Hơn một năm về trước, chúng tôi có lần tham dự buổi sinh hoạt với Câu lạc bộ Hán Nôm Công giáo tại Trung tâm mục vụ TGP TPHCM và đã từng ghi nhận về hoạt động của CLB này. Qua đó, được biết nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh (Michel Nguyễn Hạnh), người hướng dẫn CLB đã dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu, giảng dạy, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về bộ môn Hán Nôm, đặc biệt là Hán Nôm Công giáo. Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Sài Gòn, CLB chuyển từ hình thức sinh hoạt trực tiếp sang trực tuyến, thầy Hạnh tiếp tục đồng hành với nhóm, đồng thời vẫn duy trì một lớp học Hán Nôm Công giáo trực tuyến trên kênh youtube. Gần đây, có dịp gặp lại người thầy đầy tâm huyết này, chúng tôi được chia sẻ thêm thông tin về CLB cùng lớp học Hán Nôm Công giáo mà thầy dày công vun đắp, cũng như những dự định, thao thức để duy trì, bảo tồn và phát triển di sản Hán Nôm của cha ông, trong đó có kho tàng Hán Nôm Công giáo chưa được khai thác hết.
![]() |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh trong một buổi dạy Hán Nôm Công giáo trực tuyến |
* CLB Hán Nôm Công giáo chuyển từ hình thức sinh hoạt trực tiếp qua trực tuyến, đây cũng là nỗ lực của thầy và các thành viên để thích ứng trong hoàn cảnh dịch bệnh. Chương trình chắc vẫn tiếp tục học hỏi, thảo luận theo chủ đề mỗi tuần?
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh: CLB từng có thời gian sinh hoạt trực tiếp tại Học viện Mục vụ, còn hiện nay hoạt động theo hình thức trực tuyến để có thể mời gọi những người ở xa tham dự và cũng tiện việc giữ khoảng cách trong mùa dịch bệnh. Ðể giúp các thành viên học (với người mới) hay ôn luyện (với chuyên viên) Hán ngữ, mỗi buổi sinh hoạt thường có chủ đề, trước và nay vẫn thế, chẳng hạn như theo chủ đề Tứ Thư và Ngũ Kinh của Nho giáo - tìm hiểu về triết học phương Ðông. Mỗi năm, các thành viên sinh hoạt dựa vào một quyển sách. CLB hoạt động đến nay được ba năm, đã cùng học tập và thảo luận các sách Kinh Dịch, Ðại Học, Hiếu Kinh. Các thành viên tham gia rất đa dạng: Từ tu sĩ, linh mục đến giáo dân và cả người ngoài Công giáo thuộc các ngành nghề khác nhau. Tất cả được phân soạn và trình bày một vài chương sách: chiết tự, nghĩa từ, điển ngữ, văn phạm, triết lý sống của người xưa và hiện tại hóa cho xã hội hôm nay.
Buổi họp CLB luôn được bắt đầu và kết thúc với kinh nguyện. Trong buổi họp hay sinh hoạt ngoài trên nhóm Zalo, chúng tôi thường trao đổi những kiến thức chung và cả các tác phẩm Hán Nôm Công giáo. Mọi thành viên đều hiểu rằng mình đang khám phá di sản Hán Nôm của cha ông, trong đó văn hóa Công giáo góp phần không nhỏ vào kho tàng chung ấy.
* Ðược biết ngoài CLB này, thầy còn hướng dẫn thêm một lớp Hán Nôm Công giáo trực tuyến cho những ai có nhu cầu học qua mạng. Lớp học này thì thế nào?
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh: Ngoài CLB Hán Nôm, hơn một năm qua, với sự giúp đỡ của Ban Mục vụ Truyền thông TGP TPHCM, tôi đã thực hiện được việc dạy Hán Nôm Công giáo trên kênh youtube vào thứ Năm hằng tuần. Cho đến nay đã có hơn 63 clip dạy Hán Nôm Công giáo. Chủ đề đầu tiên tôi chọn là kinh nguyện, các bài kinh có nguồn gốc Hán Nôm vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Mỗi bài kinh được giải thích từng từ, chiết tự và giảng giải về ý nghĩa cũng như xuất xứ của lời kinh...
![]() |
Một góc phòng sách Hán Nôm Công giáo tại Nhà truyền thống TGP TPHCM |
* Trong kho tàng Hán Nôm của tiền nhân, các công trình Hán Nôm Công giáo hẳn không ít. Việc khai thác để giới thiệu cho mọi người biết văn hóa Công giáo đã đóng góp cho văn hóa Việt Nam thế nào, đồng thời cũng để bảo tồn và truyền lại cho thế hệ sau..., chắc chắn đòi hỏi những người có tâm huyết và tha thiết với di sản của cha ông. Là một nhà nghiên cứu quan tâm đến lãnh vực này, thầy có thể cho biết bản thân mình và các cộng sự đã có định hướng hay chương trình gì góp phần vào việc này?
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh: Tôi được linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP TPHCM giao quản lý phòng sách Hán Nôm và có nhiệm vụ quảng bá các sách Hán Nôm đã có trong phòng sách để nhiều người biết đến. Trước đây, nhóm biên dịch của cha Vinhsơn Nguyễn Hưng đã dịch âm ra quốc ngữ hơn 100 đầu sách Hán Nôm Công giáo nhưng ở dạng lưu hành nội bộ. Tôi đang xúc tiến việc làm mới lại bộ sách ấy, xin chuẩn ấn (imprimatur) của Ðấng Bản Quyền, rồi xin giấy phép xuất bản. Ðược như vậy thì bộ sách Hán Nôm ấy mới có thể bán đại trà ở các nhà sách và là nguồn tư liệu khả tín cho các nhà nghiên cứu.
Hiện nay, có một công việc rất quan trọng, đó là thực hiện quyển Từ điển Hán Nôm Công giáo. Ðức cha Gioan Ðỗ Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Ðức tin, đã đồng ý cho nhóm Từ điển Hán Nôm Công giáo thành lập, Ðức ông Phêrô Nguyễn Chí Thiết là trưởng nhóm. Tuy nhiên, do dịch giã vẫn còn nên nhóm chưa ra mắt. Song, chúng tôi cũng đã tiến hành từng bước, in lại từng quyển sách Hán Nôm Công giáo với phần tra cứu từ vựng, diễn giải điển tích và trích dẫn văn liệu. Ðể rồi tổng hợp lại làm dữ liệu thực hiện quyển từ điển Hán Nôm Công giáo. Chúng tôi đã in được quyển Hội đồng Tứ giáo Danh sư sưu tầm và chú giải (với sự chuẩn nhận của Ðức cha Gioan Ðỗ Văn Ngân). Trong đó, giải thích gần như từng từ và các điển cố... Ngoài ra, chúng tôi còn sắp phát hành quyển Thánh giáo kinh nguyện và Sách Các Phép cũng theo cách thức tương tự.
![]() |
Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết (ngồi bìa trái) trong một lần đến thăm và khích lệ CLB Hán Nôm Công giáo
|
* Việc bảo tồn, phát triển kho tàng Hán Nôm Công giáo, hiện nay theo thầy có những thuận lợi, khó khăn nào?
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh: Công việc bảo tồn và phát triển văn hóa Hán Nôm Công giáo không dễ dàng chút nào. Tôi cảm nhận được hồng ân Thiên Chúa dẫn dắt mình đi từng bước, tuy chậm nhưng chắc chắn. Tôi dạy học ở nhiều Học viện, nơi nào mình cũng cố gắng thổi ngọn lửa yêu mến Hán Nôm Công giáo để mong sẽ có người kế thừa. Qua 11 năm dạy ở Học viện Dòng Tên, một ngày đẹp trời, tôi được linh mục Viện trưởng Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, S.J. cho biết, từ nỗ lực ươm mầm Hán Nôm của tôi ở Học viện, ngài thấy đó là điều nên làm và chính ngài đã đứng ra dạy Hán văn cho các thầy ở Học viện.
Ðặc biệt, năm học 2021-2022, tôi được cha Gioan Nguyễn Thiên Minh (dòng Ða Minh) - Giám đốc Trung tâm Thần học Sedes Sapientiae - mời dạy Hán văn tại Trung tâm này của dòng. Chúa giao cho tôi công việc mới, tôi lại có điều kiện giúp các thầy ở đây học Hán Nôm và thổi ngọn lửa yêu mến văn hóa Hán Nôm Công giáo ở môi trường mới.
Việc xuất bản sách Hán Nôm Công giáo rất cam go. Tôi được các đấng bậc hỗ trợ, động viên nhưng nguồn tài chính sẽ lấy ở đâu? Chắc chắn là từ ân sủng của Chúa Thánh Thần rồi. Tôi cầu nguyện, phó thác và hy vọng chính Chúa sẽ lo mọi sự nếu điều đó đẹp lòng Ngài.
LIÊN GIANG (thực hiện)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.