Thứ Năm, 21 Tháng Chín, 2023 17:00

Tiếp nối đường hướng hòa quyện đạo và đời

 

Ðại hội Ðại biểu Toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, dự kiến diễn ra vào ngày 11 và 12.10.2023 tại Hà Nội. Trước thềm đại hội, báo Công giáo và Dân tộc có cuộc trao đổi với linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Trung ương UBÐKCGVN một số vấn đề liên quan đến Ðại hội và những chia sẻ của cha hướng đến nhiệm kỳ mới.

 

 

Thưa cha, xin cha cho biết kế hoạch cũng như công tác chuẩn bị đến nay cho kỳ Đại hội sắp tới ?

Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Thực hiện Điều lệ UBĐKCGVN và Kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức Đại hội, các Tiểu ban văn kiện; Tiểu ban nhân sự; Tiểu ban tuyên truyền; Tiểu ban Hậu cần và Tổ Thư ký giúp việc các tiểu ban. Ban Tổ chức và các Tiểu ban giúp việc đã tích cực làm việc, chuẩn bị các nội dung và điều kiện cho Đại hội được diễn ra vào ngày 11 và 12.10.2023. Đại hội lần này tập hợp trên 650 đại biểu, trong đó, khoảng 400 đại biểu chính thức, 187 đại biểu khách mời và 63 đại biểu đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố. Đại hội là dịp đánh giá kết quả hoạt động 5 năm của UBĐKCGVN và biểu dương khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc; bổ sung, sửa đổi Điều lệ UBĐKCGVN cho phù hợp với tình hình mới. Đại hội sẽ suy cử 148 vị Ủy viên nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó có 30 vị tham gia Đoàn Chủ tịch và 9 vị tham gia Ban Thường trực nhiệm kỳ mới là những người Công giáo tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong quá trình chuẩn bị công tác tổ chức Đại hội, Ban Thường trực Trung ương UBĐKCGVN luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành có liên quan. Do đó, đến nay công việc chuẩn bị cơ bản đã xong, hoàn tất các công việc, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, cũng như chất lượng các nội dung đề ra theo kế hoạch.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2019-2023, theo cha đâu là dấu ấn nổi bật trong các hoạt động, các phong trào dấn thân, đóng góp cho xã hội của đồng bào Công giáo cả nước?

- Về dấu ấn thứ nhất: Tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả kinh tế cao nhờ mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững. Các mô hình nay chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tập trung đầu tư cải tạo xây dựng các mô hình trang trại, nâng cao giá trị sản lượng hàng hóa. Trong phong trào đoàn kết xây dựng đô thị văn minh, đồng bào Công giáo đã có nhiều việc làm thiết thực vệ sinh đường phố, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đường phố sạch, đẹp, văn minh.

Dấu ấn thứ hai: Tham gia xã hội hóa y tế, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân: Đồng bào Công giáo tích cực tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng cách tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động và tại các phòng khám, chữa bệnh từ thiện do các vị linh mục, nữ tu và bà con giáo dân thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành ở nước ta, hưởng ứng Lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam gởi đồng bào Công giáo Việt Nam về việc hỗ trợ cho người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong cơn đại dịch, đồng bào Công giáo mỗi nơi đều đã tìm ra những cách thức riêng hỗ trợ người dân cũng như bản thân tìm cách khắc phục những khó khăn trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Các dòng tu nam, nữ ở Đà Lạt đã chủ động đến các nhà vườn có rau bị các Công ty ngừng thu mua do dịch Covid-19 để xin thu hoạch gởi về thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… giúp đỡ các dòng, các cơ sở xã hội đang nuôi dưỡng người già, người tàn tật, trẻ mồ côi.

 

 

Với dấu ấn thứ ba: Tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh: Thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng như Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được ký kết giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với 43 tổ chức tôn giáo giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2022-2026.

Và dấu ấn thứ tư: Tham gia xã hội hóa giáo dục, dạy nghề. Với tinh thần chung tay, góp sức cho sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước, nhiều dòng tu nữ thực sự đã phát huy được thế mạnh của mình trong tham gia xã hội hóa giáo dục. Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội..., các dòng tu nữ đã tích cực tham gia trong lĩnh vực phát triển giáo dục mầm non, nhà trẻ.

Phong trào khuyến học, khuyến khích phát triển tài năng đã được đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng nhiều địa phương, thông qua việc xây dựng quỹ khuyến học, giúp trẻ em nghèo vượt khó. Trong các dịp hè và khai giảng năm học mới đã có hàng nghìn phần thưởng và học bổng được trao tại các giáo xứ để tuyên dương những học sinh có thành tích tốt về học tập và hạnh kiểm, qua đó khuyến khích các em không ngừng rèn luyện đức, tài. Hằng năm, nhiều quý linh mục, nữ tu và đồng bào Công giáo đã tích cực hưởng ứng “Chương trình tiếp sức mùa thi” trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, tiêu biểu như ở các giáo phận Đà Lạt, Bùi Chu, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,…

Trong số 12 cơ sở dạy nghề (Trường cao đẳng nghề, trường Trung cấp nghề tư thục, Trung tâm Dạy nghề tư thục tôn giáo) thuộc các tôn giáo hiện nay, giới Công giáo có 11 cơ sở dạy nghề, chủ yếu thuộc dòng Don Bosco, dòng Lasan và Tòa Giám mục Xuân Lộc đang hoạt động hiệu quả. Các cơ sở dạy nghề của Công giáo hoạt động với phương châm, mục đích dạy nghề rõ ràng, hoạt động từ thiện phi lợi nhuận, trong hoạt động đều chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, kỹ năng nghề cho học viên nên đã thu hút nhiều người đến học tập, góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động.

Với dấu ấn thứ năm: Tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Cùng với đồng bào cả nước, đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, xóm, khu dân cư; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng góp phần xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh. Thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, nhiều tỉnh, thành có 100% thanh niên Công giáo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đã sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc.

Ở dấu ấn thứ sáu:  Tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”: Với vai trò, uy tín của mình, nhiều quý linh mục chánh xứ luôn gần gũi, gắn kết, phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, Ban Đoàn kết Công giáo để đề xuất tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của bà con giáo dân với chính quyền, MTTQ xem xét, giải quyết.

Trong lĩnh vực tham gia xây dựng chính quyền, đồng bào Công giáo cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Ban Thường trực UBĐKCGVN các tỉnh, thành phố đã tham gia các hội nghị hiệp thương để lựa chọn và giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Tại các địa bàn có đông đồng bào Công giáo đều hoàn thành sớm việc bầu cử với số lượng cử tri đi bầu sớm nhất, đông nhất (đạt tỷ lệ từ 98% đến 100%).

Cuối cùng với dấu ấn thứ bảy: Đoàn kết thực hiện tình yêu thương, bác ái và nếp sống đạo: Năm 2019, Ủy ban được mời gọi “đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”. Năm 2020 với chủ đề “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Chủ đề mục vụ năm 2021 là “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”. Chủ đề mục vụ năm 2022 là “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ”. Hưởng ứng lời mời gọi đó, UBĐKCGVN tại các địa phương đã cụ thể hóa các phong trào thi đua gắn kết với phong trào thi đua tại các xứ, họ đạo.

Đồng bào Công giáo luôn có nhiều hoạt động hướng về người nghèo

 

Tổ chức UBĐKCGVN với đường hướng gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, theo cha cần phải lưu ý hay kiện toàn thêm những hoạt động nào để phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong giai đoạn mới?

- Cần tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong đời sống xã hội và trong đồng bào Công giáo Việt Nam; đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước của người Công giáo Việt Nam góp phần tích cực, hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong tình hình mới; đồng thời thực hiện tốt đường hướng mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

Động viên đồng bào Công giáo Việt Nam phát huy truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo; “đền ơn đáp nghĩa” đối với những gia đình có công với nước; giúp đỡ những người cô đơn không nơi nương tự, trẻ em mồ côi, khuyết tật; cùng nhau xây dựng cộng đồng dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường, văn minh, đoàn kết.

Thực hiện đường hướng Giáo hội gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, lấy nhiệm vụ chung tay xây dựng đất nước, giữ gìn truyền thống đạo đức và văn hóa của dân tộc; vun đắp sự gắn bó, đồng hành giữa Giáo hội và dân tộc làm mục tiêu của mọi hành động.

Tập hợp, phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng hợp pháp, chính đáng, quyền lợi vật chất, tinh thần của người Công giáo để được xem xét giải quyết, chủ động cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp kịp thời giải quyết và tìm ra giải pháp tốt nhất đảm bảo ổn định xã hội, không để những vụ việc xảy ra làm tổn hại quan hệ đạo đời.

Cùng với đồng bào trong nước và nhân dân các nước trên thế giới đấu tranh xây dựng và bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và dân chủ tiến bộ xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc, dân chủ tiến bộ và hòa bình thế giới, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Hòa quyện đạo với đời có ý nghĩa như thế nào trong đường hướng của UBĐKCG VN khi đồng hành cùng dân tộc? 

- Hòa quyện giữa đạo với đời có ý nghĩa rất quan trọng đối với đường hướng hoạt động của UBĐKCGVN. Nội dung này đã được thể hiện rất rõ trong Điều lệ của UBĐKCGVN: UBĐKCGVN là một tổ chức xã hội, đại diện phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Việt Nam, là tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập để kế tục sự nghiệp các tổ chức tiền thân phong trào yêu nước của người Công giáo nhằm mục đích đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực hiện theo tinh thần Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Việc phá đi những rào cản, những “bức tường” để xây dựng những “chiếc cầu” nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương nhất quán của nước ta. Đồng bào theo đạo Công giáo ở Việt Nam từ lâu đã thấm nhuần phương châm “mến Chúa, yêu người” để sống “tốt đời, đẹp đạo”. “Kính Chúa, yêu nước” không chỉ thể hiện trân trọng niềm tin, sự biết ơn, lòng thành kính dành cho hàng giáo phẩm của đạo Công giáo mà còn thể hiện bổn phận thiêng liêng của người Công dân luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với quê hương, tổ quốc. Chính vì vậy, hòa quyện giữ đạo với đời là phát huy được những giá trị tốt đẹp của đạo Công giáo trong đời sống hằng ngày, đem lại hạnh phúc cho mọi người trong đó có cả người lương và người giáo.

UBĐKCG tỉnh Sóc Trăng trong lần phối hợp Bệnh viện mắt Sài Gòn Cần Thơ khám chữa mắt cho người nghèo

 

 Xin cha cho biết ý nghĩa của chủ đề Đại hội lần thứ VIII này và những kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới này?

- Trong giai đoạn mới, UBĐKCGVN tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đã có; đồng thời xác định cho mình hướng đi mới như là kim chỉ nam định hướng cho các hoạt động của mình với chủ đề: HIỆP HÀNH - CHIA SẺ - PHỤC VỤ. Hiệp hành được nhắc tới trong chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI với tên gọi “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”: Hiệp thông tất cả mọi Kitô hữu, dù nhiều và đa dạng, những hiệp thông sâu xa với nhau vì có chung một sự sống thần linh và làm nên một Hội Thánh duy nhất. Để có sự hiệp thông, luôn phải giữ hai điều: tôn trọng sự khác biệt và duy trì hợp nhất. Sự hiệp thông là phẩm tính thiết yếu và là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá mọi sinh hoạt trong Hội Thánh. Tất cả mọi Kitô hữu đều có quyền và bổn phận tham gia vào sự tăng trưởng của Hội Thánh, tùy theo chức năng và đặc sủng Chúa ban cho mình, làm đúng và làm tròn vai trò của mình, đồng thời luôn tôn trọng vai trò của người khác. Trong Hội Thánh, không ai được thụ động hay dửng dưng; không ai là độc quyền; không ai bị loại trừ; không ai được coi thường vai trò của người khác, dù đó là một chi thể bé mọn nhất; Sứ vụ trong Hội Thánh như rao giảng, thánh hóa, phục vụ, quản trị… theo ơn gọi riêng và cách thế riêng của người ấy.

Chia sẻ là đồng cam cộng khổ với vận mệnh của đất nước, là cùng vui cùng buồn với dân tộc mình. Đó là sứ mệnh mà UBĐKCGVN đã và đang thực hiện trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Tuy nhiên, UBĐKCGVN muốn khẳng định vai trò đó thông qua việc chia sẻ với đồng bào Công giáo Việt Nam, cũng là để chia sẻ với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Thực vậy, từ khi thành lập tới nay, UBĐKCGVN đã tích cực cộng tác với chính quyền, và đặc biệt là Ban Tôn giáo Chính phủ để đề nghị các cấp có thêm các quy định sửa đổi về Tôn giáo, nhờ đó mà những khó khăn trước đây, như là việc phong chức cho các linh mục, chuyển đổi nhiệm sở, tiếp nhận các chủng sinh, tu sĩ vào chủng viện hay dòng tu, xây cất, sửa chữa nhà thờ, nhà xứ, tu viện…, thậm chí giải quyết được một số vụ kiện tụng, tranh chấp đất đai nhà cửa… tuy còn ít, nhưng đã có dấu hiệu ban đầu tích cực…

Phục vụ với vai trò là cầu nối, UBĐKCGVN tích cực tuyên truyền vận động đồng bào Công giáo hưởng ứng tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến là người Công giáo để xã hội học tập và noi theo; khuyến khích biểu dương của tập thể, cá nhân người Công giáo có thành tích tốt trong đời sống đạo…Vì thế, người Công giáo ngày càng thêm vững tin vào con đường đồng hành với dân tộc mà mình đã chọn lựa, nên đã cùng với đồng bào cả nước thi đua lao động sản xuất, xây dựng đất nước vượt qua những khủng hoảng xã hội sau chiến tranh. Đối với Giáo hội: phục vụ Giáo hội trong môi trường chính trị và xã hội này, thường xuyên tổ chức những cuộc hội thảo, hội nghị để những thông điệp của Giáo hội được truyền tải sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Hợp tác với Giáo hội Việt Nam nêu lên những nguyện vọng chính của bà con giáo dân cũng như các tổ chức đoàn thể của Giáo hội đối với Nhà nước…

Kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới của UBĐKCGVN là: Tăng cường đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của UBĐKCGVN các cấp, đảm bảo làm tốt vai trò đoàn kết mọi người Công giáo Việt Nam thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của công dân và chu toàn bổn phận của người Kitô hữu.

Phát triển và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, thực hiện tốt đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và Huấn từ của Đức Giáo Hoàng “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Làm tốt vai trò của tổ chức xã hội, đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, tích cực tham gia tập hợp tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời nhu cầu hợp pháp, chính đáng của đồng bào Công giáo.

Đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thông tin, tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo và hoạt động của UBĐKCG các cấp.

 

Xin cảm ơn cha!

 

Minh Hải thực hiện

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm