Thứ Năm, 14 Tháng Tư, 2022 15:48

Thưởng vị chè lam Ðền Hùng

“Chè xanh thêm chút gừng cay/Ăn bánh rau sắng làm say lòng người/Khách đi khách lại cũng ham/Khi về đã có chè lam Ðền Hùng” là lời rao ngân nga mà thu hút hiệu quả hơn bất cứ lời quảng cáo nào. Khi có dịp đến thăm khu di tích lịch sử Ðền Hùng, có thể thấy chè lam cùng một số loại bánh đặc sản địa phương được bày bán rất nhiều như một thức quà đặc trưng đất Phú Thọ. Du khách thường sẽ được các chủ quầy mời nếm thử miếng chè lam thơm ngọt kèm chén trà nóng…

Chè lam là món quà quê được người dân nhiều làng quê ở tỉnh Phú Thọ tất bật làm quanh năm, nhưng có lẽ sôi động nhất là vào dịp các tháng trước và sau Tết Nguyên Ðán vì đây là khoảng thời gian phục vụ cho Tết và lễ hội. Rất nhiều gia đình có thể tự làm món này bằng những bí quyết và công thức truyền đời. Nếp sinh hoạt truyền thống giản dị từ gia đình cho đến quy mô xóm làng có lẽ là cách gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho các thế hệ sau một cách mộc mạc mà hiệu quả.

Ðến thăm Ðền Hùng ở Phú Thọ, quà đặc sản mà du khách có thể mua về nhất định không thể thiếu bánh chè lam, bánh rau sắng, bánh củ mài, thịt chua… Dạo một lượt có thể thấy phần nhiều chè lam đều được đóng hộp, dán nhãn một vài xưởng bánh kẹo địa phương, tuy nhiên cũng có vài quầy hàng chè lam được chính chủ hàng nhào nấu và bày nguyên khối bánh lớn. Khách có nhu cầu mua hay dùng thử sẽ được chủ hàng dùng dao sắc cắt ngọt theo yêu cầu.    

Nguyên liệu làm món ăn này không phải đặc biệt khác lạ mà trái lại còn giống với những nguyên liệu nhiều loại bánh khác như nếp cái hoa vàng, đường, gừng, lạc, vừng và mật mía. Nhưng có lẽ chính công thức bí truyền của từng nhà đã làm chiếc bánh bộc lộ được hết những hương vị thơm ngon độc đáo. Chị chủ gian hàng có món chè lam đang được chúng tôi tấm tắc thưởng thức không “giấu nghề”. Chị chỉ vẽ rằng khi làm món này, những người thợ phải chọn nếp cái hoa vàng, hạt nếp phải già và mẩy, được phơi già nắng, nhưng tối đến những hạt thóc đó phải được trải ra nền đất và phủ lên một tấm chăn mỏng. Mục đích là để cho thóc được chín hơn, khi làm bánh sẽ dẻo hơn. Hạt thóc đủ ngày giờ được cho vào một chiếc chảo bằng gang để rang nhưng phải dùng tay đảo thật đều để chúng nở bung ra thành những hạt bỏng màu trắng đều nhau. Sau đó sàng bỏ vỏ trấu, rồi mang hạt bỏng ấy đi nghiền và lọc lấy bột mịn gọi là bột áo. Loại lạc được chọn cũng phải ngon, hạt mẩy, không sâu, rồi đem rang vừa chín mới bỏ vỏ, giã dập vừa phải, rồi buộc thật kín để giữ được độ giòn và hương thơm của lạc. Một gia vị không thể thiếu của món bánh chè lam đó là gừng, phải chọn những củ gừng già để độ cay và thơm đạt chuẩn nhất. Gừng sẽ được đổ vào nước mật đun cho tới độ sánh như chè là đạt. Cả quy trình được chị kể tóm gọn có vậy nhưng xem ra cũng lắm công phu. Và quan trọng hơn cả là khi tận mắt thấy cả khối bánh chè lam thơm lừng mùi gừng quyện mật, dẻo dai với lớp bột áo mịn tạo thành vị ngon mắt khó tả.

Phải có lời khen cho lời giới thiệu cụ thể ngọt ngào mà rất công dụng của những bà, cô, chị ở đây. Nếm rồi nghiệm ra rằng có lẽ cái ngon của chè lam còn ở chỗ tất cả các nguyên liệu đều là những sản vật của nhà nông, không sử dụng bất cứ chất phụ gia hay chất bảo quản nào. Cái ngon đến từ những vị nguyên lành như thế… 

Ðến Ðền Hùng vãn cảnh, dâng hương, dừng chân thưởng thức chút quà đặc sản nơi đây, chắc chắn hương sắc, vị của miếng bánh chè lam sẽ theo du khách mãi trên hành trình trở về.

 

MINH MINH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm