Trong Năm Thánh kỷ niệm 30 năm Việt Nam có 117 vị tử đạo được tuyên thánh sắp tới, Giáo hội tạo nhiều dịp để các tín hữu lãnh nhận ơn toàn xá. Vậy để đón nhận ơn này một cách trọn vẹn, mỗi tín hữu cần sống tâm tình chuẩn bị ra sao?
GIÚP GIÁO DÂN HƯỚNG LÒNG MÌNH
![]() |
Lm Phêrô Lê Nho Phú (Chánh xứ Ghềnh Ráng, GP Qui Nhơn): Tại Qui Nhơn, mỗi dịp có sự kiện trọng đại được lãnh nhận ơn toàn xá thì Đức Giám mục sẽ có thư gởi đến mọi tín hữu, đi kèm là những lời nhắc nhở, hướng dẫn để mọi người được hưởng ơn cách trọn vẹn. Ví dụ như trong Năm Thánh mừng 400 năm giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng, Tòa Giám mục có cho xuất bản một tập cẩm nang với đầy đủ chi tiết. Riêng tại Ghềnh Ráng, những dịp này giới chức sẽ làm một cái bảng lớn có dán thông báo đặt phía trước nhà thờ để mọi người tiện theo dõi. Ngoài ra, nhằm giúp giáo dân hiểu rõ hơn về ơn toàn xá là gì thì trong thánh lễ Chúa nhật, lúc bài giảng hay lời giáo huấn cuối lễ, tôi thường cắt nghĩa cho bà con. Đặc biệt giáo xứ thường tổ chức những chuyến hành hương tới các địa điểm lãnh nhận ơn toàn xá. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để trình bày và giáo dân cũng sẽ dễ tiếp thu.
GIỚI TRẺ CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM NHIỀU HƠN
![]() |
Anh Phêrô Nguyễn Tấn Phát (Gx Tha La, GP Phú Cường): Thực sự, tôi vẫn chưa tường tận lắm về ơn toàn xá. Chúng tôi dường như bị nhiều yếu tố chi phối như học hành, công việc, cũng như chưa nhận được sự nhắc nhở hay giải thích từ người lớn, nên không cảm nhận được ý nghĩa của ơn toàn xá. Vì vậy, tôi mong ước mục tử tại các giáo xứ có thể giải thích, hướng dẫn rõ hơn về việc lãnh nhận ơn này. Nhưng trên hết vẫn là sự quan tâm từ gia đình vì họ là những người gần gũi và có thể luôn đồng hành. Những người lớn nên làm gương và khuyến khích các thành viên trong gia đình ngày càng ý thức về các ân sủng Chúa ban.
TIẾP BƯỚC CHA MẸ
![]() |
Chị Anna Phạm Thị Kim Dung (Gx Tân Bắc, GP Xuân Lộc): Mỗi khi chuẩn bị đến thời điểm lãnh nhận ơn toàn xá thì cha xứ, rồi ba mẹ tôi đều không ngừng nhắc chúng tôi dọn mình lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để chuẩn bị trước. Vậy nên, khi đã làm cha mẹ, chúng tôi cũng tiếp bước các ngài nhắc nhớ cho con cháu mình. Tất nhiên, chính bản thân tôi cũng phải sốt sắng thực hiện các quy định của Giáo hội, đồng thời nói cho con hiểu về những ơn ích khi sốt sắng đón nhận. Tôi nghĩ rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cha mẹ đều phải là người dẫn đường thiết thực nhất bằng hành động cụ thể, nếu muốn con sống theo điều mình nói. Một điều quan trọng khác là khi được Chúa tha thứ thì người ta cũng cần cố gắng sống thứ tha như Lời Chúa dạy.
SỐNG TINH THẦN TOÀN XÁ VỚI ANH EM
![]() |
Ông Antôn Trần Ngọc Đậu (Gx Xóm Chiếu, TGP.TPHCM): Tôi nghĩ khi lãnh nhận ơn toàn xá, bản thân mình cũng cần phải sống tinh thần này với mọi người. Trong mối tương quan với tha nhân, lắm lúc tôi lầm lỗi với người khác, rất cần sự tha thứ, cũng như có ai đó vô tình hoặc cố ý xúc phạm, tôi cũng cần bao dung. Là con cái Chúa, tôi nhớ lời kinh Lạy Cha mỗi ngày, Chúa Giêsu dạy cầu nguyện: “Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Tha thứ cho người khác cũng là cách làm đổi mới tâm hồn mình, thoát khỏi những ích kỷ, hẹp hòi. Trong một gia đình hay một cộng đoàn, khi cùng nhau bỏ qua những khuyết điểm và giúp nhau mài giũa, phát triển những cái hay thì tinh thần yêu thương sẽ tỏa lan. Vấn đề là chúng ta có đủ độ lượng để nghĩ cho người khác hay chỉ nghĩ cho mình, vì những hơn thiệt của bản thân? Trong Năm Thánh này, tôi cố gắng sống tinh thần toàn xá nhiều hơn và xin Chúa ban cho tôi sức mạnh để vượt qua những rào cản từ sự yếu đuối do bản tính con người.
SỐNG ĐỨC TIN TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY
![]() |
Chị Clara Hoàng Bảo Trâm (Gx Tân Thái Sơn, TGP.TPHCM): Bản thân là người Công giáo, đương nhiên tôi rất mong mỏi được lãnh nhận ơn toàn xá của Giáo hội, không chỉ cho cá nhân mình mà còn có thể chỉ cho các linh hồn. Để được lãnh ơn toàn xá, tôi cố gắng làm theo những hướng dẫn của Giáo hội, noi gương các vị thánh tử đạo Việt Nam sống đức tin trong cuộc sống thường ngày. Thay vì dành một giờ giải trí, lướt mạng xã hội, nói chuyện phiếm, tôi tập trung cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, đi nhà thờ tham dự thánh lễ, xưng tội, rước lễ hoặc viếng một địa điểm hành hương. Trong mối tương quan với mọi người, tôi cố gắng giữ hòa nhã, không đổ lỗi cho người khác khi gặp những việc không hợp ý mình.
“… Sự tha thứ hình phạt tạm, bởi tội đã được tha trước, gọi bằng tên riêng là ân xá. Ðây là cách giảm bớt dấu vết tội, đồng thời tẩy sạch các dấu vết ấy. Qua ân xá, Giáo hội lợi dụng sức mạnh của Chúa Kitô, qua lời cầu nguyện và qua sự can thiệp của quyền bính, áp dụng cho người tín hữu, như họ chuẩn bị, kho tàng đền bù mà Chúa Kitô và các thánh đã lập để tha các hình phạt tạm. Mục đích khi quyền bính Giáo hội ban ân xá , không những nhằm tín hữu thoát khỏi hình phạt mà còn thúc đẩy họ làm việc đạo đức, đền tội, và bác ái để gia tăng đức tin và mưu cầu công ích. Khi tín hữu lãnh ân xá cho người đã chết, họ vun trồng đức ái cách tuyệt diệu, và khi họ hướng tâm trí lên trời, họ cũng nên khôn ngoan hơn nơi trần thế. Quyền Giáo huấn Giáo hội đã trình bày và làm sáng tỏ giáo lý về ân xá qua nhiều văn kiện. Nhưng bất hạnh, nhiều khi sự thực hành về việc lãnh ân xá bị dùng sai do phô trương hoặc không đúng lúc, làm ân xá bị khinh thường, hành động vô phép, bị khinh khi xúc phạm. Giáo hội phải sửa sai những tệ nạn ấy và dạy rằng phải duy trì ân xá cho phần rỗi cao cả của các linh hồn như Giáo huấn Giáo hội và Công đồng đã chuẩn nhận, đồng thời lên án dữ cho những kẻ khinh thường ân xá, hoặc chối quyền Giáo hội ban những ơn này”. (trích Tông huấn Giáo lý Ân xá - Indulgentiarum Doctrina, số 7-8) |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.