Trước khi về Nhà Chúa (đầu năm 2018), linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng đã kịp để cho đời tập sách do cha sưu tập và biên soạn với tựa “Lưu dấu Chămpa (Cố đô Simhapura - Trà Kiệu thế kỷ I đến thế kỷ XI)”.
Đây là tập sách ảnh do NXB Hội Nhà văn ấn hành, trình bày bằng song ngữ Việt - Anh, gồm 8 phần: Điêu khắc đá, Kendi - hũ bình, Gạch và trang trí đất nung, Các loại ngói và trang trí đầu ngói, Trang sức vàng cổ Simhapura - Trà Kiệu, Giao lưu với các nước Trung Đông - Đồng Đinar đúc tại Hamadan, Iran, thế kỷ X, Giao thương giữa Trung Hoa và Chămpa trước thế kỷ X - Đồ gốm Trung Hoa tại Shimhapura, Những hiện vật cổ khác.
![]() |
Bằng sự công phu gom góp, nhặt nhạnh từng chút, cha Antôn đã có được bộ sưu tập tại chỗ về cổ thành Simhapura (Kinh thành Sư Tử) tương đối đa dạng. Soạn giả chọn thời điểm từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XI để khảo cứu bởi theo cha “Đây là thời đại hoàng kim của nghệ thuật Chămpa, đỉnh cao của văn hóa Chămpa mà sau đó dân tộc này không hồi phục lại nổi”.
Công trình này là kết quả của thời gian cha Antôn Nguyễn Trường Thăng làm chánh xứ Trà Kiệu - GP Đà Nẵng (từ tháng 6.1975 đến 1990). Nó đã được nhiều nhà khảo cổ gọi với cái tên “Tra Kieu church collection” (Bộ sưu tập nhà thờ Trà Kiệu), và nhận được sự chú ý của các học giả Trần Quốc Vượng, Roxanna Brown, John Guy… Một số sinh viên khoa sử trong và ngoài nước đôi khi cũng sử dụng tập sách như một nguồn tham khảo. Chị Regina Nether-Legrand (Pháp) khi làm luận án về ngành bảo tàng học đã đến Trà Kiệu với bộ sưu tập này. Trong luận án, chị nhiều lần nhắc đến linh mục Antôn và đề cao công trình của ngài mà chị gọi là Musée de Tra Kieu (Bảo tàng Trà Kiệu).
Theo ông Trần Kỳ Phương, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Chămpa thì bộ sưu tập của linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng tuy không nhiều và không có xuất xứ từ những cuộc khai quật khảo cổ học nhưng rất phong phú về thể loại và chất liệu; do đó có thể được dùng để nghiên cứu đối sánh với những hiện vật phát lộ trong các cuộc khai quật chính quy nhằm góp phần tìm hiểu quá khứ sinh động của kinh thành Trà Kiệu.
Tấm lòng của cha Antôn vẫn còn đó, qua tâm tình ngài gởi gắm tới bạn đọc: “Qua cuốn sách này, tôi mong muốn người Việt là những người thừa kế di sản nghệ thuật, văn minh, văn hóa Chămpa để họ luôn biết đoàn kết với nhau. Và mong các độc giả trong và ngoài nước, những người yêu mến nền văn hóa Chămpa sẽ đóng góp nhiều thông tin, giúp cho những hiện vật trong sách trở nên sống động hơn”.
BẢO LÂM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.