Công dụng thực sự của ráy tai đang được quảng bá tại các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, thậm chí có nước còn quyết định cấm luôn bông ráy tai trong thời gian tới.
Trong một đoạn phim ngắn mới đây trên trang Business Insider, William H. Shapiro, nhà thính học và trợ lý giáo sư lâm sàng tại Trung tâm y khoa Langone của Đại học New York (NYU, Mỹ), đã trình bày chi tiết về mối đe dọa đến từ bông ráy tai và cần phải làm gì khi cho rằng mình nên vệ sinh tai. Theo chuyên gia Shapiro, ráy tai thật ra có chức năng sinh lý vô cùng quan trọng, chẳng hạn bảo vệ tai trước nguy cơ côn trùng tấn công và nấm mốc tăng trưởng: “Nó bắt dính lông, bụi và da chết bị đẩy ra khỏi tai trong lúc con người thực hiện các động tác nhai hoặc ngáp”.
Trong khi đó, Giáo sư Martin Burton của Đại học Oxford (Anh) hài hước khi nói rằng: “Chúng tôi luôn cảnh báo là đừng nên nhét thứ gì nhỏ hơn khuỷu tay vào lỗ tai”. Đây là cách nói quá nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, vì họ có thể gây tổn hại hoặc kích thích phần do vô cùng nhạy cảm bên trong ống tai, đưa vào vi khuẩn gây bệnh hoặc thậm chí đâm thủng cả màng nhĩ. “Những sự cố liên quan đến bông ráy tai thực sự là vấn đề thường gặp”, cụ thể là ở Mỹ, theo tiến sĩ Peter Svider của Đại học Wayne State (bang Michigan). Người bình thường hay có khuynh hướng đẩy ráy tai vào sâu hơn thay vì lấy chúng ra, hay ít nhất khoảng 50% dân số Mỹ từng đôi lần gặp rắc rối tương tự.
Còn báo mạng The Huffington Post dẫn lời biên tập viên Sarah Klein nhấn mạnh tai người có cơ chế tự làm vệ sinh. Ráy tai che chắn màng nhĩ trước nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài và đóng vai trò là chất kháng khuẩn cũng như chất bôi trơn cho tai. “Trời sinh ráy tai là giúp ống tai của bạn được giữ sạch sẽ”, theo ông Douglas Backous, chủ tịch ủy ban thính giác thuộc Học viện Phẫu thuật đầu, tai họng và cổ (AAO-HNSF), kiêm giám đốc khoa giải phẫu xương sọ và thính giác thuộc Viện Khoa học thần kinh Thụy Điển tại Seattle.
Bạn có thể dùng sai bông ráy tai
Các bác sĩ đồng ý rằng trong khi bông ráy tai không phải lúc nào cũng xấu, mà là do đa số người sử dụng chúng không đúng cách, trong khi nhà thính học Shapiro cảnh báo rằng thọc bông ráy tai vào ống tai có thể tổn hại màng nhĩ, từ đó khiến thính giác suy giảm. Thay vào đó, bông ráy tai chỉ nên dùng để ngoáy nhẹ xung quanh vùng tai ngoài mà không đi vào ống tai. Khi thọc sâu quá mức, người dùng có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, ù tai, đau nhức và thậm chí còn suy giảm thính giác.
Ráy tai đóng vai trò kháng khuẩn vì được cấu tạo từ tế bào da chết, các chất a xít béo và một ít cholesterol, nó thật sự rất hiệu quả trong việc bắt dính và tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh. Tất nhiên chẳng ai muốn ráy tai cứ bám chặt trong ống tai, nhưng cơ thể con người hết sức kỳ diệu khi được xây dựng với cơ chế có thể tự tống ráy tai ra ngoài mà không cần công cụ. Ngoài ra, có một phần nhỏ dân số đích thực sản xuất lượng ráy tai quá mức cần thiết, gây tắc ống tai và ảnh hưởng thính giác. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là đến bác sĩ theo định kỳ để nhờ sự hỗ trợ của y tế khi cần lấy ráy tai.
NHÀN VÂN
Bình luận