Từng là một làng chài sầm uất và nhộn nhịp ở miền tây nam Nhật Bản, Aoshima giờ đây chỉ còn 6 người ở, nhưng có đến hàng trăm con mèo, và vì thế được gọi là “Đảo mèo”.
Đi phà từ Ozu, thị trấn nhỏ trên bờ tây đảo Shikoku, khách du lịch sẽ đến đào Aoshima trong chưa đầy 20 phút. Hòn đảo dân cư vô cùng thưa thớt này đang trở thành điểm thu hút đông đảo du khách, dù chẳng còn bất kỳ cửa hiệu hoặc nhà hàng nào còn mở cửa tại đây.
Điều mà đảo Aoshima có chính là mèo, vô số mèo. “Trước đây, thỉnh thoảng tôi lại mang du khách đến đảo. Giờ đây, mỗi tuần lại có du khách muốn ghé nơi này, bất chấp việc chúng tôi chẳng có gì khác ngoài mèo”, thuyền trưởng điều khiển phà Nobuyuki Ninomiya, cũng là dân địa phương, cho biết.
Được biết với biệt danh “đảo mèo” và “thiên đường loài mèo”, nếu tính bình quân theo đầu người, mỗi người dân đảo Aoshima lại có 8 con mèo vào năm 2018. Và con số này chắc chắn tăng vào năm nay. Lũ mèo quen thuộc với con người và sẵn sàng chơi đùa vui vẻ với du khách. Thậm chí có hẳn một khu cho mèo ăn gần khu nhà trung tâm cộng đồng.
Thế nhưng, mèo trên đảo bắt đầu từ đâu? Và chuyện gì đã xảy ra cho những người dân trên đảo?
![]() |
Cuộc sống trên đảo mèo
Nghe qua có vẻ đặc biệt, nhưng Aoshima không phải là duy nhất. Trên thực tế, Nhật Bản còn có 10 đảo khác chứa toàn mèo. Ban đầu, dân chài mang đến đảo những con mèo hoang để trị chuột. Trong môi trường không có loài thiên địch, lũ mèo sinh sản hết công suất. Tất nhiên, dân trên đảo cũng có thói quen cho mèo ăn đến mức no căng, nhất là những người cao tuổi.
Nhật Bản cũng không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có đảo mèo. Cho đến gần đây, Mỹ sở hữu ít nhất 18 đảo mèo và Úc có lúc từng có đến 15 đảo. Thế nhưng, Nhật Bản lại đối xử mèo khác với những nước khác. Úc từng muốn tìm cách trừ khử 2 triệu con mèo hoang vì lý do mỗi ngày chúng lại giết chết hơn 1 triệu chim bản địa và 1,7 triệu con bò sát trên toàn nước này, theo Đài CNN dẫn thông tin từ Bộ Môi trường và Năng lượng Úc.
Trong trường hợp Nhật Bản, một số người cũng tán đồng ý kiến trừ khử hàng loạt mèo hoang, vì suy cho cùng, việc tụ tập một cộng đồng mèo lớn có thể tạo nên môi trường đầy áp lực cho các động vật hoang dã. Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện mèo trên đảo Aoshima tự thiết lập một xã hội có thứ tự lớp lang, với con đực tranh giành địa bàn còn con cái chịu trách nhiệm tìm thức ăn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc sống trên đảo của mèo trên thực tế không hẳn lúc nào cũng là “thiên đường”, dù chúng được cho ăn đầy đủ, chính vì sự cạnh tranh của những con đực.
Ngược lại, cũng có người nhận xét kiểu cuộc sống trên đảo là những buổi đi chơi và tận hưởng ánh nắng mặt trời. “Thiên đường của loài mèo là đây. Chúng chỉ thích nằm phơi nắng trên đường phố cả ngày”, một người tên Kazuyuki Ono nói. Điểm đáng lo ngại duy nhất là khi mùa Đông đến và lượng khách du lịch sụt giảm, lũ mèo chật vật tìm thức ăn. “Vào mùa Xuân và Hè, du khách mang thức ăn đến đảo nuôi mèo, nhưng một khi trời trở lạnh, biển động và chẳng ai lui tới. Đôi khi tàu không thể ra khơi vì biển động”, ông Ono bổ sung. Tình trạng này từng xảy ra năm 2016, nhưng may mắn là nhờ có sự lên tiếng của nhiều người, thức ăn cho mèo đến kịp lúc.
![]() |
Dòng đời đổi thay
Đảo Aoshima từng là làng chài đông đúc và thịnh vượng. Dân số nơi này khoảng 900 người vào giữa thập niên 1940. Ngày nay, chỉ còn vài người ở lại đảo. Năm 2019, dân số trên đảo là 6 người.
Nhiều năm trước, một nhiếp ảnh gia tên Fubirai đã chụp ảnh mèo trên đảo và đăng trên trang cá nhân suốt vài năm. Đến năm 2012, nhờ sự trợ giúp của trang tin Buzzfeed, những bức ảnh về mèo đã lan rộng và kích hoạt làn sóng du lịch từ nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, đảo không có khách sạn, cửa hàng hay máy bán hàng tự động. Vì thế, những người lên kế hoạch đến thăm đảo cần mang theo toàn bộ đồ dùng, thức ăn phục vụ nhu cầu bản thân và mang toàn bộ rác theo khi rời đảo.
“Nếu mọi người muốn thăm đảo để tìm kiếm cảm giác dễ chịu từ những chú mèo thân thiện, tôi cho rằng đó là điều tốt”, Reuters dẫn lời ngư dân tên Hidenori Kamimoto, 65 tuổi. Thế nhưng, ông cũng hy vọng du khách khi đến đảo cũng không nên tạo ra áp lực cho những dân cư ít ỏi của Aoshima.
Trong số 11 đảo mèo ở Nhật Bản, 3 đảo hàng đầu lần lượt là Aoshima, Tashiro - jima (Tashirojima) và Manabeshima. Tashiro-jima là hòn đảo nhỏ ngoài khơi Ishinomaki, tỉnh Miyagi. Dân số trên đảo khoảng 100 người nhưng lại có hơn 100 con mèo. Tashiro - jima từng nuôi tằm lấy tơ nên nhờ cậy mèo xử lý nạn chuột trên đảo. So với Aoshima và Tashiro - jima, Manabeshima có diện tích nhỏ hơn nhiều, thuộc TP Kasaoka (tỉnh Okayama). Manabeshima từng xuất hiện trong một quyển sách thông qua nét vẽ của một họa sĩ nổi tiếng. Đến nay, nơi đây vẫn được xem là một trong những hòn đảo toàn mèo. |
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.