Thứ Năm, 12 Tháng Năm, 2022 17:31

Tên lót “văn - thị” có còn hợp thời ?

 

Một thuở, tên lót người Việt tuyệt đại đa số cứ mặc nhiên trai Văn, gái Thị. Nếu lật giấy khai sinh của các bậc trung niên, cao niên sẽ càng thấy rõ điều này. Con sinh trưởng trong gia đình thôn dã hay thị thành, trí thức hay cố nông cũng không đi ngoài quy luật. Ðời này qua đời nọ, tập tục lót hai chữ Văn, Thị trong tên của người Việt đã trở thành truyền thống văn hóa.

Ảnh minh họa

Sở dĩ gọi là văn hóa vì đây là nét đặc trưng trong sinh hoạt của người Việt. Trong nền văn minh lúa nước, đời sống giản dị, người ta đặt tên con chẳng cần cầu kỳ: “Cái kèo, cái cột thành tên” (Nguyễn Khoa Ðiềm). Nói cách đặt tên ấy có tính văn hóa còn vì ẩn ý sâu bên trong mà cha ông ta thầm nhắc nhở. Dân gian ta có câu: “con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt”. Trong tiếng Hán, “văn” là văn chương. Văn chương trong đời sống lao động được truyền đạt bằng lời nói. Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, việc đặt con trai hay lót chữ Văn, có ngụ ý phải biết ăn nói cho cẩn thận, tử tế, dễ nghe, bởi vì đối phương của họ - người nữ thường thích lời ngọt ngào. “Nói ngọt, lọt đến xương” là vậy. Ngược lại, người con trai yêu bằng mắt, nghĩa là thích nhìn, quan sát rồi mới đánh giá, kết luận. Bởi thế, con gái mang chữ “Thị” với ý nhắn gởi hãy hành động cho dịu dàng, duyên dáng. “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là vậy. Như thế, việc đặt tên người không đơn thuần là hành động mang tính bắt buộc để thực hiện thủ tục hành chánh nhưng nó còn mang tính văn hóa. Cái tên chuyển tải bao nhiêu ước vọng của phụ huynh đối với con cái. Dù Văn hay Thị, bao giờ tên con cũng được cha mẹ chọn những từ ý nghĩa. Có khi Hán - Việt: Tâm, Thiện, Phúc, Ân… Có khi, những cái tên nghe chân chất, bình dị: Lành, Ðẹp, Sáng, Ngoan…

Chúng ta đang sống trong thời đại mà văn hóa Việt đứng trước nguy cơ pha trộn. Trước sức phát triển của kinh tế, xã hội, nhiều nền văn hóa khác bắt đầu tiến trình xâm thực. Tuy nhiên, văn hóa người Việt có lai căng, pha tạp hay không phụ thuộc vào ý thức của chính con người thời đại ngày nay. Ở phạm vi nhỏ, ngay trong cách đặt tên con, chúng ta có thể thấy cái thời, trai Văn - gái Thị đã đi qua. Có nhiều bạn trẻ cuồng tên nước ngoài, hoặc sợ tên ba mẹ đặt cho là quê mùa còn “đè ngửa” cái tên gạch bớt chữ Văn - Thị, thêm thòng những từ lạ, để sành điệu. Gia đình nào có con trai, con gái chào đời, nếu đặt tên lót Văn - Thị thường bị cho là sến sẩm. Có dạo, thật bỡ ngỡ thậm chí đến khó chịu khi nghe gia đình Việt nào đó lót tên cho con bằng những từ nước ngoài - tiếng Anh, tiếng Hàn... trong tên tục ở nhà hoặc cả tên thật.

Chúng ta không thể phủ nhận, thời đại ngày nay, người Việt đang sống trong buổi hội nhập. Thế nhưng, quá trình hội nhập đòi hỏi có sự chọn lọc để tiếp cận và ứng dụng những nét sinh hoạt văn hóa bổ ích, thú vị. Ðồng thời, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong việc đặt tên người, chữ lót Văn - Thị chưa bao giờ là không hợp thời với những người hiểu biết và tôn trọng văn hóa Việt. Chúng ta có thể chọn đặt tên con bằng những cái tên tiếng Việt khác đầy ý nghĩa, song, nếu có ý định rũ bỏ truyền thống, chính con người ngày nay, cần dành ít thời giờ để hỏi vì sao dân tộc mình lại chuộng tập tục ấy và mặc nhiên điều đó trở thành một nét văn hóa rất riêng. Từ việc tìm hiểu, để bảo tồn giá trị văn hóa Việt qua chuyện đặt tên cũng đặt ra câu hỏi cho chính mình làm sao để giữ hồn dân tộc? Nếu ngay cả bản thân còn đang mơ hồ đâu là cái đẹp trong văn hóa cha ông, thì chúng ta sẽ giới thiệu gì cho bạn bè quốc tế về những tinh hoa dân tộc mình?

 

ANH NGUYÊN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm