Noru chỉ mất 6 giờ để mạnh lên cấp siêu bão. Giờ đây các nhà khoa học buộc phải thừa nhận những cơn bão như Noru ngày càng trở nên khó dự báo hơn bao giờ hết.
Cư dân trên hòn đảo nghỉ dưỡng Polillo từ lâu đã quen với tình trạng thời tiết khắc nghiệt. Hòn đảo nhỏ bé nằm ở phía đông bắc Philippines, bên rìa Thái Bình Dương, nơi các cơn bão thường được tiếp sức để trở thành siêu bão.
Thế nhưng, thậm chí những con người đã sống quen với cảnh bão tố như thế cũng bất ngờ trước sức mạnh của bão Noru. Cơn bão chỉ mất vỏn vẹn 6 giờ để lắc mình thành siêu bão trước khi ập vào khu vực này vào ngày 25.9. Đài CNN dẫn lời ông Armiel Azas Azul, 36 tuổi, chủ sở hữu nhà hàng tên Sugod Beach and Food Park trên hòn đảo thuộc tỉnh Quezon, thừa nhận “mọi thứ trở nên vô cùng khó đoán. Và bão Noru ập đến quá nhanh”.
![]() |
Chuyển biến đột ngột của bão Noru khiến nhiều người dân không kịp trở tay |
Từ bão lên siêu bão
Khi nhận được thông tin cảnh báo bão Noru đang áp sát Philippines vào ngày 24.9, ông Azul bắt đầu việc chuẩn bị đón bão như thường lệ, như sắp xếp máy phát điện, buộc chặt những đồ vật lỏng lẻo. Thời điểm đó, Noru được dự báo sẽ đổ bộ vào ngày 25.9 và chỉ tương đương cấp 1. Tuy nhiên, trong lúc tiến gần Philippines, Noru bất ngờ phát triển thành siêu bão, tương đương cấp 5. Bão đổ bộ chiều tối 25.9, mang theo sự cuồng nộ của bão táp làm sóng dữ cuồn cuộn và quẳng tàu bè lên bãi biển.
Ông Azul cho biết bản thân vô cùng may mắn vì khu khách sạn - nhà hàng của ông vẫn duy trì được tín hiệu truyền hình và internet nên kịp thời nắm được chuyển biến đột ngột của bão. Ngay khi biết Noru mạnh hơn nhiều lần so với dự báo, nhân viên nhà hàng lập tức mang tài sản bên ngoài vào bên trong và siết chặt mái của các nhà nghỉ. Chính quyền địa phương cũng nhanh chóng sơ tán những người sống gần bờ. “Thế nhưng, những nơi khác của hòn đảo không có tín hiệu internet và chỉ dựa vào tín hiệu vô tuyến nên đã không tiếp nhận được thông tin bão đã mạnh lên. Siêu bão đã phá hủy nhiều khu resort, gió mạnh giật tung những chòi lá trên bờ biển và làm hư hại các lồng cá gần đó. Những hàng dừa được trồng dọc theo đảo cách đây một thập niên sau khi bão Ketsana (Ondoy) càn quét khu vực đã bị quét sạch. Chúng tôi phải nhặt lại từng mảnh vụn, và xây dựng mọi thứ một lần nữa”, ông Azul kể.
Trên đảo chính Luzon, Noru để lại một vệt dài những thứ hỗn độn ở tỉnh Nueva Ecija, nơi được xem là “vựa lúa” của Philippines. Một nông dân tên Ruel Ladrido, 46 tuổi, ở in Laur (tỉnh Nueva Ecija) cho biết ruộng của ông thoát cảnh ngập nhưng gió lớn đã phá hủy hết hoa màu. Tính đến thời điểm hiện tại, Philippines ghi nhận 12 người tử vong vì bão Noru, trong đó có 5 nhân viên cứu hộ ở tỉnh Bulacan. Thiệt hại ước tính cho ngành nông nghiệp đã tăng lên 3 tỷ peso (khoảng 51 triệu USD), gây ảnh hưởng cho 104.500 nông dân và ngư dân, và gây tổn thất nặng nề cho đất nông nghiệp.
![]() |
Trở nên khó đoán
Với hơn 7.600 hòn đảo, Philippines là nơi thường xuyên đón bão. Mỗi năm trung bình nước này chứng kiến khoảng 20 cơn bão nhiệt đới. Tuy nhiên, do nước biển tiếp tục dâng cao và nhiệt độ trong lòng đại dương ấm lên, giới chuyên gia vào năm 2018 đã cảnh báo tình trạng bão phát triển nhanh chóng thành siêu bão sẽ xảy ra ở tần suất thường xuyên hơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang kích hoạt những sự kiện thời tiết cực đoan và cùng lúc đó càng khó đoán cơn bão nào sẽ mạnh lên và nơi cần phải theo dõi đường đi của chúng.
Và trong khi Noru không gây ra tổn thất về nhân mạng lẫn vật chất như các cơn bão khác trong những năm gần đây, siêu bão này thu hút sự chú ý vì sự chuyển biến quá nhanh và quá nguy hiểm của nó. “Thách thức mà chúng ta phải đối mặt là làm sao dự báo chính xác cường độ và thời gian các cơn bão có thể nâng cấp nhanh chóng đến mức nào, ví dụ từ vùng áp thấp phát triển thành bão nhiệt đới”, Đài CNN dẫn lời ông Lourdes Tibig, nhà khí tượng và thời tiết học thuộc Viện Khí hậu và Thành phố Bền vững (trụ sở Quezon).
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Viện Phát kiến Khí tượng Thâm Quyến (Trung Quốc) và Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông phát hiện bão ở khu vực Đông và Đông Nam Á giờ đây kéo dài hơn từ 2 đến 9 giờ so với thời gian trước và tiến sâu vào đất liền trung bình thêm 100 km so với cách đây 4 năm. Đến cuối thế kỷ 21, mức độ phá hủy của bão ở hai khu vực trên có thể tăng gấp đôi. Vì thế, các chuyên gia khí tượng học gặp khó khăn trong việc dự báo hướng đi của bão, cũng như dự đoán cơn bão nào có thể nâng cấp nhanh chóng.
Chuyện tương tự đã xảy đến cho Mỹ vào cuối tháng 9 khi bão Ian chuyển mình từ bão cấp 1 sang bão cấp 4 trước khi đổ bộ dọc theo bờ tây nam bang Florida. Sự gia tăng cường độ nhanh chóng đến thế tạo nên những thách thức cho cư dân, giới hữu trách và nhân viên ứng phó tình trạng khẩn cấp tại các địa phương. Mọi người bị đẩy vào tình thế không còn cách nào khác là phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Trong cuộc họp báo hôm 26.9, Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. tỏ lời khen ngợi các địa phương đã tổ chức ứng phó tốt trước siêu bão, bao gồm giải thích nhanh chóng tình hình cho người dân và tổ chức sơ tán kịp thời. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cũng thừa nhận bão giờ đây trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Việt Nam cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với bão Noru, may mắn là cơn cuồng phong này đã giảm cấp khi vào nước ta.
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.