Sưu tập Nguyễn Hữu Triết - Tâm huyết một đời người

Ðây là tên gọi của cuộc trưng bày chuyên đề diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM từ ngày 28.4 đến 31.7.2022, do Bảo tàng phối hợp với Hội cổ vật TPHCM tổ chức, giới thiệu đến công chúng một phần các bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu, độc đáo, chứa đựng giá trị về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và thẩm mỹ mà linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết đã dày công sưu tầm và gìn giữ suốt hơn một phần tư thế kỷ.

Sự kiện này là một trong nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa qua hình thức xã hội hóa, ghi nhận những đóng góp tích cực của sưu tập tư nhân, đã được Bảo tàng Lịch sử triển khai trong thời gian qua. Ðây cũng là cuộc trưng bày trực tiếp đầu tiên tại Bảo tàng sau hơn 2 năm đại dịch.

Khách tham quan dừng chân trước bộ sưu tập “Cân và quả cân” - ảnh: LG

Buổi khai mạc diễn ra trang trọng, có mặt các vị lãnh đạo, đại diện Cục Di sản Văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Bảo tàng Lịch sử và một số bảo tàng tại TPHCM, Hội Di sản Văn hóa TPHCM, Hội Cổ vật TPHCM... Ðại diện Tổng Giáo phận TPHCM có linh mục Tổng Ðại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân; vì lý do sức khỏe, cha Giuse Nguyễn Hữu Triết - chủ nhân các bộ sưu tập - không đến được, linh mục phụ tá Vinhsơn Nguyễn Hoàng Lê Nguyên (giáo xứ Tân Sa Châu) đã thay mặt cho ngài. Dịp này, các nhà sưu tập và những người thân quen, mến mộ cha Triết cũng đến tham quan phòng trưng bày.

Các hiện vật được chọn lọc từ những bộ sưu tập cổ vật của cha Triết, có xuất xứ từ Việt Nam cùng nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, với niên đại trải dài cách nay từ khoảng 2.500 năm đến trước năm 1975.

Khách tham quan được nghe thuyết minh và tận mắt xem những hiện vật từ thời xa xưa ấy. Bảo tàng có sự sắp xếp và phân chia theo từng bộ sưu tập. Có thể kể đến như bộ sưu tập Lục lạc với những hiện vật nhiều kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu. Ðây là vật dụng được con người chế tác và sử dụng từ thời tiền sơ sử, có các công năng làm nhạc cụ, đồ trang sức, vật trang trí trên trang phục... Lục lạc lớn còn được dùng để đeo vào cổ các con vật như voi, trâu, bò, ngựa... Hoa văn trên những chiếc lục lạc là những vạch chỉ, có ảnh hưởng văn hóa Ðông Sơn, văn hóa Ðồng Nai và Nam Tây Nguyên. Hay bộ sưu tập đèn cổ, cũng phong phú và đặc sắc với những chiếc đèn thể hiện sự sáng tạo khéo léo, tinh xảo trong chế tác của người xưa. Nhắc đến đèn cổ, không ít người vẫn nhớ về sự kiện từ năm 2005, linh mục Nguyễn Hữu Triết từng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là người sở hữu “bộ sưu tập đèn cổ nhiều nhất Việt Nam”. Người xem có thể dễ nhận ra những chiếc đèn dầu có bóng thủy tinh tròn hoặc dài mà mấy chục năm về trước, vẫn rất gần gũi với các gia đình Việt Nam. Và ấn tượng hơn với những chiếc có kiểu dáng lạ, được làm bằng chất liệu gốm, đá, kim loại, thủy tinh, xuất xứ từ châu Âu cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20... Với bộ sưu tập “Lư hương, bát nhang”, khách đến đây được chiêm ngắm những chiếc lư hương, bát bát nhang gốm thời Trần (thế kỷ 13 - 14), thời Mạc (thế kỷ 16 - 17); lư hương gốm Thổ Hà - Bắc Giang, gốm men nâu Phù Lãng - Bắc Ninh (thế kỷ 17 - 18) và lư đồng thời Nguyễn (thế kỷ 19). Mỗi thời được trang trí với hoa văn đặc trưng nên những chiếc lư hương không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo mà còn thể hiện nét văn hóa, lịch sử... Còn bộ “Dụng cụ ăn trầu” thì gồm các loại bình vôi, ống vôi, chìa vôi, dao, ô trầu, ống nhổ, cối, chìa ngoáy, hộp đựng... với chất liệu chủ yếu là gốm và kim loại. Có thể thấy những hộp đựng vôi, ống vôi bằng kim loại Chămpa từ thế kỷ 17 - 18 hay xưa hơn là các bình vôi gốm men nâu, men ngọc, men nhiều màu Việt Nam thế kỷ 15 - 16. Nhiều bình vôi ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong phong tục ăn trầu của người Việt, còn mang giá trị nghệ thuật cao qua kỹ thuật, mỹ thuật trang trí... Một bộ sưu tập cũng gây sự chú ý với nhiều người là “Cân và quả cân”. Trong đó, có nhiều loại cân khác nhau như cân đĩa, cân đòn gánh, cân bàn, cân tiểu ly... được chế tác từ gỗ, ngà, kim loại; đi cùng là những quả cân phong phú về kích cỡ, trọng lượng, như mấy quả cân bằng kim loại Myanmar từ thế kỷ 17 - 18 hay loại có xuất xứ từ Ðông Nam Á thế kỷ 19, gần hơn là các quả cân châu Âu đầu thế kỷ 20. Một số quả cân bằng gốm của Trung Quốc còn kèm theo dòng chữ Hán là kim chỉ nam trong việc buôn bán “Công bình giao dịch, Thiên lý lương tâm”. Chiếc cân không chỉ là hiện vật kể lại dấu ấn thương mại của thời quá khứ mà nó còn hàm chứa nhiều ý nghĩa khác về sự công bằng, công tâm, ngay thẳng, minh bạch trong cuộc sống của con người...

Những chiếc đèn từ châu Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - ảnh: LG

Vào tham quan phòng trưng bày, linh mục Tổng Ðại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân đánh giá cao và trân trọng công việc của cha Giuse Nguyễn Hữu Triết. Ngài nhắc lại kỷ niệm một thời cùng làm việc chung với cha Triết ở xứ Gia Ðịnh trong 18 năm (từ 1975 đến 1993) và niềm say mê sưu tầm cổ vật của cha: “Ngay từ khi còn ở Gia Ðịnh, tôi đã thấy cha Triết có niềm yêu thích sưu tập đồ cổ, khi về Tân Sa Châu thì ngài có điều kiện bộc lộ rõ nét hơn niềm đam mê này. Bên cạnh công việc mục vụ, củng cố đức tin cho bà con giáo dân, cha để ý sưu tầm rất nhiều cổ vật. Ngài cũng đã mở những cuộc triển lãm tại Nhà Truyền thống Tổng Giáo phận...”. Cha Tổng Ðại diện còn cảm nhận được điều ý nghĩa khi Bảo tàng Lịch sử và Hội cổ vật TP đã tổ chức, khai mạc cuộc trưng bày này vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm linh mục của cha Triết: “Ðiều này thật đặc biệt vì nó đánh dấu mốc thời gian ngài đã phục vụ trong sứ vụ mục tử, không chỉ đóng góp cho Giáo hội mà còn tỏa ra xã hội”.

Lư hương gốm men nâu thế kỷ 17 - 18 - ảnh: LG

Rảo quanh xem các hiện vật, chị Nguyễn Thị Diễm Phượng, đến từ giáo xứ Bến Cát (giáo hạt Gò Vấp) tỏ ra cảm phục công sức, sự công phu, tỉ mẩn trong việc sưu tập của cha Triết. Cũng như cha Tổng Ðại diện, chị xúc động khi biết cuộc trưng bày này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm linh mục của ngài.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Chủ tịch Hội Cổ vật TPHCM đã ghi nhận sự đóng góp lớn của linh mục Nguyễn Hữu Triết cho Hội suốt thời gian qua. Thông qua cuộc trưng bày này, ông và các thành viên của Hội Cổ vật muốn gởi một tình cảm yêu quý thân thương đến cha như một lời tri ân chân thành nhất.

LIÊN GIANG

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Pin nhiệt từ không khí, muối và gạch
Pin nhiệt từ không khí, muối và gạch
Muối, không khí và gạch, phải chăng là tương lai của ngành lưu trữ năng lượng? Ðó là câu hỏi mà không ít công ty khởi nghiệp đang muốn trả lời.
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Trong tương lai không xa, việc sáp nhập và tái cơ cấu hành chính ở Việt Nam dự kiến sẽ tạo ra hơn 600 đơn vị hành chính xã mới. Mục tiêu của việc sáp nhập này là cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển...
Những người hùng thầm lặng chống ô nhiễm rác nhựa
Những người hùng thầm lặng chống ô nhiễm rác nhựa
Những người nhặt ve chai trên khắp thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm rác nhựa đối với những cộng đồng nghèo khó.
Pin nhiệt từ không khí, muối và gạch
Pin nhiệt từ không khí, muối và gạch
Muối, không khí và gạch, phải chăng là tương lai của ngành lưu trữ năng lượng? Ðó là câu hỏi mà không ít công ty khởi nghiệp đang muốn trả lời.
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Trong tương lai không xa, việc sáp nhập và tái cơ cấu hành chính ở Việt Nam dự kiến sẽ tạo ra hơn 600 đơn vị hành chính xã mới. Mục tiêu của việc sáp nhập này là cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển...
Những người hùng thầm lặng chống ô nhiễm rác nhựa
Những người hùng thầm lặng chống ô nhiễm rác nhựa
Những người nhặt ve chai trên khắp thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm rác nhựa đối với những cộng đồng nghèo khó.
Từ ngày 30.3.2024, người bị quản lý, giam giữ được sử dụng kinh sách để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo
Từ ngày 30.3.2024, người bị quản lý, giam giữ được sử dụng kinh sách để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo
Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2024; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực...
Giải mã được tài liệu cổ đã cháy thành than
Giải mã được tài liệu cổ đã cháy thành than
Những cuộn giấy cói bị cháy thành than vào thế kỷ thứ nhất, đã bắt đầu có thể được đọc nội dung nhờ vào công nghệ mới và chương trình học máy trí thông minh nhân tạo (AI).
Vỉa hè Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức
Vỉa hè Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức
Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.
Các hội đoàn giáo dân đang hiệp hành thế nào?
Các hội đoàn giáo dân đang hiệp hành thế nào?
Ở Việt Nam hiện nay có trên dưới 30 phong trào tông đồ giáo dân. Tùy từng giáo phận mà các hội đoàn hiện diện nhiều hoặc ít, song những phong trào này đang ngày càng có nhiều đóng góp dựng xây Giáo hội địa phương và xã hội.
Cuộc sống 72 năm trong “phổi sắt” của luật sư, tác giả kiêm ngôi sao TikTok
Cuộc sống 72 năm trong “phổi sắt” của luật sư, tác giả kiêm ngôi sao TikTok
Bất chấp hoàn cảnh trớ trêu, ông Paul Alexander (1946-2024) không đầu hàng số phận mà nỗ lực để trở thành nhân vật truyền cảm hứng sau 72 năm sống trong phổi sắt.
Ngôi nhà  cân bằng năng lượng ở Mỹ
Ngôi nhà cân bằng năng lượng ở Mỹ
Một ngôi nhà mang tính đột phá, cân bằng năng lượng (phát thải zero) ở bang Wyoming (Mỹ), đang giúp thay đổi phương thức xây dựng của các nhà thầu. Các chủ sở hữu nhà cũng nhìn nhận về thiết kế thân thiện môi trường này.