Thứ Tư, 06 Tháng Tư, 2022 16:31

Tâm lý học đường

 

Vừa qua, có một số vụ việc đáng tiếc là học sinh nhảy lầu tự tử, làm cho gia đình các em hết sức đau buồn và sốc trước hành vi của trẻ. Ở góc độ tâm lý, một số ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn ý thức, có thể dẫn đến hành vi tiêu cực, trong khi các em không được sự quan tâm động viên kịp thời từ cả phía phụ huynh và nhà trường.

Tâm lý học đường quan trọng như thế nào trong xã hội hiện nay?

 

Việc thi chuyển cấp II lên cấp III, hoặc việc duy trì các kết quả học tập ở trường chuyên lớp chọn đã khiến nhiều học sinh luôn bị quá tải kiến thức, sa sút sức khỏe. Nhiều em hầu như không có thời gian giao tiếp bạn bè và hoạt động xã hội, mà chỉ tập trung cho việc học và đuổi theo kết quả điểm số. Tình trạng này kéo dài đã gây lên sự trầm uất ở trẻ. Nhiều em bị căng thẳng dẫn đến biểu hiện thiếu ngủ, mệt mỏi, lo âu; hơn nữa, việc học của nhiều em lại còn được đặt trong sự “kỳ vọng” quá nhiều của cha mẹ... Tất cả đã gây ra những áp lực cho nhiều học sinh, tạo thành những bệnh tâm lý học đường mà không ai biết, lâu dần tích tụ và có thể dẫn đến hành vi tiêu cực như nhảy lầu tự vẫn.

Việc học sinh phải tham gia một môi trường học hành đầy áp lực ở thời điểm tuổi vị thành niên đã phần nào phản ánh một xã hội còn nặng về chữ nghĩa, từ chương. Một số phụ huynh luôn thắc mắc tại sao ngày nay con em mình phải học nhiều thế? Kiến thức được chú trọng nhiều hơn kỹ năng sống? Vậy là một khoảng trống về hoạt động xã hội, tâm lý học đường đã không được quan tâm đúng mức ở môi trường học đường.

Thêm vào đó, việc học online vì đại dịch Covid-19 suốt thời gian dài đã khiến cho nhiều học sinh chỉ tiếp xúc với bạn bè, thầy cô qua máy tính, điện thoại. Khi các em ít được giao tiếp trực tiếp và không được đến lớp học sẽ làm gia tăng thêm bệnh trầm cảm. Học online còn làm cho học sinh tiếp xúc nhiều với môi trường ảo, không gian mạng dễ nảy sinh những căng thẳng. Các chứng nghiện game, cô đơn, không giao tiếp… đã tạo ra các tâm lý tiêu cực mà đôi khi cha mẹ, thầy cô cũng không nắm bắt được diễn biến bên trong.

Từ những thực tế này đặt ra câu chuyện cho ngành giáo dục hôm nay là phải quan tâm sát sao hơn đến tâm lý học đường của học sinh, ngoài việc dạy kiến thức. Cần phải có những khảo sát, thăm dò đánh giá thường xuyên về diễn biến tâm lý của các em ở từng lớp, từng cấp trong mỗi giai đoạn học tập, để từ đó mà có những tư vấn chính xác, giúp phòng ngừa những hành vi lệch chuẩn của các em. Thực hiện tư vấn tâm lý học đường giúp trẻ giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống; đồng thời trẻ giúp trẻ phát triển được kỹ năng học tập, năng lực và nhân cách. 

 

Ngô Quốc Ðông

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm