Sáng ngày 8.11.2019, các vị Thường trực Ban Ðoàn Kết Công giáo 24 quận, huyện cùng một số linh mục, nữ tu đã tham dự buổi hội nghị tìm hiểu Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo do ông Trần Tấn Hùng, nguyên phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ trình bày tại Văn phòng Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TPHCM.
Ông Trần Tấn Hùng đã thuyết trình tổng quan về Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo hiện hành và nêu lên một số nét mới của luật này so với Pháp lệnh Tín ngưỡng - Tôn giáo năm 2004.
![]() |
Ảnh: LG |
Luật tín ngưỡng - tôn giáo gồm 9 chương, 8 mục, 68 điều, đã được Quốc hội thông qua ngày 18.11.2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018. Mỗi tôn giáo có đặc thù riêng mà trong luật này chỉ quy định chung, vì thế ông Trần Tấn Hùng đã chia sẻ, minh họa thêm những gì gắn với Công giáo để người tham dự dễ hình dung.
Thuyết trình viên đã nhắc lại những quy định mới của Hiến pháp năm 2013. Ðiều này đặt ra cho việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần phải cụ thể hóa các quy định, nội dung, theo tinh thần của Hiến pháp. Vì thế, Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo được ban hành để thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng - Tôn giáo, trong đó có những điểm mới để phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, Hiến pháp 2013 đã thay đổi chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, theo điều 24 thì “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng - tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào...”, trong khi Pháp lệnh tín ngưỡng - tôn giáo trước đây chỉ đề cập đến quyền tự do tín ngưỡng là của “công dân”. Chủ thể quyền này theo luật đã được mở rộng hơn, dành cho “mọi người”, phù hợp theo Hiến pháp 2013. Các tham dự viên cũng được biết thêm một số mục tiêu khác nữa mà luật này nhắm đến trước khi diễn giả đi vào từng chương cụ thể.
Với chương I, trong phần giải thích từ ngữ, ông Trần Tấn Hùng đề cập đến khoản 8, 9, 12, 13 của điều 2 rồi liên hệ với Công giáo để làm rõ hơn các từ “chức sắc”, “chức việc”, “tổ chức tôn giáo”, “tổ chức tôn giáo trực thuộc”... Ở chương II, khi nói đến điều 6 (Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người), ông nhấn mạnh khoản 5 và cho rằng khoản này thể hiện tinh thần nhân văn khi cho người bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành hình phạt tù hay đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện... “có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”. Chương V là chương dài nhất và cũng có nhiều điều mới, đặc biệt điều 21, khoản 1, thời gian để tổ chức tôn giáo được công nhận là “hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo” (theo Pháp lệnh trước đây thì thời gian hoạt động phải 23 năm mới được công nhận). Chương này cũng nói đến tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo và xác nhận: “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại” (khoản 1, điều 30). Trong chương VI, thuyết trình viên nhắc đến điều 45, khoản 3, điểm a, như một trong những điểm mới: “Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với việc tổ chức đại hội của tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một huyện trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do”...
Cuối buổi, ông Trần Tấn Hùng cũng dành thời gian để giải thích, trao đổi thêm những vấn đề mà tham dự viên còn khúc mắc.
L.GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.