Thứ Tư, 29 Tháng Bảy, 2020 14:41

Quanh chuyện khen thưởng của con trẻ

 

Thời điểm các trường tổng kết năm học cũng là lúc câu chuyện kết quả học tập, khen thưởng của các em nhỏ dường như thành tiêu điểm với các bậc phụ huynh. Ứng xử ra sao khi con được giấy khen cũng như chưa được giấy khen lại trở thành vấn đề khá nhạy cảm với người lớn.

Khoe giấy khen của con, có nên?

Ðể con trẻ kết thúc năm học trong niềm vui và giữ được tuổi thơ đẹp trong tình yêu thương của gia đình, nhà trường vẫn là mong muốn của bậc làm cha mẹ. Cũng vì thế, nhiều phụ huynh bày tỏ suy nghĩ của họ về cách cùng con đón nhận kết quả cuối năm ra sao. Không phải “khoe” hay tự hào về con mình là sai song trên hết, cách các ông bố, bà mẹ cùng con mình tiếp nhận với tâm thế ra sao mới là điều cần nói thêm.

Tấm giấy khen không có lỗi nhưng để nó trở nên có ý nghĩa ra sao tùy thuộc vào cách ứng xử của người lớn

Ðến hẹn lại lên, bên cạnh niềm vui kết thúc năm học cũng là “mùa” nhiều cha mẹ khoe giấy khen, thành tích học tập, phần thưởng của con mình. “Nếu trong danh sách bạn bè trên facebook mà có nhiều người đang có con theo học mầm non, tiểu học hay trung học thì cầm chắc việc sẽ phải đọc các bài đăng kèm hình ảnh khoe con rần rần mấy ngày này. Thú thật là tôi cảm thấy hơi ngán luôn vì nhiều bố mẹ khoe thành tích của con quá! Không biết những phụ huynh mà con không được giấy khen, không đạt thành tích tốt sẽ cảm thấy như thế nào khi xem những bảng điểm đẹp toàn điểm 9, điểm 10 hay giấy khen của con người khác?!”, chị Trần Hạnh (Bình Dương) cảm thán. Chị Hạnh cũng có hai con đang ở bậc tiểu học và các bé năm nay cũng đạt được thành tích khá và giỏi ở trường. Tuy nhiên, thay vì chọn đăng ảnh con cùng giấy khen và phần thưởng, chị chỉ đăng vài bức hình tươi vui khi con mặc đồng phục học sinh kèm những tâm tình yêu thương của một người mẹ viết dành cho con mình.

Sâu xa của sự khoe con, tôi sợ sẽ mang lại áp lực cho con thêm chứ chưa chắc gì là động lực để con cố gắng như nhiều người nói. Ðể không tụt hạng biết đâu trẻ sẽ phải vùi đầu vào học hành để duy trì thứ hạng đã có. Mạng xã hội mình đăng lên sẽ có nhiều người khen, chúc mừng nhưng rồi cũng sẽ có nhiều người hỏi han, như vậy đâu chỉ con mà nhiều khi phụ huynh cũng vô tình rơi vào áp lực không đáng có. Mà khen, tung hô nhiều cũng có thể đẩy trẻ vấp vào tính kiêu ngạo nữa”, chị Thu Tài (Q.Tân Bình, TP.HCM) ưu tư. Chính điều này nên khi con trai nhận thành tích tốt, gia đình chị cũng chỉ khen và thưởng bé một bữa ăn trong phạm vi gia đình để khích lệ con vì những gì đã cố gắng. Ngày tổng kết, hai mẹ con chị không thiếu những bức ảnh vui vẻ chụp cùng cô giáo và các bạn của con. Ðó cũng là những hình ảnh chị chia sẻ trên trang mạng xã hội chứ không phải tấm giấy khen mà theo chị có đến hơn nửa lớp được nhận. “Tuyệt đối không so sánh con với bất cứ ai cũng là điều hai vợ chồng tôi suy nghĩ nên cũng không muốn nhận được những bình luận so sánh, khen chê…”, chị Tài nói thêm.

Khi nhìn thấy những bức ảnh lan truyền trên mạng gần đây về hình ảnh một em nhỏ lạc lõng với vẻ mặt buồn khi hầu như tất cả các bạn trong lớp đều giơ cao tờ giấy khen chụp ảnh, anh Ngọc Luân (Q.Tân Phú, TPHCM) tâm tư: “Nếu con mình là một trong mấy bạn nhỏ không được khen thưởng kia thì sẽ thế nào? Tôi từng chứng kiến có những đứa trẻ trong ngày liên hoan tổng kết chẳng buồn đụng tới món ăn nào vì buồn khi em không có giấy khen như nhiều bạn khác. Các bé nhạy cảm, mong manh hơn chúng ta tưởng nên người lớn cần tế nhị trong việc đối xử với các em”. Cũng theo suy nghĩ của vị phụ huynh này, ngoài thầy cô cần khéo léo trong cách xử sự với các học sinh thì cách tiếp nhận kết quả học tập của con ra sao cũng cần có sự “tâm lý” của bố mẹ.

Ðiều quan trọng hơn tờ giấy khen

Theo chị Kim Huệ (Gò Vấp, TPHCM), kết quả và thành tích học tập của con không phải là cây thước để đo sự hơn thiệt của con với bố mẹ hay giữa các ông bố, bà mẹ với nhau. Từng dự những buổi họp phụ huynh, chị thấy có người tỏ rõ sự bất bình vì con không nhận được giấy khen hay con bị cô giáo phê chưa tốt thay vì nhận rõ con có những môn còn thiếu sót. “Sự giỏi toàn diện hay suy nghĩ giấy khen cho các bé lớp nhỏ với nhiều người đó là điều hiển nhiên thật khá kỳ cục. Thử nghĩ xem một lớp có mấy chục em mà cứ đòi tất cả giỏi hết thì khó hiểu quá!”, chị Huệ nói. Dạy con hiểu có nhiều điều quan trọng hơn tờ giấy khen hay phải học, hiểu bài một cách trung thực là cách vợ chồng chị vẫn thường làm. Dành cho con cái ôm thay vì gương mặt hằm hằm khi con chưa có kết quả tốt mang về, cũng là điều chị Huệ đã chọn trong cách ứng xử với con cái.

Dù con luôn đem giấy khen về suốt mấy năm học vừa qua nhưng anh Quang Trung (Q.Thủ Ðức, TP.HCM) lại có nhiều suy tư trong cách giúp con duy trì niềm vui học tập. Anh bày tỏ: “Thời mấy chục năm trước, số học sinh có giấy khen luôn ít hơn số không có giấy khen nhưng bây giờ không giống như vậy nữa nên có lẽ cũng buồn đôi chút khi con chúng ta không được giấy khen. Song không vì vậy mà tôi nói những lời an ủi sáo rỗng với con. Tôi không đồng tình với cha mẹ trọng thành tích nhưng cũng không ủng hộ phụ huynh coi nhẹ việc học của con”. Luôn quan tâm để kịp thời tìm ra lý do nếu chẳng may kết quả học của con được đánh giá chưa tốt là điều anh Trung chú trọng. “Khi con không có giấy khen, có lẽ tránh việc làm trầm trọng hóa vấn đề mà tìm hiểu kỹ nguyên do để giúp con tốt hơn mới là điều chúng ta cần làm. Ðánh hay phạt con chắc chắn là cách không nên nghĩ tới.”, anh nói thêm.

Dù cảm thấy cách làm của ông bố in “giấy like” cho con vui vẻ là hành động khá dễ thương, tuy nhiên theo cái nhìn của chị Vương Thảo (Q.12, TP.HCM), việc giúp con có cách tiếp nhận ra sao khi không được giấy khen mới là vấn đề phụ huynh cần lưu tâm hơn. “Tôi thấy trước và sau khi có kết quả tổng kết, ba mẹ nên thủ thỉ nói chuyện nhiều về cách con nhìn nhận về giấy khen, hỏi con về suy nghĩ cảm xúc nếu được hoặc không có giấy khen để từ đó hiểu con hơn. Ðể trẻ vui vẻ, không tủi, không cảm thấy tự ti khi chưa có kết quả tốt, giúp con học tốt hơn những môn con chưa làm tốt trong tinh thần cầu tiến mà không phải đẩy con vào ganh đua, trọng thành tích... là điều không dễ nhưng chắc chắn nên làm”, chị Thảo nói. Chị cho biết mình từng có đứa cháu bị áp lực đến mức thành ra run sợ, rụt rè khi bị bố mẹ đặt nặng chuyện điểm số nên vô cùng ái ngại trong cách giáo dục, kỷ luật “sắt” của người lớn.

Nhẹ nhàng và lắng nghe con nhiều hơn lại là cách chị Thu Hà (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thực hiện. Năm học này, bé Khôi Nguyên - con chị được giấy khen song cũng đã có năm bé không nhận được phần thưởng khích lệ này. Nhớ lại chuyện cũ khi con khóc lóc vì môn viết, vẽ chưa đủ tốt để nhận giấy khen, chị Hà bảo rằng đã phải động viên tinh thần con bằng nhiều cách. Phần thưởng nghỉ hè của bé vẫn nhận được song con chị phải dành nhiều thời gian hơn cho việc tập viết, đọc truyện. Cạnh đó, công nhận năng khiếu của con với môn toán cũng là cách chị giúp con hiểu về khả năng riêng của bản thân, giúp bé tự tin hơn.

Ðừng để giấy khen trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ”, như lời một vị phụ huynh chia sẻ, chắc hẳn là câu nói gợi nhiều suy ngẫm. Tấm giấy khen không có lỗi, đó là điều chắc chắn song chuyện ưu tư ở đây là cách người lớn đón nhận chúng thế nào…

MINH MINH

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm