Mỗi dịp Tết đến Xuân về, sắp nhỏ nhà tôi rất vui sướng khi được cầm trên tay những phong bao đỏ mừng tuổi mới. Vợ chồng tôi hiểu rằng, dạy trẻ tiêu tiền là giúp trẻ tự kiểm soát và biết cách thỏa mãn đúng mực những ham muốn của bản thân, qua đó nâng cao khả năng sống tự lập. Về mặt giáo dục, cho con quản lý khoản tiền riêng này liệu có làm nảy sinh “óc tư hữu” và tính tham lam hoặc keo kiệt không?
(Một chị trong Hội quán Các Bà Mẹ Công giáo TGP.TP HCM)
![]() |
Có câu đùa phổ biến của các bạn trẻ mỗi dịp Tết là “Mẹ bảo đưa tiền lì xì cho mẹ giữ hộ, cho đến nay vẫn chưa nói gì…”. Nhiều nhà, con cái phải đưa hết cho mẹ để lo phần lì xì cho con của người khác. Có cha mẹ giữ riêng cho con. Khá nhiều gia đình “thả nổi” món tiền may mắn này cho con và chúng có “số phận” thật chìm nổi. Có bé “đốt” tiền vô tội vạ. Có bé mua truyện tranh, đồ chơi yêu thích. Có bé ăn quà vặt, chơi điện tử, mời bạn trà sữa. Có bé giở ra đếm đi đếm lại rồi cột cọng thun và cất kỹ vào ví để dành. Các cô cậu mới lớn thì mua quần áo đẹp và dụng cụ thể thao vừa túi tiền…
Chuyên gia tài chính gia đình và trẻ em Neale S.Godfrey (Mỹ) cho rằng cha mẹ nên dạy trẻ quản lý tiền bạc và cho tiền tiêu vặt bắt đầu ngay từ tuổi lên ba. Vì ở tuổi này, các bé đã có thể nhận thức được những điều mình mong muốn và đây là thời điểm thích hợp để cho các cháu làm quen với tiền.
Ở Việt Nam, việc chỉ cho trẻ mẫu giáo cách quản lý và chi tiêu món tiền lì xì này còn khá mới mẻ, nhưng chính điều này góp phần định hướng cho trẻ thái độ đúng đắn đối với tiền bạc, biết cách tiết kiệm và cả học cách kiếm tiền nữa.
Một con heo đất dường như đã biến mất trong thời đại internet, trẻ em cũng như cha mẹ không nhìn thấy sự cần thiết của việc bỏ ống heo. Thực ra, các “ngân hàng heo con” này sẽ phục vụ trẻ từ những nhu cầu mua sắm nhỏ nhất, khích lệ thói quen tích lũy tiền cho tương lai cũng như phát triển thói quen giữ tiền, chi tiêu của trẻ (các chuyên gia vẫn gọi là “kiến thức tài chính cơ bản”).
Khi có một món kha khá là lúc dạy con có thể gởi Ngân hàng…
Có chuyên gia đã đưa ra mẹo tài chính 4 chiếc bình và dạy trẻ cách phân bổ tiền thành 4 cửa: Bình thứ nhất giữ tiền làm từ thiện. Bình thứ hai đựng tiền tiêu vặt. Bình thứ ba tiết kiệm cho kế hoạch nhỏ như mua đồ chơi. Bình cuối cùng chứa ước mơ dài hạn như mai sau vào đại học.
Giá trị của đồng tiền sẽ được thể hiện một cách tốt nhất bằng sự nỗ lực để kiếm được nó. Khuyến khích con tìm kiếm một công việc lặt vặt trong thời gian rảnh rỗi của bé. Ðiều đó giúp đánh giá cao những nỗ lực thực sự của trẻ con đồng thời dạy chúng biết khiêm tốn và tôn trọng lao động từ những đồng tiền ít ỏi kiếm được.
Cha mẹ nên cho con tiền tiêu vặt hằng tuần và bàn bạc xem trẻ sẽ tiêu gì, khuyến khích trẻ kiếm tiền chính đáng bằng những công việc lặt vặt. Cho phép con tự trả tiền khi đi mua hàng để làm quen với các tờ tiền có mệnh giá khác nhau và luyện cách tính nhẩm nhanh. Lên cấp 2, giao con quyền quản lý mua sắm gia đình trong một tuần, trẻ sẽ được tự mình làm chủ, tận hưởng cảm cảm giác của một nhà lãnh đạo, sẽ thấy được sự vận hành của bánh xe đồng tiền trong gia đình.
Bằng cách này, từ phong bao lì xì ngày Tết đến con heo đất cả năm, con trẻ lớn lên, có nhiều niềm vui hơn chỉ là cảm giác được nhận tiền mừng tuổi, các bậc cha mẹ ạ.
THS – BS LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.