Trong xu hướng tiết kiệm ngày nay, không ít gia đình đã có những sáng kiến rất thú vị qua việc tận dụng những phế liệu bỏ đi, cải tạo chúng thành một sản phẩm hữu ích khác, làm đẹp cho không gian sống. Qua đó, các bậc cha mẹ cũng muốn dạy con cái một bài học sáng tạo và biết nâng niu từng đồ vật.
Trải nghiệm cùng con bài học sáng tạo
Thiết kế cho mình một khu vườn ấn tượng bằng các phế liệu, đồ cũ... là trường hợp của chị Thúy Phạm (ngụ Q. Thủ Ðức, TPHCM). Khu vườn nổi bật, thật gần gũi thiên nhiên, gây bất ngờ thú vị cho nhiều người khi đến chiêm ngắm. Ðể tiết kiệm chi phí, chị tận dụng những vật liệu bỏ đi của gia đình, sau đó sắp xếp chúng lại, tạo thành một bức tranh với gam màu yêu thích. Hiện tại, khu vườn của chị có diện tích hơn 200 mét vuông, ngoài việc trồng hoa, chị Thúy Phạm cũng tận dụng không gian trống để trồng các loại rau như diếp cá, rau răm, cà tím, mướp, bầu… Ðiều này giúp cho không gian của khu vườn thêm xanh mát. Các con của chị khá thích thú nên cũng siêng phụ mẹ chăm chút khu vườn đặc biệt của gia đình. Người mẹ trẻ này vẫn thường hướng dẫn các con tưới cây để rau quả trong vườn luôn tươi tốt.
Cũng ở ngoại thành TPHCM, anh Nguyễn Tài (Bình Chánh) cho biết đã tận dụng những món đồ bỏ đi của bà con tại khu phố đang sống để tạo thành một sản phẩm mới mà khi nhìn vào, ít ai nghĩ đó là đồ cũ. Những cánh cửa gỗ vứt đi, những chú heo đất hay thậm chí là mấy chậu hoa bị bể thành nhiều mảnh..., qua bàn tay sáng tạo, anh Tài đã tô vẽ thêm cho sản phẩm nhiều màu sắc và tạo cho chúng công dụng mới. Ðiều mà anh cảm thấy khó khăn nhất, đó chính là ý tưởng, việc thổi hồn cho những thứ vô tri phải mất khá nhiều thời gian. Thông thường, anh phải thay đổi cách nghĩ nhiều lần mới cho ra một tác phẩm ưng ý. Chuyện bị vợ than phiền khi mang “rác” về nhà là điều thường ngày anh phải nghe. Song cũng dễ hiểu bởi do diện tích không gian sống nhỏ hẹp nên chị lo những thứ linh tinh kia sẽ làm chật nhà. Nhưng con trai anh lại rất tán thành khi cha mình biến tấu những món đồ tưởng chừng đã phải bỏ đi, thành những sản phẩm độc nhất vô nhị. Hai cha con thường hay nghĩ ra những công dụng mới cho một tấm ván, một chiếc bình bể, hay thậm chí là một gốc cây… Với anh, đó là lúc cha con hiểu được nhau hơn, cũng như gắn kết được ý tưởng cho sự sáng tạo của mình.
Một góc vườn nhà anh Tài |
Kỳ công để có một không gian tươi đẹp
Từ niềm đam mê sen đá khi có dịp lên Ðà Lạt du lịch, chị Thu Huyền (Q.9, TPHCM) đã tận dụng lốp xe cũ, ủng, giày dép, chai nhựa, đồ chơi của con… để khéo léo tân trang, tạo cho chúng một chức năng mới, vừa hữu ích và đẹp mắt. Chị Huyền nói chị rất tiếc mỗi khi vứt đồ cũ, đặc biệt là những vật dụng trong nhà, đồ chơi gắn liền với tuổi thơ và sự phát triển của con. Chị giữ lại để lưu giữ cũng như trân trọng những kỷ niệm đẹp. Và với người mẹ này, khi nhìn vào đồ vật ấy, sẽ thấy bóng dáng tuổi thơ của con mình ở đó. Chị thổi hồn cho chúng thành những chậu cây độc, lạ. Ðể thỏa sức sáng tạo, chị cũng học hỏi thêm trên mạng. Nhờ sự khéo léo nên từ đôi tay của chị, những vật vô tri ấy đã có diện mạo hoàn toàn mới lạ, trông ngộ nghĩnh và xinh xắn. Bên cạnh việc tạo nên những chiếc chậu độc đáo trồng sen đá, chị Huyền chia sẻ, để có những chậu sen thật đẹp, xanh tươi, chị chú trọng đến việc làm đất. Ðất trồng thường được trộn cùng chút phân bò hoặc phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng cho cây. Bà mẹ trẻ tâm sự: “Thấy cuộc sống của mọi người đa phần khá hối hả, bận rộn. Vì thế, mình muốn tạo nên những góc bình yên và mong tình yêu bình dị ấy sẽ giúp mình bớt đi những chộn rộn, dừng lại đôi chút để ngẫm nghĩ, thả lòng cơ thể, giúp cuộc sống dịu dàng và tinh thần thoải mái hơn”. Tuy khu vườn được hoàn thiện không tốn nhiều chi phí nhưng lại tốn khá nhiều công sức. Vì thế, mỗi mét vuông trong khu vườn nhỏ ấy đối với chị Huyền đều vô cùng thân thương và gần gũi.
Khu vườn của anh Nguyễn Văn Thanh (Q.3, TPHCM) cũng độc đáo không kém khi những thanh nhựa giữ cho bụi hoa nằm vững trong mấy chiếc chậu, được lấy từ ống hút bỏ đi. Các chậu hoa khác cũng được tạo thành bằng những cây bàn chải đánh răng cũ mòn. Người dựng khu vườn nhỏ này đã cố tình tận dụng các phế phẩm nhựa để tạo cho mình một góc nhỏ xanh. Anh nhặt nhạnh ống nước từ máy giặt - đồ bỏ đi nơi góc rác thải trong xóm và đã khéo léo vòng tròn các ống này thành một chậu hoa và trồng vào đó cây Lưỡi Hổ. Anh cũng tỉ mẩn nhặt ống hút đã qua sử dụng, về rửa sạch sẽ và tạo một giàn khung bằng nhựa để trồng cây Trường Xuân. Ngoài nhựa bỏ đi, anh Thanh còn gom những chiếc ghế cũ, cưa lại cùng kích thước, bào nhẵn mặt rồi dùng sơn trắng sơn lên như một hàng rào bé xíu cho dây Trường Xuân làm điểm tựa leo lên giàn. Rồi anh lại kiên nhẫn lấy những bàn chải đánh răng, dùng dao thật bén cạo những sợi nhựa, chỉ để lại thân bàn chải, đặt đều nhau, làm tường thành đỡ cho các gốc Kim Tiền loại nhỏ. Chỉ một khoảng nhỏ đã thấy bức ảnh nhiều màu một khi các loại thực vật đơn sơ kia trổ hoa.
Hàng rào và chiếc giàn cho cây leo ở vườn nhà anh Thanh được làm từ những chiếc ống hút
|
Những chậu cây được trồng bên bức tường màu xanh lá, càng làm cho một góc không gian thêm xanh. Dù tận dụng lại đồ cũ nhưng anh Thanh cũng kỳ công vệ sinh chúng thật kỹ, anh muốn cái gì cũng sạch, như chiếc vòng nước hay từng cái ống hút. Anh cũng không muốn những sợi của bàn chải đóng đen bụi bẩn, gây mất thẩm mỹ cho chậu hoa tự chế của mình. Người đàn ông hy vọng công sức của mình sẽ khiến bức tường loang lổ thường ngày trở nên đẹp hơn. Anh nói: “Xem tivi thấy trên thế giới người ta tận dụng sắt cũ để chế lại những tác phẩm nghệ thuật. Có người còn lấy rác để tạo thành những bộ quần áo thời trang… Còn tôi, chỉ làm những việc rất rất nhỏ so với người khác. Tuy nhiên, hy vọng nếu ai cũng biết tận dụng những sản phẩm nhựa dựng những tường xanh như tôi, hẳn những góc tối trong hẻm sẽ thêm tươi đẹp hơn. Và rác nhựa sẽ hạn chế thải ra môi trường”.
Muốn cuộc sống thêm tươi đẹp và lãng mạn, đôi khi chẳng cần phải ở biệt thự hay nhà lầu, không cần phải đất đai mầu mỡ. Chỉ cần một chút chăm chỉ và nhiệt tình, một góc tối tăm sẽ trở nên sáng long lanh và những vật dụng lẽ ra bỏ đi, lại được tận dụng, thành ra hữu ích.
HỒNG TUẤN - NGỌC HÀ
Bình luận