Thứ Tư, 01 Tháng Sáu, 2022 16:20

Rác thải thời Covid

Hai năm qua, dịch bệnh Covid -19 đã làm lượng rác thải y tế tăng nhanh. Đặc biệt là các vật dụng liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid -19 như vỏ kit xét nghiệm, khẩu trang y tế, các vỏ dung dịch sát khuẩn, kim tiêm, ống truyền… Nhìn chung Covid-19 đã tạo ra một hệ thống rác thải nhựa từ các đồ dùng y tế khá nhiều. Tháng 3/2022, ở Hà Nội đạt tới đỉnh dịch, các F0 điều trị tại nhà, nên lượng rác thải y tế lẫn vào rác sinh hoạt đã gia tăng mà việc phân loại rác thải lại không được thực hiện triệt để. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện. Có 25 tỉnh, thành chưa làm tốt công tác này. Như vậy, dù chúng ta đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 và đỉnh dịch đã đi qua, nhưng những hệ quả về mặt môi trường còn khá nặng nề và lâu dài.

Rác thải y tế COVID khó khăn trong xử lý

Rác thải thời Covid-19 không chỉ là rác thải y tế, mà còn là những thứ rác phát sinh từ việc chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Thời giãn cách, việc mua sắm trực tuyến trở thành xu thế đáp ứng tiện tích an toàn, bởi thế các dịch vụ vận chuyển hàng lên ngôi, kèm với nó là bao bì đóng gói hàng hóa cũng gia tăng. Vậy là khi mua hàng to, hàng nhỏ, người ta mang theo cả rác về nhà. Sau đỉnh dịch, thói quen đi chợ  qua mạng vẫn được ưa chuộng, nên từ thôn quê đến thành thị mỗi lần nhận hàng là mỗi lần thải ra một lượng rác không hề nhỏ.  Xu hướng gọi đồ ăn trực tuyến nở rộ trong giai đoạn dịch Covid-19 đang tạo ra một hệ lụy lớn là gia tăng chóng mặt lượng rác thải nhựa. Hiện nay, tuy kinh tế xã hội đã hoạt động bình thường, nhưng những thói quen gọi đồ ăn chuyển tới nơi làm việc vẫn duy trì khá nhiều. Mỗi hộp cơm văn phòng, hay ly cà phê, nước uống các loại… được chuyển đến công sở lại tạo thêm rác thải nhựa…

Khi đối mặt với dịch bệnh thời Covid-19, con người đã được dịp cảm nghiệm việc gìn giữ sức khỏe là điều cần thiết. Ở môi trường trong lành, con người mới bảo vệ được sức khỏe. Nhưng khổ thay, cách tiêu dùng vô lối của con người đang hủy hoại môi trường… 

 

Ngô Quốc Đông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm