Tết là dịp mà mọi người dù ở xa nơi nào cũng sắp xếp về bên gia đình. Trẻ con về thăm ông bà, người lớn thăm cha mẹ và hàng xóm, bạn bè, thầy cô sau một năm xa cách…
Tết đâu không bằng Tết ở quê, bởi nơi đó chứa nhiều kỷ niệm của tuổi thơ. Có thể, cái tuổi thơ một thời ấy không được sung túc như bây giờ, nhưng ít ra gần gũi, giản dị và ấm áp. Còn nhớ hồi nhỏ, mỗi độ gần Tết là tụi con nít chúng tôi hay phụ má lặt lá mai, có những cây mai cao nên phải nhấc ghế đẩu ra để đứng. Má phát cho mỗi đứa một cái giỏ vừa lặt vừa bỏ vô cho tiện. Người lớn lặt nhiều chứ tụi nhỏ chủ yếu cho vui, nói cười náo nhiệt, nhà này xong còn qua nhà kia phụ, nhờ thế mà tình làng nghĩa xóm cũng trở nên thân thiết hơn.
![]() |
Trước Tết, nhà ông Ba ở xóm tôi chuyên ươm những giống hoa để bán như cúc, vạn thọ, hay mồng gà... Đến khi cận Tết là vườn hoa trước cửa nở rộ. Tụi con nít đi học về hay ghé lại coi và ông Ba hay kêu đứa nào nghỉ Tết thì phụ ông bán bông có tiền xài Tết. Nhà thím Út xóm trên thì lo sơn cửa. Những cái tủ chén bằng gỗ, bộ ván ngựa hay giường ngủ nếu còn dư nước sơn cũng đem ra sơn hết, mùi sơn ai ái đâu đó toát ra lan tỏa trong không gian… Tụi nhỏ có anh chị đi làm xa thì chiều ra đầu xóm ngóng coi có ai về chưa, chủ yếu ngóng quà Tết hay vài cuốn lịch treo chơi trong nhà, chỉ có ba má là bề ngoài tuy không nói gì nhưng bận rộn lo làm những món ăn cho các con về ăn, đốn buồng chuối để phơi khô làm mứt chuối ngào, hay lo xay nếp và róc lá chuối để gói bánh ít, bánh tét…
Có nhà phơi những chùm lạp xưởng đầy sân chờ con cháu từ xa về ăn, có nhà thì phơi cá, tôm khô, ngâm củ kiệu hay kho vài nồi thịt heo với nước dừa để dành ăn trong mấy ngày Tết. Những đứa con xa quê mỗi khi về là được thưởng thức món canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho nước dừa ăn kèm củ kiệu, lạp xưởng chiên… Cả nhà quây quần bên chiếc ván nhỏ bằng gỗ với bữa cơm bình dị nhưng ấm áp tình thân. Con cháu đi làm xa về hay rủ nhau đi làm cỏ và viếng mộ ông bà, thăm xóm làng hay bạn bè rủ nhau đến nhà thầy cô chúc Tết.
Đêm giao thừa ở quê, có nhà nấu bánh tét, bếp lửa sáng rực ngoài sân. Trên chiếc chiếu, già trẻ ngồi quây quần bên nhau, thau bột, nhân để một bên, lá chuối lau sạch cũng sắp gọn gàng, những người phụ nữ phụ trách gói và cánh đàn ông đem củi để vô bếp nấu bánh, tụi con nít hết ngồi lại chạy lòng vòng chơi, la hét om sòm mà không bị người lớn la rầy vì Tết mà, lâu lâu được chơi thoải mái một bữa. Người thì thức, có người lăn ra ngủ, ánh lửa vẫn cháy bập bùng trong đêm giao thừa.
Những ngày mồng Một, mồng Hai và mồng Ba Tết, mọi người đi chúc Tết nhau, trẻ nhỏ thì được lì xì, người lớn ngồi lại hỏi thăm, ăn miếng mứt và uống ngụm nước trà cũng đủ kể cả câu chuyện dài trong một năm. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, hừng sáng mồng Một, hay được cha má dẫn đi nhà thờ đọc kinh cầu bình an cho năm mới, hái những nhánh lộc Xuân với câu Lời Chúa làm phương châm sống cho cả năm...
Nhiều người xa quê vì những lý do khác nhau, nhưng mỗi khi Xuân tới, hương vị ngày xưa lại ùa về và nếu còn gia đình, hầu như ai cũng thu xếp để về quê tận hưởng một cái Tết nhẹ nhàng, trọn vẹn và ấm cúng bên người thân yêu.
THANH PHÚ\
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.