Ở Kon Tum, tên gọi của nhiều nhà thờ được đặt theo tên gọi của các địa phương và được phiên âm cho dễ đọc từ tiếng của anh em đồng bào sắc tộc. Không ít du khách vẫn thắc mắc về ý nghĩa những tên gọi ấy…
Kon Tum là một trong năm tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và có nền văn hóa lâu đời. Nhắc đến vùng đất này, người ta vẫn nghĩ ngay đến những món ăn dân dã như gà nướng Măng Ðen, cơm lam, heo rừng nướng mọi, gỏi lá…, hay các địa điểm tôn giáo nổi tiếng như nhà thờ Gỗ, Trung tâm hành hương Ðức Mẹ Măng Ðen, Chủng viện Thừa Sai Kon Tum… Ðặc biệt, tên gọi của những địa danh nơi đây cũng có nét đặc trưng riêng.
![]() |
Văn hóa Kon Tum được hình thành và phát triển gắn với sự khai phá của anh em đồng bào sắc tộc. Khi đến những vùng đất hoặc tìm được một chỗ định cư mới (văn hóa du canh du cư của anh em đồng bào sắc tộc trước đây), họ liền đặt tên cho địa danh đó. Nếu như người Kinh khi đặt tên cho con cái hay địa danh nào luôn tìm tòi những cái tên mang ý nghĩa lớn lao, hy vọng những điều tốt đẹp đến, thì anh em đồng bào sắc tộc lại thường nghĩ rất đơn giản. Họ quan sát đặc điểm thiên nhiên xung quanh và dựa trên ngôn ngữ của mình mà đặt theo. Cách đặt tên này giống như cách họ suy nghĩ mọi vấn đề: đơn giản hóa.
Ông A Ke, một người dân miền này chia sẻ: “Người dân tộc chúng tôi nghĩ cái gì cũng đơn giản lắm. Chúng tôi quan sát những đặc điểm rồi đặt tên chứ không có suy nghĩ gì nhiều”. Quả vậy, như hai từ Kon Tum, theo tìm hiểu của chúng tôi, tiếng dân tộc Bana có nghĩa là Làng Hồ. Kon có nghĩa là buôn, làng, một vùng đất…, Tum là ao hồ, vùng đầm lầy. Khi khai phá vùng này, người sắc tộc quan sát thấy dọc theo lưu vực sống Ðăk Bla có nhiều ao, đầm lầy nên dựa vào đó mà đặt tên là Kon Tum. Ðó là cách nghĩ trực quan của người đồng bào ở vùng đất này. Tuy vậy, cũng theo ông Ke, trước khi đặt tên cho nơi nào, người ta cũng đều phải xem xét kỹ, “đặt thế nào để khi nhắc đến, người dân nghĩ ngay đến vùng đó có những gì”.
![]() |
Vì thế, những tên gọi của các giáo xứ khi hình thành trên vùng đất Tây Nguyên cũng gắn liền với tên gọi ở vùng miền. Hiện nay, dù trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, nhưng Kon Tum vẫn còn những cái tên mang đậm chất bản địa. Khi Tin Mừng được rao giảng thì nhiều giáo xứ cũng hình thành trong các buôn làng của anh em sắc tộc. Các đấng sáng lập các giáo xứ đã rất khéo khi chọn tên giáo xứ cùng với tên làng. Tỷ như khu du lịch Măng Ðen có nhà thờ Măng Ðen; làng (thôn) Ðăk Mot có nhà thờ Ðăk Mot; làng Kon Jơdreh có nhà thờ Kon Jơdreh; làng Kon Xơmluh cũng có nhà thờ cùng tên…
Những tên gọi này được lấy ra từ tiếng Bana. Măng Ðen có nghĩa là vùng đất bằng phẳng; còn Ðăk Mot với nghĩa của từ Ðăk là nước, Mot là vào. Khi khai phá, họ thấy một dòng sông có hướng nước chảy vào buôn và rồi mất hút trong lòng đất. Hay Kon Jơdreh có ý nói đến một vùng đất ban đầu mọc rất nhiều cây Jơdreh. Người đồng bào ở Kon Tum sống quây quần thành cụm, nhóm nên những tên làng, tên giáo xứ đều bắt đầu bằng chữ Plei, nghĩa là làng. Sau chữ Plei là tên riêng gắn liền với những đặc điểm của vùng đó. Ví dụ, gọi làng Plei Don vì nó nằm trên đất gò cao (Don: đất gò, trên cao); làng nằm trên lưng đồi đặt tên là Plei Groi (Groi là lưng đồi); hay làng có nhiều cây gạo được gọi là Kon Klor (Klor: cây gạo). Tương tự, làng có nhiều cây le có tên Kon Xơmluh; nơi có cây thông mọc nhiều là làng Kon Hơ ngo…
Khi các giáo xứ được hình thành, các đấng lấy tên vùng miền đó mà đặt tên cho giáo xứ chứ không dùng tên khác. Cha Vinhsơn Nguyễn Ngọc Quyền, chánh xứ Plei Jơdrâp, GP Kon Tum lý giải: “Có sự trùng tên làng và tên giáo xứ như vậy vì hai lý do: các đấng sáng lập muốn anh em dân tộc thiểu số hiểu được đó là nơi thờ phượng của họ và muốn họ xem như là một phần của quê hương xứ xở của mình, vì nhà thờ lấy tên tiếng bản địa sẽ tạo ra niềm yêu mến và thân quen hơn. Thứ nữa, các ngài khẳng định được bản sắc văn hóa Tây Nguyên ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc, sinh hoạt tôn giáo”.
Cách đặt tên của giáo xứ tại giáo phận Kon Tum cũng thể hiện sự hội nhập của tôn giáo với bản sắc văn hóa dân tộc.
ÐÌNH VĂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.