Tháng cầu cho các linh hồn không chỉ là khoảng thời gian suy niệm, dâng lời nguyện cầu cho người đã khuất mà còn khơi gợi lại những kỷ niệm thân thương ngày cũ.
NGUỒN CẢM HỨNG SỐNG ĐỘNG
Chị Huỳnh Ngọc Ánh (Tân Bình - TPHCM): Ông tôi là một tấm gương sáng về tinh thần vươn lên, không khuất phục trước hoàn cảnh. Mồ côi cha từ nhỏ, nhà quá khó khăn, bà cố một mình nuôi con nên ông phải đi ở, làm việc nhà cho một nhà bà con. Dù vất vả là vậy, ông vẫn cố gắng học chữ (ngày đó rất ít người biết chữ) và sau này còn tập sử dụng cả máy đánh chữ. Sinh thời, ông luôn dặn các cháu phải lo học hành chăm chỉ, dù có khổ cũng đừng hở ra là than thở vì chẳng ai có thể giúp mình nếu mình không chịu cố gắng. Những ngày tháng trước lúc ra đi đột ngột, ông vẫn còn đọc sách, ngâm thơ, đọc Kiều. Nguồn cảm hứng yêu đời, lạc quan sống của ông truyền cho tôi niềm yêu đời và nghị lực mỗi khi đối đầu với những gian nan trong đời.
GIEO ĐỨC TIN TỪ GIA ĐÌNH
Chị Ngô Lệ Ngọc Mai (Gx Bến Hải - TGP.THCM): Ngay từ lúc tôi còn nhỏ ông nội đã là người dìu dắt và hướng dẫn tôi trong đời sống đạo. Mỗi buổi chiều trước khi đi dự lễ, ông thường ghé nhà và rủ các cháu cùng đi. Bởi thế tôi không cảm thấy bị bắt buộc hay gò bó khi đi đến nhà thờ mà trái lại có được cảm giác thật sự thoải mái như được ông dắt đi chơi. Chính nhờ ông mà chúng tôi đã hình thành được thói quen tham dự thánh lễ hằng ngày, ban đầu chỉ là đi với ông, đưa ông qua đường, nhưng sau đó đã ý thức và tự giác lui tới nhà Chúa nhiều hơn. Sau này tôi tham dự vào các hội đoàn như giáo lý viên, ca đoàn... như khi xưa ông đã làm. Tôi còn nhớ lúc sức khỏe không còn tốt, ông thường dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày tĩnh tâm, đọc kinh Mân Côi và cầu nguyện. Mỗi một việc làm của ông đều in hằn trong tôi những dấu ấn khó nhòa. Điều làm tôi hứng thú nhất đó chính là những câu chuyện ông kể về những khó khăn, vất vả và cả niềm vui trong quá trình hình thành, phát triển của xứ nhà. Nhờ đó tôi hiểu và thêm yêu xứ đạo của mình.
KHƠI GỢI TÌNH THƯƠNG
Anh Nguyễn Xuân Oánh (Gx Thánh Giuse - GP Long Xuyên): Năm lên 10, ngoại mất khiến tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng vì ngoại là người gắn bó và gần gũi với tôi nhất. Ông vừa tâm lý lại hay chiều cháu. Ở với ngoại từ tấm bé, tôi được dung dưỡng đức tin và tinh thần yêu mến Chúa qua những việc làm nho nhỏ như thu gom ve chai quanh nhà để bán lấy tiền bỏ ống nhà thờ hay san sẻ tình thương cho người nghèo khó. Mỗi chiều đi lễ ông cũng không quên dẫn tôi theo, tập cho tôi tính siêng năng sốt sắng đi tham dự thánh lễ. Trong giờ đọc kinh chung buổi tối của gia đình, tôi ngồi vào lòng ngoại và lầm rầm đọc theo. Ngoại mất mấy chục năm rồi, nhưng những kỷ niệm gắn bó với ngoại tôi không bao giờ quên. Thi thoảng nhớ về ngoại, lòng tôi lại trào lên niềm xúc động rưng rưng.
TẤM GƯƠNG SÁNG
Chị Vũ Thị Lý (Gx Kim An - GP Long Xuyên): Sinh thời, ba tôi luôn nhắn nhủ cả gia đình cố gắng tham dự thánh lễ và hy sinh trong việc nhà Chúa. Dù tuổi đã cao nhưng cụ luôn giữ thói quen đọc kinh lễ misa mỗi sáng, đi cầu nguyện cùng với các hội đoàn trong giáo xứ. Việc nhà thờ luôn được ông dành ưu tiên. Ông thường giải thích giản dị rằng thường xuyên đọc kinh, cầu nguyện sẽ giúp ta nhận ra ý Chúa, còn làm việc bác ái nhiều thì sẽ được hưởng phúc nhiều hơn. Lúc các cháu còn nhỏ ông hay dẫn theo đi nhà thờ, sinh hoạt thiếu nhi. Mỗi buổi chiều rảnh rỗi ông hay kể cho con cháu nghe những mẩu chuyện đạo đức, dạy cháu không tham lam, không ích kỷ... Giờ đây dù các con tôi đã lớn, có đứa là sinh viên đại học nhưng đời sống đức tin của các con có lẽ vững vàng cũng chính nhờ tấm gương sáng của ông ngoại.
KHÔNG THỂ ĐÓI ĐỨC TIN
Anh Nguyễn Văn Hoàng (Giáo họ An Chính - GP Thái Bình): Tháng các linh hồn tôi lại thêm nhớ về những người thân đã khuất cũng như nhớ những tình cảm đẹp trong đời sống đạo mà tôi được nuôi dạy từ tấm bé. Tôi vẫn nhớ những ngày còn sống với bố mẹ, ông bà giữa một làng quê nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng trong nếp sống giản dị luôn có thời gian dành cho kinh nguyện. Cho tới bây giờ mỗi khi có chút ý làm biếng vì trời mưa hay vì lý do nào đó tôi lại nhắc mình và các con lời dạy của ông bà là: “Có thể đói cơm gạo nhưng tuyệt đối không thể đói đức tin”. Cũng như ông bà, cha mẹ, tôi tâm niệm rằng để sống đạo tốt thì việc đầu tiên là phải cho các cháu học giáo lý đầy đủ và ngày càng đào sâu.
TÔN TRỌNG NGƯỜI NGHÈO
Bà Trần Thị Bé (Đường Phan Bội Châu - TP Sóc Trăng): Một trong những kỷ niệm thân thương về mẹ mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ đó là những lần bà giúp đỡ người bất hạnh, dù không thân quen. Mặc dù lúc ấy bà cũng chẳng phải dư giả và cũng chắt chiu lắm mới có đủ tiền trang trải nhưng hễ gặp cảnh mủi lòng là bà lại nâng đỡ mà không hề tính toán. Khi cho ai, dù chỉ có ít tiền thôi nhưng mẹ tôi thường cho bằng một thái độ trân trọng và luôn dặn chúng tôi phải làm theo. Bà thường nói rằng, đó là thái độ tôn trọng người nghèo cũng như trân trọng chính những đồng tiền mà mình đã đổ mồ hôi để làm ra. Tôi vẫn giữ lời mẹ và đem những lời ấy ra dạy lại cho các con, các cháu của mình.
Bình luận