Thứ Hai, 05 Tháng Mười Hai, 2016 12:24

Tệ nạn nhậu nhẹt đang tàn phá người Việt Nam

Thói quen nhậu nhẹt đang phá hoại nền tảng con người, gia đình và xã hội của người Việt, nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả nào để ngăn chặn.

Nếu bạn theo dõi báo đài, thế nào lâu lâu cũng lại nghe được một thảm kịch gia đình có liên quan đến chuyện nhậu nhẹt. Chẳng nói đâu xa, một người bạn thân của tôi mồ côi từ nhỏ vì cha mất sớm. Kịch bản cũng từa tựa một câu chuyện theo kiểu “thường nghe người ta nói”. Người bố lên chức trong bộ máy chính quyền, tiếp đón đồng nghiệp, lính lác, bạn bè thân hữu trong ngành đến chúc mừng. Tất nhiên trong các bữa tiệc thì bia tràn cốc, chủ nhân liên tục nốc cạn ly, bia khui nắp canh cách. Tiệc tàn, người rửa chức được khiêng về nhà trong bộ dạng say mèm, trong khi khách khứa tỉnh táo hơn được đôi chút tự lên xe mà về. Nửa đêm người bố lên cơn đột quỵ, không kịp đưa đến bệnh viện cấp cứu. Vợ mất chồng, con mất cha. Chức quyền, tiền bạc đâu không thấy, chỉ còn lại cảnh nhà vắng neo đơn quạnh quẽ.

Gần đây hơn, một gia đình có hai con trai cũng lâm vào tình trạng đầu bạc tiễn đầu xanh. Người cha hơn 80 tuổi, vẫn còn khỏe mạnh, đi bộ mỗi sáng, đánh cờ tướng trong công viên. Bà mẹ cũng trên 70, rất siêng năng tập múa quạt ở nhà văn hóa. Nói chung là hai cụ có lối sống lành mạnh và vui vẻ, nhưng các con trai của họ lại chẳng tiếp thu được tinh thần tích cực từ cha mẹ. Cũng như nhiều thanh niên và trung niên khác, chuyện nhậu nhẹt được xem là một trong những hoạt động thường ngày. “Thấm nhuần” tư tưởng cực kỳ sai lầm là nam vô tửu như kỳ vô phong, thôi thì ngày nào hai vị cũng phất cờ. Người em gần 40 tuổi mà tướng tá bệ rạc, mỗi lần nhậu xong thì mặc độc cái quần đùi nằm lăn giữa nhà, bụng to như bụng con trâu nước. Người anh lớn hơn vài tuổi, thân thể cũng gọn gàng hơn, nhưng bụng cũng phệ.

Cách đây vài năm, người em trong một chầu nhậu bình thường đã gục tại bàn. Trong phòng cấp cứu, bác sĩ làm cách nào cũng không làm cho bệnh nhân tỉnh lại, và sau thời gian quan sát, phía bệnh viện kết luận bệnh nhân đã trở thành người thực vật, đề nghị gia đình quyết định. Cha mẹ già thương con, mang về nhà thuê hộ lý chăm sóc. Vợ con sau thời gian khóc than thì cũng bình tĩnh lại, quyết định mặc kệ. Có tấm gương người em như thế, nhưng người anh vẫn không bỏ được chai rượu. Buồn mà, chỉ có men cay mới làm đời có sắc vui, theo như tiêu chuẩn nhìn đời qua đít chai của mấy ông bợm, dù có bước một chân vô quan tài cũng cóc sợ! Thế là người anh vẫn tiếp tục những cuộc vui trong men rượu, sáng xỉn, chiều say. Mới đây, người anh sau trận nhậu ốc với nhà hàng xóm chân nam đá chân chiêu về nhà, chui vào phòng máy lạnh, bật hết ga. Đến sáng, người tím ngắt, không biết chết vào lúc nào. Một gia đình mà có đến hai cuộc đời bị tàn phá thê thảm chỉ vì rượu bia.

Biến tướng từ tập tục

Không thể phủ nhận chất cồn có xuất xứ sâu xa trong lịch sử loài người. Vào thời văn minh Babylon, con người đã bắt đầu thờ phụng nữ thần rượu vang khoảng năm 2.700 trước công nguyên. Tại Hy Lạp, một trong những loại thức uống có cồn đầu tiên được nhiều người đón nhận là rượu mật ong. Nhờ chứa chất kích thích là cồn, rượu có khả năng làm thay đổi trạng thái tâm lý, tình cảm của con người, đa số trường hợp đều có thể giúp các đối tượng trở nên mạnh bạo, thoải mái hơn trong quan hệ giao tiếp. Do vậy, không ngạc nhiên khi rượu xuất hiện trong hầu hết các nền văn hóa, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo tờ Thời báo Sài Gòn từng dẫn lời GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, khoa Văn hóa học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, rượu được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp như tiếp khách (“khách đến nhà không trà thì rượu”); kết bạn (“rượu ngon phải có bạn hiền”); thổ lộ tình cảm (“rượu vào, lời ra”) hoặc làm phương tiện không thể thiếu trong các lễ lạt (“phi tửu bất thành lễ”)...

Thế nhưng, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho chuyện nhậu nhẹt, rượu chè bê tha được dịp bùng nổ. Không ngoa khi nói cứ bước ra ngõ là đụng quán nhậu. Cách đây 5 năm, Hãng tin AFP từng dẫn dữ liệu của ngành kinh doanh bia rượu cho hay VN là nước tiêu thụ bia lớn thứ ba tại châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như dẫn đầu tại Đông Nam Á, hơn đứt quốc gia láng giềng giàu có hơn là Thái Lan. Tỷ lệ tiêu thu bia tại Việt Nam đã tăng hơn 200% trong vòng 10 năm, một phần do dân số trẻ, với mỗi năm lại có một triệu người đến tuổi “nhậu” hợp pháp là 18 (dù trên thực tế, rất nhiều thiếu niên ở nước ta tập tành thói rượu chè từ rất sớm). Theo số liệu thống kê, người Việt Nam đã tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia trong năm 2015, tương đương từng ấy tỷ USD (chiếm trên dưới 3% GDP), chưa tính đến rượu các loại. Không ngạc nhiên khi các hãng sản xuất bia đang đổ tiền vào Việt Nam, thị trường “vàng son” luôn xếp trong những hạng đầu về tiêu thụ của họ. Còn đối với nhiều hãng rượu, Việt Nam cũng là thị trường chủ chốt trong thời gian tới.

Bên cạnh các vấn đề do bia rượu mang lại như ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tâm thần, gây căng thẳng về tài chính, cướp đi thời gian giải trí và học tập lành mạnh của người dân, men rượu còn là nguyên nhân chính đằng sau tệ nạn bạo lực gia đình tại Việt Nam. Chuyện chồng nhậu xỉn đánh vợ con vẫn thường xuyên xảy ra. Trong một bài phỏng vấn trên báo điện tử Vietnamnet, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay có đến 68% các vụ bạo lực gia đình được ghi nhận là do sử dụng rượu, bia; trong khi 38% số vụ gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, cãi nhau cũng do nguyên nhân sử dụng rượu, bia. Ông Quang cảnh báo: “Các số liệu thống kê cho thấy rõ tỷ lệ sử dụng rượu bia gia tăng thời gian qua tỷ lệ thuận với sự gia tăng của bệnh tật mà người sử dụng phải gánh chịu”.

Bất chấp tác hại khôn lường từ bia rượu, có vẻ như người Việt Nam vẫn không muốn từ bỏ loại thức uống này. Nói không ngoa, đây thật sự là quốc nạn !

BẠCH LINH

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm