Sài Gòn với tôi không thân thuộc, không ràng buộc. Vậy mà nó như một thứ gì không dễ quên trong não bộ. Biết Sài Gòn nắng gió và khốc liệt mọi bề, tôi vẫn thường “sa đà” trên mũi tên Quốc lộ Sài Gòn - Đà Lạt, nó như lao vút trên dây cung giương sẵn. Hễ có dịp lại “bắn” tôi về Sài Gòn, và ngược lại.
Ở Đà Lạt, tôi thụ động bao nhiêu thì về Sài Gòn năng động bấy nhiêu. Dư lượng ký ức trong nhiều năm đưa tôi vào những ngõ ngách Sài Gòn - Gia Định, Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Thủ Đức... Thâm nhập. Cảm thông. Và chợt nhận ra mình “yêu” thành phố này từ bao giờ không biết. Chưa ai biết chắc Sài Gòn nghĩa là gì, nhưng ai cũng biết Sài Gòn là mảnh đất rất có cơ duyên. Từ đây, nhiều thứ cơ duyên đã mọc lên. Người mọi nơi, Hà Nội, Huế...cho đến mũi Cà Mau cũng đều tìm thấy nhiều cơ duyên ở đây. Đó là chuyện dông dài, riêng tôi cơ duyên là được đi học, có mối tình đầu ở nơi này, dù người yêu đầu cũng chỉ là một sinh viên trọ học. Nhưng trong tình đầu ấy, đất Sài Gòn trở nên lạ kỳ và bay bổng trong đầu một chàng trai mộng mị như tôi.
![]() |
Tôi chạm vào Sài Gòn như chạm vào cục nam châm lãng mạn, để rồi không gỡ ra được mọi cảm giác nóng lạnh. Câu thơ đầu tiên tôi viết về thành phố này: “Sài Gòn gió bụi, Sài Gòn nắng khát / Anh khát tình đầu môi em ca dao”. Câu thơ như một gắn kết an bài, Sài Gòn mãi đẹp trong tôi là vậy, cho nên có lúc nhớ nơi đây quay quắt thì cũng là điều dễ hiểu. Người ta bảo “nhớ Sài Gòn đang khi ở ngay trong lòng của nó”, tôi thì không, chỉ có Đà Lạt tôi mới có cảm giác đó, còn khi được ào về Sài Gòn thì luôn được bão hòa tâm trạng. Tôi sẽ lăn lộn trong dòng người nghẹt thở, sẽ để mắt đến nhiều mảng màu của cuộc sống đa chiều, sẽ tận hưởng nhiều cung bậc êm đềm cũng như gay gắt... Tôi sẽ luôn là một gã si tình, khi dang rộng vòng tay đón ngọn gió Sài Gòn thoáng đãng...
Sài Gòn là mơ ước trong tim tôi, nhưng không phải do người ta nói nó là “Hòn ngọc Viễn Đông”, mà thật tự nhiên nó là “con đường có lá me bay...”. Bao nhiêu năm làm đứa học trò, chỉ thức trong tôi một thứ mộng phiêu lãng. Sau này tôi rất thích Basho của văn học Nhật Bản cũng vì thứ mộng phiêu lãng ấy. Nó không để làm gì cả, chỉ để cho con người ta thỏa sức bay trong tự do mà thôi. Mối tình đầu của tôi là mối tình tự do vô nghĩ... Có người bạn miền Trung thường bảo tôi rằng “tau đến Sài Gòn để làm ăn, mày đến đây để yêu...”. Nghe phi kinh tế thật đấy, nhưng quả đúng như vậy, từ mối tình trong sáng đó, tôi yêu Sài Gòn không tỳ vết. Trong nhiều nhu cầu, được nhìn thành phố này phát triển rộng lớn cũng là một nhu cầu yêu Sài Gòn của tôi. Nhưng thật trớ trêu, tôi lại yêu căn gác trọ phù du mà tôi từng ở. Đó là một căn gác chật chội, nóng bức có chiếc quạt đen nhẻm chạy xè xè suốt đêm. Tôi đã ở đó và viết câu thơ đầu tiên về Sài Gòn cho mối tình một thời của mình. Căn gác gần cổng xe lửa số 6 giờ không còn nữa, nhưng tiếng còi kéo những toa tàu băng qua vẫn còn trong tôi mãi mãi. Thời ấy tôi thường nghe nhạc Trịnh, tiếng tàu ầm ào chạy qua thường để lại một khoảng lặng... Cũng trên căn gác trọ đó, tôi đã đọc và viết, ngấu nghiến. Biết viết rồi cũng chẳng để làm gì... nhưng chính những cái “chẳng làm gì” đó lại hiện ra tôi giữa Sài Gòn hào hoa và bụi bẩn. Thế đấy, tôi sống trong cái “thế giới gác trọ” ấy suốt một thời thơ mộng của mình, chỉ để nhận ra một điều bất khả: Sài Gòn trong tôi chỉ là một lát cắt mỏng teng, trong khi thành phố này là một viên Rubic đa diện. Bởi không đâu như Sài Gòn - một thành phố mỗi ngày một vươn lên khao khát, con người nồng hậu nhưng lại dễ đánh mất mình trong mọi thứ cám dỗ, phù du...
Đà Lạt bây giờ là nơi tôi ở, nơi vô hình trung như một mũi tên lắp sẵn, thường “bắn” tôi về Sài Gòn mỗi khi Đà Lạt ngập lụt nỗi nhớ không đâu...
NGUYỄN THÁNH NGÃ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.