1.
Tha, trong các từ tha nhân, tha tính, tha lực, vị tha... là hướng ra bên ngoài. Nhưng muốn hướng ra bên ngoài, hóa giải với ngoại giới thực sự, phải có sự quán tưởng và chuẩn bị từ nội tâm, để tha trở thành chuyện bình thường hóa trong một tương quan hòa bình chứ không phải là một sự gồng gánh miễn cưỡng và hình thức bằng mặt chẳng bằng lòng.
Tha, vì vậy, phải nhất quán từ lối nghĩ, cảm xúc và thực hành, trở thành một thế sống, lý tưởng sống, giá trị sống. Muốn tha một cách triệt để, thì mọi thứ phải được dọn dẹp, xây dựng từ tâm.
Khi đọc lại các bản văn Cựu Ước và Tân Ước, xuyên suốt trong dòng chảy lịch sử là những cảnh huống lặp đi lặp lại của sự thứ tha. Thiên Chúa thứ tha cho con người. Con người thứ tha cho nhau. Con Thiên Chúa vì yêu con người mà thứ tha tội phản bội. Con người được con Thiên Chúa dạy bài học tha thứ.
Tha, như là sợi chỉ xuyên suốt tinh thần của một tôn giáo, và trên sợi chỉ được dệt bằng lời và máu ấy, là ý nghĩa phổ quát của yêu thương. Vậy, tôn giáo này là tôn giáo của sự tha. Tha vì yêu và yêu thì tha. Hai yếu tố đó liên kết với nhau, tạo nên một nhân sinh quan chi phối mọi ứng xử, mọi lề luật, mọi thực hành.
![]() |
2.
Một hôm, em nói với tôi rằng em đã hết chịu nổi mẹ mình rồi. Nếu không có nhà thờ chắc em không biết cuộc đời mình đi về đâu. Em không tưởng tượng được rằng mẹ mình có thể làm khổ mình như vậy, bằng ngôn từ sỗ sàng của bà, bằng hành xử hồ đồ và luôn căng thẳng kịch tính quá mức của bà với cha em, với chị em em. Cứ như những người ở trong mái nhà này đều là kẻ thù của bà, chứ không phải ruột thịt, yêu thương. Bây giờ đến việc dạy con em, bà cũng áp đặt vào. Bà chửi mắng em thậm tệ khi không nghe lời bà trong việc dạy dỗ bọn nhỏ. Em buộc phải nói rằng: Mẹ phải tránh qua cho con dạy dỗ con cái con. Bà liền văng tục, ném hết vật dụng trong nhà ngay trước mặt con rể và quát lên: Vậy ai dạy mày nên người mà mày quay lại nói giọng đó? Đồ (...), đồ (...), đồ (...).
Em chở các con em đến nhà thờ, ngồi trước Đức Mẹ, ngồi trước Chúa. Em cố giấu nước mắt. Cha xứ bảo em rằng: Hãy tha cho sự nóng giận của mẹ. Vì mẹ thương con thương cháu, nhưng mẹ không biết cách. Người không biết cách họ cũng có nỗi khổ của họ, cố gắng hiểu, tha và giúp mẹ nghe con. Hãy nhìn vào sâu xa tâm hồn mẹ, để tha thứ cho những biểu hiện nóng nảy của mẹ. Con về làm lành với mẹ đi, để các con của con cũng thấy và học lấy sự vị tha của con.
Em nhận ra tha cho tha nhân hóa ra lại dễ dàng hơn tha cho chính người ruột thịt bên cạnh ta. Bởi ta đâu có sống với người dưng nước lã hằng ngày, mà ta đối diện với sự bất toàn của vợ, con, cha, mẹ, anh, em, ông, bà mình từng giờ, từng sự việc dưới mái nhà chung. Khi đó, mọi thực hành tha thứ phải là tập quán.
Bây giờ thì em chở các con của em về, dọn dẹp lại ngôi nhà và nói với mẹ em rằng: Mẹ đừng la con nữa, con hiểu mẹ lo cho con cháu cũng như con lo cho sức khỏe của mẹ. Và em thấy ngọn lửa trong mắt mẹ em dịu xuống, ngún tắt. Bà ôm các cháu và khóc.
Tha, từ một lời khuyên và dần dần, từ một nhận thức, một thói quen trong hành xử, để khi đứng trước các nguy cơ kịch tính và xung đột do kẻ khác gây ra, ta hoặc không quay lưng bỏ đi, mà đối diện bằng một tinh thần hòa bình. Hòa bình có nghĩa là buông bỏ cái bản ngã luôn chực chờ lồng lộn, để đặt mình vào người khác, hiểu vì sao họ ứng xử như vậy, vì sao họ gắt gỏng và trở nên độc hại như vậy. Ta hiểu họ có thể là nạn nhân của một sức ép, sự ức chế nào đó, sinh lý, tâm lý, giáo dục, hoàn cảnh, lịch sử cá nhân, điều kiện sống hay thậm chí đôi lúc là do... thời tiết thay đổi.
Hiểu để thấy con người làm khổ ta cũng đang đối diện với những gánh nặng tích lũy, dồn nén, ẩn ức từng ngày, từng giờ để mà thấy nỗi khổ chất chồng của họ. Tha, cho qua, bảy mươi lần bảy. Bảy mươi lần bảy là đủ để hình thành một lề lối, một thói quen, một cách sống vô chấp. Nhưng vô chấp ở đây không có nghĩa là đứng cao hơn người khác theo kiểu giác ngộ thâm sâu hơn, mà vô chấp ở đây vì đã thấu hiểu con người là vậy, rằng con người thì đáng thương hơn đáng trách, đáng chúc phúc để tốt lên hơn là khinh ghét, ruồng bỏ.
3.
Tha thực sự đòi hỏi một sự nhất quán vô điều kiện, không mưu cầu gì, không thương lượng gì. Nếu ai nói tôi tha cho anh với điều kiện anh phải làm điều này cho tôi, thì đó không phải là sự tha thứ, mà là một cuộc đổi chác nhân danh tha thứ.
Vì vậy, tha cho lỗi lầm hay sự độc hại mà người khác khiến mình thương tổn khổ sở thì rất khó, đòi hỏi một sự hướng tâm và độ lượng. Bởi ta tha cho người, chưa chắc người đã thôi làm khổ ta, chưa chắc người đã buông tha và hoán cải. Như đã nêu trên, nếu người chịu hối cải thì làm gì có một lịch sử tái phạm và được thứ tha để đi đến tận cùng là cứu rỗi?
Vậy người em khổ sở ơi, hãy cầm chắc điều này, mẹ em sẽ tiếp tục xúc phạm danh dự em, áp đặt cách dạy dỗ căng thẳng lên các con em, sẽ ném tất cả những vật dụng khi nóng giận, sẽ làm gương xấu... cho đến khi em tha thứ đủ và cầu nguyện để bà thức tỉnh, chừng mực hơn. Đừng bỏ rơi bà vì bà thô lỗ và bất xứng, vì cái tôi em nhận ra bà không văn hóa như mình nghĩ, mà phải hiểu tính cách bà nghiệt ngã được hình thành từ sự vật lộn với cuộc sống bao nhiêu năm chỉ với một mục đích: cuộc đời em và các con em khá hơn cuộc đời trần ai của bà. Đóa sen hương sắc đã mọc từ bùn.
4.
Bây giờ, ông cha xứ cũng phải nhìn lại trong cái buổi giải tội, có những con chiên mười lần như một, phạm đi phạm lại một tội trọng. Ông cũng sẽ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi đó, rồi ban phép lành tha tội, thay mặt Chúa. Con chiên lại ra đi đường, và lại phạm tội. Đứa con đi hoang trở về và rồi lại đi hoang.
Nếu ông thấy mặt, nhớ mặt con chiên, ông có tiếp tục giải tội không? Hay cảm thấy cái đời ông linh mục sao mà khổ sở, khác chi chiếc máy giặt, cứ giặt đi giặt lại những cái áo với mùi nước hoa trộn mồ hôi đó, mùi hôi nách đó, vết dầu nhờn dơ bẩn đó… cho đến khi thành miếng giẻ rách bỏ đi. Liệu ông có ban phép tha tội không, hay ban phép giải tội cho xong một nghi thức được giao phó?
Nhưng không, ông vẫn ngồi đó cho đến khi cơ thể khô rộc đi, như cái cây xanh tốt đã bị đám tầm gửi hút hết nhựa sống. Ông nghe cuộc đời từ những phiên tòa chỉ có đầu thú, không có tranh tụng, không cần phúc thẩm và không có bản án. Nếu thứ tha là sự nhu ngược thì ông cha xứ là kẻ nhu nhược nhất trên đời, sau đó, người trao phó cho ông việc “cầm buộc” hay “thứ tha” là kẻ nhu nhược nhất lịch sử loài người. Kẻ ấy bị bội phản, bị cắm sừng, bị báng bổ, bị bôi nhọ, bị bất hiếu, bị thách thức, bị bán đứng, bị xử chết lãng nhách bởi người mình yêu mà phút cuối thoi thóp vẫn nói chuyện “xin cha tha thứ cho chúng”. Tha thứ vì “chúng không biết việc chúng làm”.
Trung tâm của tha thứ là ở đây. Hiểu nhân tâm. Người ta không biết việc mình làm, tha đi. Người mẹ không biết việc mình làm xúc phạm đến con cái. Con cái không biết việc mình làm xúc phạm tới cha mẹ. Anh em không biết việc mình làm xúc phạm đến bằng hữu. Vợ chồng không biết việc mình làm gây thương tổn cho nhau. Không biết. Và không biết. Cái bản ngã che mờ mọi thứ vậy thì người tha thứ là người tự đâm vào bản ngã của mình để hiến cho người khác một ân tình, một tâm tình hòa ái.
Bởi con người thì bé mọn. Nên khi tha, ta không biến mình thành kẻ tự ném đá mình!
Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.