Thứ Tư, 12 Tháng Tám, 2020 16:40

Sách bồi dưỡng tâm hồn...

 

Bài viết “Duy trì thói quen đọc sách của trẻ thời 4.0” trên trang Gia Ðình (CGvDT số 2266) ghi nhận một cuộc tọa đàm xoay quanh việc đọc sách của thiếu nhi ngày nay, gợi nhiều suy tư cho những người quan tâm đến phát triển văn hóa đọc. Tôi cũng có những trải nghiệm của một thời áo trắng với niềm say mê sách và rút ra được nhiều hữu ích, nên vẫn luôn cổ động con cháu tìm đến sách, dù thời nay, công nghệ số và thế giới mạng đang chiếm ưu thế.

Vốn là “mọt sách” từ tiểu học, tôi nhận ra sách mang theo hạnh phúc khám phá gián tiếp cuộc sống, là nguồn giao tiếp thú vị với đông tây kim cổ. Khi đọc, bạn như chia sẻ được tinh túy các trí tuệ lớn của nhân loại, và cứ như phù sa vun bồi hai bờ sông, sự đọc bồi đắp tri thức, cảm xúc, tâm hồn ngay thời thơ trẻ.

 

Tủ sách là tài sản lớn nhất của tôi, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, hàng trăm quyển sách cùng nhiều bộ sưu tập tư liệu ẩn mình trong mái tranh nghèo, có những tác phẩm lớn hàng kinh điển, đủ thể loại: văn chương, nghệ thuật, khoa học, sử…

Nhờ đọc, đọc nhiều, liên hệ thực tế cuộc sống, tư duy mở rộng, tôi đã có thể giành thứ hạng cao môn văn ở nhà trường, thi học sinh giỏi văn từ lớp 5, đến lớp 9 tham gia kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc, môn văn. Xét theo hoàn cảnh, thành tích ấy không  tệ.

Không thầy cô nào, dù nhiệt tâm đến mấy, có thể chuyển tải những gì cần cho học trò mình, vì hạn chế về thời gian, điều kiện học đường. Việc sâu sắc hóa tri thức, làm giàu các bài giảng, nối dài mãi qua sách dù học trò có rời mái trường vì hoàn cảnh. Sách trở thành trường học lớn.

Ðương nhiên, sách cần cho cuộc sống mọi mặt, không chỉ môn ngữ văn, chính việc đọc các tác phẩm văn học có giá trị và cả các tác phẩm làm giàu tri thức  nói chung, mang đến cho học trò vốn sống gián tiếp, mở rộng tầm nhìn… Chung quy, sách quyết định chất lượng học văn, từ giá trị bồi đắp tâm hồn, vốn từ ngữ, đến kỹ năng viết. Thiếu sách, thiếu sự đọc đam mê, chọn lọc, có phương pháp, có tư duy, việc học văn ở nhà trường thiếu chiều sâu.

Thời tôi học chưa nghe nói đến khái niệm “văn mẫu”, có lẽ chuyện học văn khá hơn bây giờ? Ngày nay văn hóa đọc vơi cạn bởi công nghệ choán chỗ, cùng nhiều lý do rất cơ bản, chuyện dạy văn, học văn cơ hồ bối rối hụt hẫng, văn mẫu tràn lan, đam mê văn học, hành văn sâu sắc ngay thời cắp sách, khó thấy dần. Nếu quy hết sự hụt tầm môn ngữ văn do học trò ít đọc sách, thì hơi quá đáng; nhưng cho rằng việc thiếu đọc sách góp phần dẫn đến sự nghèo nàn trong học văn, có lẽ có căn cứ? Ít đọc, ít tư duy, ngay vốn từ đã thiếu, cảm xúc, chiều sâu đều kém, khó lòng chạm đến cái hay cái đẹp của văn học.

Thời nào có cái hay cái riêng của thời đấy, sự học văn ngày nay cũng vậy, vốn từ mới, tư duy mới cho những cảm nhận văn học, những trang viết mới của thời ba lô tung tăng thay cặp sách, thế hệ @. Nhưng khó lòng lẩn tránh giá trị của sự đọc truyền thống một mình một sách như nho sĩ ngày cũ, thâm thúy, cao sâu, thấm dần văn học, hình thành trang viết tốt…

 

CÔNG NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm