Thứ Tư, 19 Tháng Tám, 2020 14:28

Thử nhìn lại đề thi Văn tốt nghiệp THPT các năm gần đây

 

Ngữ văn, theo truyền thống là môn thi bắt buộc ở các kỳ thi tốt nghiệp. Mỗi năm, việc đề Văn ra nội dung gì, nói đến vấn đề gì trong cuộc sống cũng là một sự kiện khiến nhiều người quan tâm. Bởi lẽ, không như các môn khác, văn chương là tiếng nói của thời đại và giáo dục văn học ở bậc THPT còn là phương pháp hữu hiệu nhằm bồi dưỡng, phát triển năng lực thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.

Từ năm 2015, cả nước bắt đầu chuyển sang hình thức thi mới, không còn tổ chức thành hai đợt riêng là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học. Trong phân môn Ngữ văn, cấu trúc đề thi cũng có sự thay đổi đáng kể. Trước năm 2013, toàn bộ các câu hỏi trong đề thi môn Văn tập trung vào phần làm văn, đến năm 2014, có đến 30% số điểm dành cho phần đọc hiểu, tiếng Việt. Và từ năm 2015 đến nay, xuyên suốt các đề thi đều có phần này. Ở phương diện làm văn, dễ thấy ngày càng có sự gợi mở hơn khi các câu hỏi một mặt chú trọng kỹ năng nghị luận văn học, với các tác phẩm được giảng dạy trong sách giáo khoa, mặt khác, còn mở rộng ra, đề cập đến vấn đề xã hội hoặc tư tưởng đạo lý. Sự thoát ly đó như một điểm cộng khiến thí sinh không chỉ chú tâm toàn bộ đến nội dung đã được học mà bắt đầu để ý nhiều hơn tới những đổi thay của cuộc sống.

Mới đây, khóa thi tốt nghiệp ngày 9.8.2020, tổ chức cho hơn 900.000 thí sinh cả nước, trong môn Ngữ văn có nêu ra nội dung “trân trọng cuộc sống mỗi ngày” để bàn bạc. Năm 2019, đề thi nhắc đến tầm quan trọng của “sức mạnh và ý chí con người trong cuộc sống”. Nhiều năm, các câu hỏi nghị luận xã hội liên quan đến việc rèn luyện lối sống, kỹ năng. Từ những chuyện chung trong xã hội, các đề thi môn Văn hướng đến giáo dục trách nhiệm cá nhân giữa cộng đồng. “Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân hiện nay”, năm 2018; “Sự thấu cảm trong cuộc sống”, năm 2017; “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong xã hội”, năm 2012. Thoạt đầu, những “thói dối trá”, “sự thấu cảm”, “đánh thức tiềm lực”… nghe có vẻ lớn lao và là chuyện không của riêng ai, nhưng các câu hỏi đã giúp các em tập nghĩ về những điều không của riêng ai để nhắc nhở ý thức bản thân và giáo dục chính mình. Rèn luyện những đức tính tốt, loại bỏ những yếu tố xấu trong quá trình phát triển nhân cách luôn là điều cần thiết. Ðề thi gợi cho người học tự khẳng định “Việc rèn kỹ năng sống cũng quan trọng như tích lũy kiến thức” (năm 2015), để từ đó chủ động với bản thân, vì “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình” (đề thi Văn 2016).

Nhiệm vụ của giáo dục Ngữ văn bậc trung học không đơn thuần là dạy lịch sử văn học, dạy ghi nhớ về tác giả, tác phẩm, về cách phân tích, bình giảng văn chương, mà là khơi dậy những rung động thẩm mỹ trong tâm hồn, từ đó phát triển ở người học khả năng tưởng tượng, khả năng nhập vai, sống trong một thế giới khác, một cuộc đời khác, biết bao dung với mình và với người. Ðề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn một số năm còn mang tính thời sự, lấy thời sự để giáo dục. Ðơn cử như năm 2013, câu chuyện về hành động dũng cảm của cậu học sinh Nguyễn Văn Nam (lớp 12, THPT Ðô Lương I, tỉnh Nghệ An) lần lượt cứu 4 em học sinh nhỏ đuối nước và rồi chính Nam đuối sức, bị dòng nước cuốn trôi vào tháng 4 cùng năm, được đưa vào kỳ thi. Câu hỏi đã gợi lên bao xúc động cho các sĩ tử, sâu xa hơn là ca ngợi tinh thần hy sinh, xả thân của thế hệ trẻ trong bối cảnh ngày nay, lên án thói vô cảm, hờ hững trong xã hội.

Ðặc trưng chức năng giáo dục của văn chương là ở chỗ biến đổi con người thông qua con đường tình cảm. Từ những xúc cảm được đánh động, người học liên hệ đến bản thân, tự khám phá ra cái hay, cái đẹp rồi mới có thể điều chỉnh mình. Thoáng qua các đề thi Văn tốt nghiệp THPT một số năm, có thể thấy hiển hiện rõ chức năng giáo dục này. 

THIÊN KHÔI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm