đi sắm Tết thoải mái nhưng chị Ngọc Huyền (Thủ Đức, TPHCM) cũng chọn quà kiểu “tẩm bổ” cho cha mẹ. Các loại thực phẩm chức năng như thuốc bổ sung xương cốt, collagen, viên sụn cá mập, hay viên tảo xoắn từ các nước Mỹ, Úc, Nhật nghe có công dụng tốt đều được chị chọn. “Gia đình có điều kiện hơn xưa nên việc mua các món ăn ngon cũng đã thành bình thường nên mình thường biếu các loại thuốc bổ sung sức khỏe, vừa tốt vừa cần thiết với tuổi già”, chị Huyền nói.

Luôn cho rằng những món quà gói sẵn cho dù có đắt tiền, nhìn sang trọng bắt mắt nhưng không thể mang lại những cảm xúc đong đầy cho cả người biếu và người nhận, nhất là với ba mẹ, nên hai vợ chồng anh chị Hiển - Hiền (Q9, TPHCM) lại chọn cách chuẩn bị quà Tết bằng việc tự học cách ngâm rượu, làm giò chả, ô mai, mứt, nem... Tết nào anh chị cũng tay xách nách mang cả giỏ bự đủ mọi thứ ăn Tết cho ba mẹ hai bên. Vui nhất theo anh chị không chỉ ba mẹ thích vì được thưởng thức món ngon, đảm bảo vệ sinh do chính các con bỏ công làm mà còn là dịp để các con của anh chị cùng chuẩn bị và cảm nhận không khí ấm cúng những ngày Tết.

Có người cũng muốn mua quà sang, đắt tiền cho ba mẹ nhưng hoàn cảnh eo hẹp nên chỉ có thể mua các món Tết quen thuộc ở siêu thị bán sẵn như lạp xưởng, sữa, bia, nước ngọt..., như chị Hồng My (Q9): “Mỗi năm ngoài chút tiền mình chỉ có thể mua thêm cho ba mẹ hai, ba loại hàng Tết gọi là góp cho các cụ bớt lo một chút. Năm nào được thưởng nhiều thì mua thêm áo quần mới”.

Nhận lòng thơm thảo

Quà biếu Tết của các con dù nhiều ít đều làm ấm lòng đấng sinh thành. Bố mẹ thường không đòi hỏi nhưng được con cái quan tâm thì không hạnh phúc nào hơn.

Hai con đều lập gia đình ở xa nhà, hàng năm trời mới có dịp về quê xum vầy nên đối với bà Lê Thị Thân (Đà Nẵng), quý nhất là món quà tinh thần khi các thành viên đều về nhà. Con gái lấy chồng nước ngoài, con trai ở trong nước, nên Tết năm nào bà cũng được nhận quà “đặc sản” là những món ngon xứ người. Tất cả các món này đều được bà chia ra cho cả gia đình cùng dùng và mời khách như một cách “khoe” sự quan tâm cũng như thành đạt của các con. “Năm ngoái con gái mang yến, mang bánh, trà đặc sản bên Đài Loan về, con trai thì lạp xưởng tươi nghe nói đặt mua dưới miền Tây, rồi thịt trâu gác bếp miền núi phía Bắc... Chúng nó nói muốn cha mẹ được nếm thử các món ngon đó đây cho biết!”, bà Thân cười vui kể. Với bà, quà các con biếu đáng quý nhất ở chỗ con nghĩ đến mình khi chọn mua, theo sở thích của bố mẹ và theo khả năng của riêng mỗi người. Không vì sĩ diện hay cố hoành tráng vung tay quá trán là điều bà hay nhắc con khi Tết cận kề.

Bà Phạm Hồng (Đồng Nai) năm trước được con trai biếu sâm tươi và mỹ phẩm vì con đang làm việc ở Hàn Quốc, đặc biệt quà được mua bằng tháng lương đầu tiên nên rất ý nghĩa với bà. Một năm trôi qua, đến Tết này hũ rượu sâm ngâm mới có thể dùng được nhưng mỗi ngày nhìn món quà, bà lại cảm thấy vui vì sự quan tâm của con. “Tết này, con trai lại mới gọi hỏi xem ba mẹ thích món gì, cần món gì bên đó để gởi về. Nó liệt kê nào táo khô, hồng khô, nấm linh chi, cao thuốc...”,  bà Hồng cho hay mình chỉ muốn nhận một vài thứ cho con vui vì sợ con tốn kém và phí phạm.

Tùy vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế mà mỗi người chọn quà cho bố mẹ một cách hợp lý. Tuy nhiên bao giờ cũng vậy, quà biếu không bằng cách biếu. Món quà có đắt đỏ, cầu kỳ hay tỉ mỉ bao nhiêu vẫn là chưa đủ nếu thiếu đi sự trân trọng. Suy nghĩ này luôn được ông Trần Đình (Bình Dương) nhắc nhở các con. “Quà đẹp là bởi tay bưng, tôi vẫn nói với con mình như vậy từ nhỏ, nên mình chỉ thực lòng vui nhận khi các con mua cho bằng tấm lòng quan tâm thực chứ không phải là hình thức mua cho có, biếu cho có lệ”, ông nói. Các con của ông có người khấm khá, người còn khó khăn nhưng với người cha này, món nào con cháu mua cho cũng đều quý. Tết năm nào, gia đình ông cũng luôn ấm nồng dù quà có đầy nhà hay chỉ đơn sơ ít món.

Nếu như trước đây, quà Tết thường bị giới hạn ở những món truyền thống như trà, bánh, rượu, mứt… thì ngày nay đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Bên cạnh những giỏ quà với rượu và bánh kẹo được gói sẵn đẹp mắt, thì nhiều món khác như sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng, đồ công nghệ, tranh phong thủy thậm chí tour du lịch… cũng được nhiều  người quan tâm chọn biếu ba mẹ.

Thông qua những món quà Tết, người trao - nhận đúng cách đã làm nên một nét đẹp trong việc thể hiện lễ nghĩa, cùng nhau làm nên những bài học giá trị ấm tình Xuân mới.

MINH MINH

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm