Ðó là họa sĩ Lê Văn Ðệ (1906-1966). Năm 1925, ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương khi trường vừa mới thành lập, đang chiêu sinh khóa I. Trong 400 thí sinh dự thi, chỉ có 8 người trúng tuyển và Lê Văn Ðệ đỗ đầu.
Ông sinh tại huyện Mỏ Cày (Bến Tre), là con thứ 10 trong một gia đình gia giáo có 13 người con. Hồi nhỏ, Lê Văn Ðệ học trường Lasan Taberd tại Sài Gòn. Có năng khiếu vẽ nên khi ấy, ông học riêng với họa sĩ Huỳnh Ðình Tựu. Sau khi tốt nghiệp Trung học, cậu học trò Ðệ được gởi ra Hà Nội với dự tính học ngành luật, nhưng do thích mỹ thuật nên cậu đã chọn trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương.
![]() |
Thánh nữ Madanela (sơn mài) của hoạ sĩ Lê Văn Đệ |
Sau bốn năm miệt mài học tập dưới sự chỉ dạy của những giáo sư uy tín từ Pháp sang. Khóa I đã mãn với 6 sinh viên tốt nghiệp, Lê Văn Ðệ vẫn là thủ khoa. Sau khi ra trường, chàng họa sĩ trẻ được học bổng của tổ chức SAMPIC (Sociéte d’Amélioration Morale Intellectuelle et physique des Indigènes de Cochinchine: Hội Ðức, Trí, Thể Dục của người bản xứ Nam Kỳ), sang Pháp học trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris (Ecole supérieure des beaux Arts de Paris). Năm 1933, ông đoạt giải II trong cuộc triển lãm do Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp tổ chức với 3 tác phẩm: Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse và Thiếu nữ điểm trang. Tranh được trưng bày ở phòng số I dành cho các tài năng xuất sắc chọn từ 5000 họa sĩ các nước. Hơn 40 tờ báo viết về tranh của ông.
Tại triển lãm tranh của các nghệ sĩ quốc gia Pháp 1934, Bộ Văn hóa Pháp đã mua bức tranh Trong gia đình của ông để treo ở bảo tàng mỹ thuật Luxembourg.
Với những thành tích này, ông được học bổng đi học tiếp ở Roma và Athena (Hy Lạp). Năm 1936, ông gia nhập đạo Công giáo và được Ðức Giám mục Celso Constantin, thư ký Bộ Truyền giáo Roma ban phép Thánh tẩy với tên thánh Celso-Léon Lê Văn Ðệ. Cùng năm này, có một cuộc triển lãm báo chí Công giáo Thế giới (World Catholic Press Exhibition) tại Roma với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi danh thuộc 30 nước trên thế giới, cả danh họa Bouteau (Pháp) cũng tham dự. Hai tác phẩm của Lê Văn Ðệ là bức Thánh mẫu nhân từ (Mater Amabilis) và Madalena dưới chân thánh giá đoạt giải Nhất và được lưu giữ tại bảo tàng Vatican. Ông còn được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Họa sĩ của Vatican.
![]() |
Chợ phiên (in khắc gỗ) của hoạ sĩ Lê Văn Đệ |
Năm 1938, Lê Văn Ðệ về nước mở các lớp hội họa dân tộc và hội họa Phương Ðông. Ðến năm 1945, ngày Ðộc Lập, ông cộng tác trang trí quảng trường Ba Ðình ngày 2.9.
Từ năm 1954 đến 1956, ông làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Gia Ðịnh (thường gọi là trường Vẽ Gia Ðịnh). Ngày 16.3.1966, ông mất tại Sài Gòn, thọ 60 tuổi.
Lê Văn Ðệ có khuynh hướng cổ điển và tân cổ điển với những bức sơn dầu, lụa và sơn mài. Tác phẩm của ông được lưu giữ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện nay tranh của họa sĩ này cực hiếm. Dấu ấn của ông còn sót lại tại nhà thờ Ðồng Tiến (54 Thành Thái, Q.10 -TPHCM) là các bức sơn mài khổ khá lớn Các thánh tử đạo Việt Nam và 14 chặng đàng thánh giá. Chúng tôi được biết linh mục Ðaminh Trần Thái Hiệp (nhà sưu tầm tranh nổi tiếng), họa sĩ Léon Lê Văn Ðệ và cha Giuse Ðinh Cao Thuấn (Tổng Tuyên úy, người từng xây dựng nhà thờ Ðồng Tiến) là 3 người bạn rất thân với nhau và cùng đam mê nghệ thuật. Cha Thuấn đã nhờ họa sĩ Lê Văn Ðệ thực hiện bằng sơn mài những bức tranh kể trên cho nhà thờ Ðồng Tiến (chi tiết này tôi đã xin cha Giuse Ðinh Cao Thuấn xác nhận bằng văn bản khi ngài còn sống và gởi cho Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Uỷ ban Văn hóa / HÐGMVN - khi còn đương nhiệm).
Các ảnh thánh được làm phép để giáo dân tôn kính công khai nơi thánh đường ít khi thấy ghi tên tác giả. Có lẽ đó cũng là lý do các tác phẩm của Lê Văn Ðệ tại nhà thờ Ðồng Tiến không có chữ ký của họa sĩ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.