Thứ Tư, 10 Tháng Năm, 2023 23:16

Tiếng Việt trong ngôn ngữ biển hiệu

Đã thành hình về phân loại ngôn ngữ trong tiếng Việt thành kiến thức học đường: ngôn ngữ sinh hoạt, báo chí, chính luận, khoa học, hành chính… Tiếng Việt sống động trong các trang viết và đời sống thường nhật, có khi vượt lên trên các phân loại, cho thấy sự phong phú của thực tiễn. Trong đó, có thể kể đến ngôn ngữ biển hiệu.

Nếu lại sắp xếp, có lẽ ngôn ngữ biển hiệu nghiêng về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: nôm na, bình dân, đa sắc màu.

Ở đâu cũng có biển hiệu, từ logo “khủng” đi cùng danh phận một công ty lớn, thiết kế sơn vẽ công phu, đến tấm biển nhỏ xíu vẽ vụng trên ván đính vào thân cây trên đường làng, hết thảy thuộc về thế giới biển hiệu của hoạt động kinh tế.

Ảnh 1

Nếu biển hiệu các công ty bề thế được chăm chút thiết kế và thể hiện chuyên nghiệp, thì lô nhô hàng vạn vạn biển hiệu của các cơ sở nhỏ, chỗ mua bán - dịch vụ ở hẻm phố thôn làng lại tùy nghi viết vẽ có khi gây cười, khó hiểu và chuyện sai chính tả là… bình thường.

Đến vùng miền địa phương nào, cũng chạm trước tiên vào thế giới biển hiệu dù đi bằng phương tiện gì, “thế giới” ấy thông báo địa chỉ, ngôn ngữ vùng miền, cả văn hóa qua lối thể hiện.

Vốn là dân miền Tây, người viết nhớ lần đầu ra Quảng Ninh, tập thể dục buổi sáng trên các phố ở Uông Bí, nhìn hoài các tấm bảng sơn “ở đây có cho vay lãi suất thấp”, khi đó chợt liên tưởng ở quê mình không có lối viết này, thường viết đại loại như “Hiệu cầm đồ”, “Có cho vay không cần thế chấp”, còn “cho vay” mà “lãi suất thấp” khá lạ.

Một dạo thăm cù lao Tân Quy ở Vĩnh Long, đi lòng vòng giữa các tàng cây ăn trái xanh mướt, chợt thấy tấm biển gỗ đính lên thân cây kèm mũi tên “Ở đây có rượu nếp than”, thực ấn tượng bởi mộc mạc từ câu chữ đến lối viết, cũng như con người chốn này.

Các biển hiệu được sơn vẽ, thiết kế theo phong cách xưa (ảnh 1) và nay… 

Xứ mình, ở miền Nam, trước và sau 1975 cho thấy khác biệt lớn trong ngôn ngữ biển hiệu nằm trong sự thay đổi chung. Trước đây, các biển ở tiệm quán luôn dùng dấu gạch nối ở những từ ngữ cần mà học đường đã quy định: công - ty, thương - mại, ngân - hàng… Lượng từ gốc Hán Việt dùng nhiều hơn hẳn ngày nay. Thời ấy, biển hiệu tiệm quán chuộng đắp chữ nổi hay sơn vẽ theo lối chữ chân phương nghiêm cẩn.

Kinh tế thị trường, biển hiệu xuất hiện và mất đi hàng ngày do cuộc làm ăn thịnh suy, nhu cầu về biển hiệu khiến ngành sơn vẽ, thiết kế trở nên ngành không nhỏ. Khi đã làm ăn, tấm biển thuộc về yêu cầu đầu tiên của người đầu tư.

Biển hiệu mang một phần của ngôn ngữ tiếng Việt.

 

HẰNG SINH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm