Tết đang đến rất gần. Dù dịch bệnh vẫn còn nhưng ngoài phố, trong nhà mọi người đã bắt đầu trang hoàng, sắm sửa đón Tết. Hòa cùng niềm vui của đất trời khi năm cũ dần qua, năm mới sắp đến, lòng người cũng rộn ràng, nôn nao.
MÙI TẾT ÐẾN TỪ GIAN BẾP
![]() |
Bà Phạm Thị Minh Hồng (Ðồng Nai): Năm nay có khó khăn hơn những năm trước nên việc lo Tết có phần giản đơn hơn. Tuy thật sự có cắt giảm bớt chi tiêu cho chuyện ăn uống nhưng tôi vẫn tự tay làm một số món truyền thống như bao năm qua. Vài cây giò thủ, mấy mẻ mứt gừng và một nồi bò kho theo công thức quê nhà đã được tôi chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ chờ cận ngày Tết mới bắt tay nấu nướng. Tôi thấy dường như mỗi gia đình đều có những món đặc trưng khác nhau làm nên vị Tết của từng nhà vậy. Như các con tôi từng nói, khi nào thấy bếp thơm mùi mứt gừng, mùi quế hồi quyện hương nước mắm ngon đậm vị từ món bò kho là cảm được vị Tết rõ ràng ở nhà mình. Câu chuyện bếp núc ba ngày Tết với tôi cũng có nhiều chuyện vui khi hội mấy bà mẹ năm nào cũng chia sẻ, chỉ vẽ cho nhau cách làm món này, nấu món kia rôm rả. Với tôi, Tết nào có xa, chỉ cần bếp nhà được chăm chút và những công thức nấu ăn được truyền nhau giữ gìn thì Tết vẫn có nét đẹp riêng, không khí riêng không lẫn đâu được.
CHẾ BIẾN MÓN ĂN TẾT
![]() |
Chị Ðào Kim Duyên (Bến Tre): Mấy cái Tết nay, bếp nhà tôi đều có món khô cá lóc hai nắng, lạp xưởng tươi, rồi cả mứt me, mứt dừa. Mấy công thức này có được đều nhờ các bà, các cô, các chị chỉ lại. Tuy có hơi cực chút nhưng vui lắm khi thành phẩm ra lò luôn được khen. Tôi thiệt sự yêu cái không khí bếp, nhà ai trong xóm mấy ngày cận Tết cũng nhộn nhịp xào nấu, phơi mứt, phơi khô, bởi thấy nó vui vầy, ấm cúng khó tả. Vừa làm vừa trò chuyện rôm rả khiến chuyện vào bếp vui lấn át cái mệt. Mà thực ra có mệt cũng không sao, vì sau đó gia đình mình được ăn món ngon, đảm bảo vệ sinh, chất lượng. Làm bếp ngày Tết, bọn trẻ cũng có thể phụ giúp việc lặt vặt và tụi nhỏ cũng giống mình ngày xưa, cảm thấy rất vui vì được phụ, được thử trước mấy món ngay khi mới nấu xong...
TRƯNG MÂM NGŨ QUẢ
![]() |
Anh Trần Ðại Nghĩa (TPHCM): Trong tâm khảm của mỗi người, Tết cổ truyền là điều gì đó rất linh thiêng, cho dù có bị ảnh hưởng bởi dịch thì cũng cố sắm sửa, trang hoàng nhà cửa để đón một cái Tết thật tươm tất. Mấy ngày qua, thấy nhiều gia đình bắt đầu rục rịch chuẩn bị đón Xuân, lòng tôi cũng rộn ràng. Dù còn phải đi làm, chưa được nghỉ, nhưng tôi cũng tranh thủ giúp mẹ sửa sang lại nhà cửa cho mới. Tôi nhớ, ngày xưa ở quê mẹ còn gói bánh, phần để cho gia đình, phần để biếu anh em họ hàng. Ðến khi chuyển lên Sài Gòn, mẹ tôi không gói nữa mà thường đi mua. Năm nào, mẹ tôi cũng mua một cặp bánh chưng và 6 đòn bánh tét (4 đòn mặn và 2 đòn chay). Nhà tôi không trồng hoa mai, nên trước Tết vài ngày, tôi sẽ đi mua về để trưng trong nhà. Theo truyền thống của gia đình, thời ba tôi còn sống, ông sẽ là người đứng ra lo liệu việc sắp xếp, bày mâm ngũ quả trên bàn thờ vào giao thừa. Khi ông mất thì chuyển qua cho tôi phụ trách. Trên bàn thờ lúc nào cũng có hoa, quả, bánh trái. Dưa hấu ruột đỏ mọng nước và cặp bưởi da xanh ruột hồng là không thể thiếu để cầu làm ăn phát tài và một năm hồng phát. Trước bàn thờ, tôi sẽ kê thêm một cái bàn dài, giữa bàn sẽ đặt một thau nhỏ vun đầy gạo ngon, sau đó đặt cặp bánh tét chay ở trên để cầu cho gia đình được no đủ cả năm.
GIỮ TRUYỀN THỐNG GÓI BÁNH CHƯNG
![]() |
Chị Tạ Thị Thu Lan (Lâm Ðồng): Sau khi nghỉ việc ở TPHCM, tôi về nhà ngay cho kịp chuẩn bị Tết. Năm nay, trường cho nghỉ sớm, ngày 23 Âm lịch là tôi đã có mặt ở nhà rồi, nhưng do vẫn còn dịch Covid-19 nên khi về tới nhà, tôi tự cách ly vài ngày, sau đó xét nghiệm có kết quả âm tính, tôi mới bắt đầu hòa nhập, vui chơi với mọi người. Truyền thống đón Tết của gia đình tôi cũng như bao nhà khác. Ngày 23, cha mẹ giữ tục cúng ông Công, ông Táo theo văn hóa. Còn tôi về nhà thì phụ giúp ba mẹ tổng dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ, trang trí bàn thờ tổ tiên. Tới tầm 27 Âm lịch thì cả nhà chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng. Ðây là truyền thống mà gia đình tôi vẫn giữ bao năm qua, từ thời ông bà đến nay. Tuy hơi mất công một chút nhưng cả năm mới gói một lần nên ai cũng hào hứng. Ðêm giao thừa thì cả nhà quây quần đón thời khắc chuyển sang năm mới. Ngày Tết ở quê tôi diễn ra trong bầu khí se lạnh, thích lắm. Và với tôi, hạnh phúc nhất là khi được sum vầy bên những người thân yêu tiễn năm cũ qua đi và đón năm mới đến.
LẶT LÁ MAI, DỌN DẸP NHÀ CỬA
![]() |
Anh Nguyễn Thanh Hưng (Cần Thơ): Gia đình tôi bắt đầu chuẩn bị đón Tết khi ba với anh tôi lặt lá hoa mai. Ba tôi thích hoa mai nên trồng nhiều lắm, xung quanh nhà góc nào cũng có nên phải mất vài ngày mới lặt lá xong. Mẹ tôi thì dọp dẹp ở trong nhà, ngoài sân. Bà mang tất cả mùng mền, chiếu gối, rèm cửa ra giặt giũ một lần. Sân vườn bà cũng quét tước cho sạch để Tết mấy đứa cháu về có chỗ vui chơi, chạy nhảy. Mấy ngày này, mọi thành viên trong nhà ai cũng có việc để làm. Mẹ tôi thì gói bánh chưng. Ba tôi thì gói nem. Còn anh tôi thì làm giò thủ. Ba món không bao giờ thiếu trong mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi. Tôi cảm thấy Tết vui nhất là không khí những ngày chuẩn bị, tuy tay chân tất bật lo việc này việc kia, nhưng trong lòng lại rộn ràng nôn nao. Năm nào mà thấy ba mẹ còn khỏe, còn ngồi gói bánh chưng, gói nem được là tôi hạnh phúc lắm. Tôi chẳng mong gì hơn là thấy ba mẹ khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi bên con cháu. Tối giao thừa, mấy anh em đi làm xa bắt đầu đoàn tụ về nhà. Ba mẹ tôi mừng nhất là lúc này. Mấy ngày vất vả dọn dẹp nhà cửa, gói ghém bánh trái, chuẩn bị hoa quả, đồ ăn, thức uống cũng là để mong con cháu về đoàn viên sung túc, đón một mùa Xuân thật ấm cúng, bình an.
NHÃ VĂN (thực hiện)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.