Xuân đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM khác ngày thường ở cái vắng lặng. Phần lớn công nhân về quê ăn Tết, bỏ lại sau lưng thành phố - nơi họ đã cố gắng trụ lại, lập nghiệp kiếm tiền và hy vọng vào những vận hội. Chính vì vậy mà đô thị lớn ngày đầu Xuân tưởng vui mà lại tĩnh lặng đến buồn. Hàng quán đóng cửa, phố xá thưa người, im lìm, không thấy cái huyên náo của ngày thường. Cư dân tại chỗ cảm thấy yên tĩnh, nhưng rõ ràng thiếu dân nhập cư, thành phố sẽ buồn hơn vì không còn cái huyên náo thường nhật.
![]() |
Xuân đô thị thấy rác khá nhiều, phần do lá rụng không có người quét vì lao công vẫn có ngày nghỉ Tết. Phần khác do con người tạo lên. Những xác pháo hoa, vỏ bánh kẹo, túi nilon cho đến những cành đào, chậu quất bị vất trơ lại trong những ngày đầu năm mới, cộng với cái vắng của cư dân, đôi lúc một cơn gió heo may lạnh, một chút mưa rào, người trải nghiệm cảm thấy phố xá nhếch nhác, tiêu điều. Nếu ai cả nghĩ, mới thấy rõ vai trò của vệ sinh đô thị quan trọng đến nhường nào. Những lao công, người làm đẹp cho phố xá một cách thầm lặng, nhưng ít cư dân đô thị để trong suy nghĩ và biết đến. Họ là những người đáng được tôn vinh.
Xuân ở đô thị làm người ta có cớ để tăng giá. Từ dịch vụ gởi xe, đến hàng ăn ngày đầu Xuân đều đắt hơn thường ngày. Thực chất sự tăng giá là một sự đánh đổi và lựa chọn hợp lý. Đánh đổi vì những người làm dịch vụ đã hy sinh thời gian chơi Xuân của mình để gia tăng thu nhập. Cũng có thể còn là tâm lý đám đông, ngày đầu Xuân đội giá một chút cũng chẳng ai thắc mắc! Dường như Tết đến Xuân về, người ta hào phóng hơn trong chi dùng. Lựa chọn hợp lý tức là người bán và mua đều chấp nhận nhau. Người bán đắt hơn vì sinh kế, còn người mua vì hưởng thụ, nên hầu như chẳng ai phàn nàn về giá cả ngày Xuân cả.
Xuân đô thị cũng chẳng khác nông thôn về sự cầu mong những điều tốt đẹp. Tiếng chuông nhà thờ, chuông chùa vẫn điểm. Nhưng đền, phủ, miếu… đều đông người những ngày đầu Xuân. Rõ ràng con người luôn cần hy vọng để sống và phát triển. Bởi vậy mà cùng một địa điểm tâm linh luôn đa dạng suy nghĩ của nhiều người. Tiểu thương mong buôn bán tốt; người già cầu sức khỏe, bình an; người kinh doanh cầu phát tài, phát lộc; người đau yếu mong khỏi bệnh.
Phải chăng mùa Xuân đô thị cũng giống như trải nghiệm của một đời người? Nơi đó có vui, có buồn, có tĩnh lặng, có náo nhiệt, có hy vọng, có thiệt hại, mất mát. Nhưng mỗi mùa Xuân đô thị cũng đặt ra cho mỗi công dân và chính quyền nơi đây nhiều thử thách mới. Áp lực dân cư, nhà ở, môi trường, giao thông, rác thải, giáo dục, việc làm, tệ nạn… đều liên đới tới trách nhiệm của mỗi người. Điều đó có nghĩa là Xuân mới, niềm vui mới nhưng cũng đặt ra những bổn phận và trách nhiệm mới.
Ngô Quốc Đông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.