“Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6,36). Đó là thông điệp mà bộ phim ngắn của đạo diễn John La Raw mang tựa đề “Xưng tội” đã gởi đến mọi người trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Phim kể về một người đàn ông đến nhà thờ xưng tội, khi biết mình không còn sống được bao lâu nữa vì đã ở vào giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư ruột. Ông thú nhận với cha giải tội rằng trong một khoảng thời gian rất dài, mình đã phải sống trong sự dằn vặt của lương tâm bởi bản thân đã hại chết một người.
Sự việc xảy ra từ 20 năm trước, sau khi uống quá chén trong tiệc sinh nhật của một người bạn, ông lái xe về nhà trong tình trạng không tỉnh táo. Ông cố chạy nhanh và lấn cả lên phần đường dành cho người đi bộ để rồi đụng vào một người đàn ông thình lình xuất hiện trước đầu xe. Khi ấy, cậu bé con của người đàn ông nọ đã chạy đến khóc lóc, xin ông đưa bố cậu ta đi bệnh viện; nhưng vì sợ vướng pháp luật nên ông đã bỏ chạy. Người đàn ông tội lỗi bật khóc nức nở trong tòa giải tội mà không hay biết, cha xứ đang ngồi phía sau tấm màn chính là cậu bé, con của người đàn ông bị tai nạn 20 năm về trước.
Ban đầu cha xứ đã hết sức bất ngờ, sau đó tâm trạng ngài chuyển dần sang giận dữ. Ngài chất vấn người đàn ông nọ tại sao không đưa cha mình đến bệnh viện. Nhưng rồi, cha xứ đã đến quỳ trước tượng Chúa đọc đi đọc lại kinh Lạy Cha. Khi những câu từ trong lời kinh vang lên, ngấm dần vào tâm hồn cũng là lúc vị linh mục trẻ cảm thấy cần bao dung cho kẻ tội lỗi kia. Để ông thanh thản mà đi tiếp ngày tháng ít ỏi cuối đời, linh mục đã nói tránh rằng cha mình không chết trong vụ tai nạn ấy.
Trong chỉ khoảng 19 phút ngắn ngủi, “Xưng tội” đã hoàn thành nhiệm vụ truyền tải của mình một cách trọn vẹn với từng chi tiết mang nhiều cung bậc cảm xúc đến cho người xem.
Có thể thấy ở toàn bộ phim, sự trùng hợp trong cuộc gặp gỡ giữa vị linh mục và người đàn ông tội lỗi chính là nút thắt và những câu kinh gần cuối phim đã mở dần nút thắt ấy. “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con” (kinh Lạy Cha). Tha thứ trước nay chưa bao giờ là một điều dễ dàng thực hiện. Nhất là khi thiệt hại mà người khác gây cho mình quá lớn thì càng khó bỏ qua. Ngay chính vị linh mục kia cũng đã phải đấu tranh nội tâm rất nhiều để có thể bao dung cho kẻ đã hại chết cha mình. Thế nhưng, nếu có thể khoan dung cho kẻ tổn thương mình, thì không chỉ kẻ đó mà chính bản thân mình cũng được giải thoát. Khi tha thứ, mọi sự đau khổ, dằn vặt bỗng chốc hóa thành mây khói.
Với nội dung sâu sắc, ý nghĩa, bộ phim “Xưng tội” đã đạt giải nhất phim ngắn trong Liên hoan phim Công giáo quốc tế 2016.
ĐỖ YÊN
Bình luận