Thứ Ba, 24 Tháng Giêng, 2023 16:18

Tản mạn mèo nhà

 

Mèo cùng với chó và một số con vật khác vốn là vật hoang được thuần hóa và trở thành vật nuôi trong gia đình thân thiện gần gũi với con người. Mèo có thể tạm chia ba loại: mèo hoang, mèo nhà nuôi để bắt chuột và mèo cảnh - còn được gọi là thú cưng. Ở Việt Nam, tại vùng thôn quê, nhất là khu vực Bắc Bộ, hình ảnh con mèo rất thân thuộc với nhiều người. Con mèo dường như gắn nhiều với ký ức của thế hệ người Việt 7X trở về trước hơn, bởi thời kỳ này còn bao cấp, vất vả, khó nhọc, nên mèo được nuôi chủ yếu để bắt chuột. Sau này, lớp trẻ nông thôn sống trong bối cảnh đô thị hóa, họ thường biết đến mèo cảnh với tư cách thú cưng. Còn cư dân đô thị thì ít có không gian để nuôi. Nếu nuôi thì số đông là nuôi mèo cảnh, lập ra cả những bệnh viện, khách sạn phục vụ loài này.

Tại sao người nông dân lại hay nuôi mèo? Dễ hiểu vì khi thóc lúa, khoai sắn, ngô, lạc đậu vừng… thu hoạch ở ngoài đồng về thường là thức ăn của chuột. Ngày xưa hiếm các loại vật liệu cứng như thép, hay nhựa tổng hợp, lúa gạo tích trữ đóng bao để trong nhà, được đựng trong bồ hoặc quây trong cót ép. Đây là “thiên đường” của chuột ăn và sinh sôi nảy nở, nhất vào mùa Đông. Do đó bà con rất hay nuôi mèo. Giống chuột bị mèo bắt vía, thông thường không có mèo thì hoành hành, cắn phá rục rịch, đục khoét, gặm nhấm cả đêm, nhưng khi có tiếng mèo, hoặc phát hiện ra mèo nuôi trong nhà là chúng cũng hoạt động cầm chừng vì sợ.

Vì là mèo nhà nên chúng cũng gắn với những câu chuyện liên quan đến nông nghiệp. Ví như mèo thường vệ sinh ngay trong bếp do chúng có thói quen giấu phân, mà nông dân lại đun nấu cơm bằng rơm rạ, cho nên tro bếp là nơi lý tưởng để loại mèo nhà chọn làm nơi vừa sưởi ấm vừa “giải quyết”. Mèo cũng hay bị cháy râu và nhìn lem nhem bởi ngủ trong bếp, gần than lửa. Người nông dân xưa ăn cá nhiều hơn thịt, nên cá cũng là món ăn khoái khẩu của loài mèo, chúng rất hay ăn vụng cá rán của chủ nhà. Bởi vậy mới có câu cảnh giác : “chó treo, mèo đậy”. Lý do : xưa không có tủ lạnh, trong bếp nhà quê hay có cái móc bắc từ cột nhà xuống chỗ nấu để treo hành, tỏi, và những thức ăn đang dùng dở. Dù cao và cheo leo như vậy nhưng với mèo, chúng có thể nhảy lên cái móc đó và chén sạch chỗ thức ăn. Nên “treo” là chỉ ngừa được chó, với mèo là phải đậy.

Mèo vốn là giống đi săn, ăn thịt, hay tìm ánh nắng buổi sớm để sưởi cho ấm thân thể. Mèo đến tuổi trưởng thành rất ra dáng, luôn liếm cho bộ lông mượt, sạch; tập vờn mồi, săn bắt, cào móng, trèo cây để các vuốt trở lên sắc nhọn. Ở quê người ta hay thấy cảnh “con mèo trèo cây cau”, đó là nó tập dượt việc trèo đuổi, dũa móng săn mồi. Mèo là con vật hung dữ khi đang ăn, nếu có chó hoặc ai đó tới sẽ bị nó tát và cắn đuổi để giữ mồi. Còn một khi mèo đã vồ vào con mồi thì rất khó thoát bởi móng sắc và răng nhọn của nó. Chính vì bản năng săn mồi này mà khi nuôi chim cảnh, cá cảnh, bồ câu, người ta khuyên không nuôi mèo, sợ những con vật đó trở thành mồi ngon của miu miu. Mèo tuổi thọ khoảng trên 10 năm, nhưng hiếm ai thấy một con mèo già và chết tại nhà như loài chó. Khi già, nó sẽ tự bỏ nhà đi và không biết nó chết ở đâu. Tình huống này người ta hay gọi là “mèo già hóa cáo”. 

Người quê, đến bữa ăn cơm, đã rất quen mắt với hình ảnh con mèo kêu meo meo chạy quanh mâm đòi phần. Quen đến độ xem đó như một nét văn hóa nông nghiệp đồng ruộng. Nó rất thân thương, gần gũi và gợi nhớ trong ký ức về làng quê xưa, lam lũ một thời… 

 

Ngô Quốc Đông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm