Thứ Tư, 23 Tháng Mười Một, 2022 17:42

Tháng 11, người Công giáo dạy con sống trọn đạo hiếu

 

Nhiều bậc cha mẹ dẫn con cái đến các mộ phần hay nhà hài cốt thắp nhang, cắm hoa, cầu nguyện… để tưởng nhớ và biết ơn những người đã mất trong tháng 11 - tháng dành riêng để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Đạo Công giáo chọn tháng 11 hằng năm là tháng cầu nguyện, tưởng nhớ và tri ân công đức cha mẹ, ông bà và những người thân đã qua đời. Nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang, chỉnh trang những ngôi mộ... và trong những ngày này, nhiều bậc cha mẹ đưa các con quây quần bên các mộ phần hay hài cốt của người thân như một sự thảo hiếu, nhắc nhớ công ơn sinh thành của các bậc tiền nhân.

Cầu nguyện thành tâm trước hài cốt của người thân quá cố - ảnh: Tin Trần

 

Trong suốt tháng, hoa nến, hương khói nghi ngút trên các ngôi mộ tại các nghĩa trang của người tín hữu. Nhà chờ Phục Sinh ở các xứ đạo tại thành phố cũng râm ran lời kinh nguyện.

Đốt lên những nén hương, chị Trần Thị Oanh (giáo xứ Tân Trang, GP. Xuân Lộc) chia cho hai con nhỏ và dẫn các con đến cắm lên các ngôi mộ. Chị tâm sự: “Tôi di cư vào Nam từ lâu, vào‘tháng các linh hồn’ không có dịp thắp nhang lên phần mộ cho tổ tiên, tôi chỉ xin lễ và cầu nguyện. Tuy vậy, năm nào tôi cũng đưa các con tới nghĩa trang, cho các con thắp nhang, cầu nguyện trước các ngôi mộ để nhắc nhở và dạy chúng sự hiếu thảo, đạo nghĩa từ nhỏ, con cháu phải biết nhớ công ơn sinh thành của tổ tiên”. Theo lời chị kể, từ khi các con lên 3 tuổi, chị đã cho tới nghĩa trang thăm viếng và thắp nhang vào mỗi dịp tháng 11. Các ngôi mộ được chôn cất sạch sẽ nên chị không ái ngại cho sức khỏe các con. Các bé đã quen nên khi đứng trước những mộ phần đều rất nghiêm trang, chắp tay cúi đầu và cầu nguyện. Người mẹ này cũng cùng con dành lời cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên… trong mỗi giờ kinh tối.

Đã thành thói quen, mỗi dịp tháng cầu cho các linh hồn, chị Tô Thị Bích Huyền (giáo xứ Tân Thái Sơn, TGP TPHCM) lại dẫn các con viếng hài cốt ông nội và người thân tại Nhà Chờ Phục Sinh của giáo xứ. Đây là nơi lưu giữ các hũ tro cốt của những người đã khuất. Vào đây, người mẹ đã chỉ cho các con biết, đâu là hài cốt của ai trong gia đình, thân tộc…để mà nhớ. 

Chị Huyền bảo, tháng 11 là dịp để nhắc nhở con cháu sống biết ơn. Cầu nguyện cho những người đã khuất là giúp chính mình và con cháu làm trọn đạo hiếu, đạo yêu thương mà Thiên Chúa dạy. Ngoài ngày lễ giỗ, trong tháng 11, chị Huyền đều sắp xếp cho các con cùng đến dự lễ và sau đó đến bên hài cốt của người thân để cầu nguyện. Vì không được chôn như các phần mộ ngoài nghĩa trang nên nơi đây cũng không có không gian để trưng bông, thắp nhang, nến riêng, chỉ có thể thắp nhang trong bình hương chung của nhà hài cốt. Mọi người cùng đứng quây quần gần nơi để hài cốt người thân để đọc kinh và cầu nguyện. 

Cũng ở giáo xứ này, chị Nguyễn Thị Thúy cho biết, ba mẹ và người thân của chị được an nghỉ ở Nhà Chờ Phục Sinh đã 20 năm. Trong tháng cầu nguyện cho những người đã khuất như thế này, gia đình, con cháu xum họp đến kính viếng hài cốt, xin lễ và cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên. Việc cầu nguyện không chỉ diễn ra trong ngày 2.11 mà suốt cả tháng.

Cầu nguyện cho các bậc tiền nhân, là một nét đẹp trong việc sống đạo hiếu của người Việt Nam và cũng là lối sống đạo yêu thương của người Công giáo. Việc báo hiếu của các Kitô hữu đối với người đã khuất không chỉ dừng lại ở biểu đạt bên ngoài như chăm sóc mộ phần, thắp hương, thắp nến, chưng hoa… mà là dịp các thế hệ trẻ biết đến và nhớ về cội nguồn; thành tâm trong lời cầu nguyện, làm việc bác ái và hy sinh để có những “trái thơm, quả ngọt” như là công đức dành cho người đã mất được hưởng phúc Thiên Đàng.

 

TRẦN THỊ TIN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm