Thủ đô Paris được xây dựng hai bên bờ sông Seine và tâm điểm là đảo Ile de la Cité nơi có Nhà thờ Đức bà Paris tọa lạc. Tham quan thủ đô này là cách ngắn nhất và nhanh nhất để ngắm nhìn Paris trải qua bao thăng trầm với những cung điện, dinh thự, bảo tàng... nằm dọc hai bên bờ sông. Đến đây, du khách có thể chọn lựa đắm mình trong chuyến du ngoạn trên sông Seine hoặc thích thú ngồi trên xe buýt hai tầng mui trần để đi khắp phố Paris.
![]() |
Người ta nói văn minh, văn hóa của một quốc gia đều gắn liền với một dòng sông. Thật vậy, du thuyền trên sông Seine mới cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy của thủ đô với bao lâu đài, thánh đường, nhà hát, đại học... được xây dựng dọc hai bờ sông theo sự phát triển của thành phố. Có rất nhiều công ty du thuyền trên sông Seine từ bình dân đến thượng lưu nhưng tất cả đều tuân theo một hành trình là khởi hành ở bến sông, dọc theo dòng sông đi qua đảo Ile de la Cité rồi quay về. Thuyền bình thường có hai tầng, tầng dưới rộng, bằng kính để du khách ngắm nhìn thành phố một cách ấm áp từ bên trong. Nếu cần hít thở không khí trong lành trên sông, bên ngoài có hai hàng ghế để du khách thỏa thích ngắm nhìn. Nếu muốn thưởng thức cảnh vật rõ hơn và tránh gió lạnh, du khách lên tầng thượng của thuyền, từ nơi đây sẽ tha hồ chụp ảnh cảnh đẹp dọc bờ sông. Các du thuyền hạng sang được thiết kế sang trọng hơn và có cả phục vụ ăn uống. Vừa nhâm nhi ly rượu vang hoặc nhấm nháp một món ăn Pháp, vừa ngắm nhìn Paris quả là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
Ở hầu hết các du thuyền, dù bình dân hay sang trọng, khách tham quan trên đó cũng sẽ có dịp được nghe những bản nhạc Pháp. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi trên thuyền, thuyền bắt đầu tách bến thì từ chiếc loa với âm lượng vừa đủ nghe lần lượt phát ra những thứ tiếng khác nhau như Anh, Pháp, Trung... để giới thiệu cho mọi người những địa danh ở trên bờ. Nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể hình dung ra khung cảnh tươi đẹp mình đã lướt qua cùng những lời giới thiệu mạch lạc, cả cảm giác bồng bềnh khi lênh đênh trên mặt nước. Mỗi lần đến một nơi mới, đoàn người thăm được giới thiệu sơ về lịch sử, quá trình xây dựng và phát triển địa danh đó. Không chỉ là những lâu đài, những bảo tàng, những nhà thờ cổ như nhà thờ Đức Bà Paris mà còn cả nơi chôn cất hoàng đế Napoléon hay khách sạn, ngân hàng cổ nhất Paris. Cũng từ du thuyền, du khách có thể ngắm nhìn tháp Eiffel sừng sững hay những bảo tàng bề thế lộng lẫy khác ngoài bảo tàng Louvre. Nếu đang ở tầng thượng thì vừa theo dõi lời thuyết minh, mọi người vừa dùng máy chụp hình bắt được nhiều khoảnh khắc đẹp. Khi thuyền ngang bất cứ cây cầu nào, người đi trên cầu đều giơ tay chào đón những du khách trên tầng thượng du thuyền một cách vui vẻ. Và du khách cũng đáp lễ lại bằng những cái vẫy tay và những nụ cười thân thiện tạo thành một bức ảnh hòa bình và đầy nhân văn trên dòng sông Seine thơ mộng. Một chuyến đi mất hơn 45 phút. Khi thuyền cập bến cũng là lúc những bản nhạc đang dần đi đến đoạn kết với giai điệu ngậm ngùi khó tả. Điệu nhạc du dương chắc chắn sẽ khiến người ta vương vấn, ngập ngừng rời con thuyền với nhiều cảm xúc khác nhau.
|
So với du ngoạn trên thuyền, ngồi xe buýt hai tầng xem ra ít lãng mạn hơn. Tuy nhiên, từ tầng thượng của xe buýt du khách cũng tha hồ nhìn ngắm các công trình dọc hai bên đường của thành phố. Trên xe buýt, trước khi khởi hành cũng có những bản nhạc đậm chất Pháp ca tụng Paris. Bởi dành riêng cho những chuyến thưởng ngoạn quang cảnh nên xe đi chầm chậm. Mật độ xe trên đường cũng vừa phải, không bị khói bụi hay kẹt xe nên không làm mất đi sự thú vị của một chuyến đi. Sau cuộc hành trình quanh thành phố, cũng như khi đi du thuyền, du khách rời xe buýt với cảm giác lâng lâng khó tả khi bên tai hình như còn nghe tiếng hát của Enrico Macias với câu cuối cùng: “Em Paris, tôi yên bình trong vòng tay em…”.
HOÀNG HẠC
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.