Vì nhiều lý do, nhiều người phải sống cảnh độc thân ở tuổi không còn trẻ. Họ đã làm gì để đời một mình trở nên ý nghĩa và không đơn điệu?
Làm thiện nguyện tại giáo xứ
Là việc thường gặp với không ít người độc thân. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Chánh, 66 tuổi và ông Phạm Văn Khoa, ngoài tứ tuần, ngụ ở giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Q3 - TGP.TPHCM là ví dụ của những người thuộc cánh đàn ông sống một mình. Sáng sáng, ông Chánh vẫn thức dậy sớm đi lễ nhất khi chuông nhà thờ vừa điểm. Tan lễ, ông còn ở lại phụ giúp giáo xứ các việc Nhà Chúa hay đưa Mình Thánh đến kẻ liệt. Buổi trưa, ông về nhà dùng cơm và nghỉ ngơi rồi chiều lại lục tục đến nguyện đường xóm giáo mở cửa, vệ sinh, chuẩn bị mọi thứ cho thánh lễ trong xóm. “Do không gặp người hợp với mình nên tôi ở vậy, sau khi về hưu thì chọn việc tông đồ làm niềm vui và như một “kênh” hiệp thông với Giáo hội và xã hội”, ông tâm sự. Ông Khoa cũng vậy, dù chưa già lắm nhưng nghĩ mình khó lấy vợ ở cái tuổi trung niên, và không muốn phải buồn chán trong cảnh một mình nên ông vẫn quanh quẩn giúp việc ở xứ đạo, khi thì đi đưa Mình Thánh Chúa cho người già, lúc thì lau dọn nhà thờ.
![]() |
Một nhóm những người độc thân quy tụ với nhau cùng đi làm bác ái |
Phía phụ nữ cũng có những người độc thân rất siêng việc Nhà Chúa như bà Thụy Vân, 65 tuổi (Thủ Đức, TPHCM). Bao năm nay, cứ tầm 3 giờ chiều mỗi ngày trong tuần, bà lại lên nhà thờ quét dọn chuẩn bị cho thánh lễ chiều. Cũng tầm tuổi này, bà Nguyễn Thị Sự (Q3, TPHCM) vẫn chọn công việc chưng hoa cho nguyện đường xóm giáo. Vài buổi sáng trong tuần, bà đi chợ Hồ Thị Kỷ sớm để mua hoa, sau đó về nấu vội bữa cơm và đến 10 giờ sáng, đến mở cửa nhà nguyện, cần mẫn với từng nụ hoa dâng Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Ngày nào không đi chợ hoa vì hoa còn tươi, bà ra nhà thờ xứ đạo dọn dẹp, quét lau nhà thờ, bàn ghế. “Sau khi về hưu, mình chọn công việc phục vụ xóm giáo. Đây là việc mình ưa thích và cũng là cách để tìm niềm vui hằng ngày. Không đi làm, ra vô ở nhà hoài dễ bị xì - trét lắm”, bà nói.
Tham gia bác ái xã hội
Đây cũng là cách tìm niềm vui của nhiều người sống cảnh đơn chiếc. Bà Lê Thị Xuân Mai và ông Phạm Văn Được, ngụ cùng phường 21 - Q.Bình Thạnh, TPHCM - vẫn hăng hái đi làm bác ái đây đó dù đã ở tuổi ngoài 60. Cứ hai tháng, họ cùng đi với một nhóm từ thiện về các tỉnh, tới những vùng xa còn nghèo để trao học bổng, sách vở cho các học sinh khó khăn; tặng gạo, nhu yếu phẩm cho các gia đình neo đơn. Bà Mai chia sẻ: “Đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi đều cảm nhận mình phải làm điều gì đó. Thật vui khi cứ mỗi cuối niên khóa, chứng kiến các em nhận phần thưởng xuất sắc, hoặc trúng tuyển đại học. Và cũng không niềm vui nào bằng khi mình hỗ trợ người già yếu, bệnh tật tiền điều trị hoặc phẫu thuật, rồi thấy họ bình phục, khỏe hơn lên”.
Trong xã hội hiện nay, dễ bắt gặp những nhóm, hội tự phát từ những người độc thân với nhau. Họ gắn kết tạo nên một sức mạnh tài chánh và cả tình cảm, ủi an những hoàn cảnh bất hạnh. Ông Nguyễn Minh Tâm, 67 tuổi, chưa từng lập gia đình cũng có trong nhóm thiện nguyện cùng với những người “phòng không” ở Sài Gòn. Theo ông, nếu mình cứ sống trong bốn bức tường, hết đọc sách rồi xem truyền hình thì sẽ dễ sa vào trầm cảm. Thế nên, ông và một số bạn bè cùng cảnh đã lập nhóm từ thiện, cứ sáng thứ bảy đến phát kẹo, trò chuyện cùng với bọn trẻ ở các mái ấm. “Ngày thứ bảy thường qua mau và chúng tôi lại gom góp chút đỉnh tiền để tuần sau đi tiếp. Riết rồi quen, tuần nào mắc công việc gì không đi thì buồn lắm”, ông Tâm kể. Người đàn ông độc thân này đã có những đứa cháu “ngang hông” luôn chờ đợi mỗi tuần. Và ông cũng thường trông đợi để nghe những tiếng cười nói của chúng. Ngoài việc phát bánh kẹo, hội độc thân của ông còn tập cho các trẻ đọc sách và họ cũng siêng đọc để có thể kể chuyện cho các cháu nghe hằng tuần.
Và những hoạt động khác
Cũng có những người đã đi qua tuổi trung niên, không chịu cô đơn trong cảnh một mình bằng cách tham gia các sinh hoạt văn hóa tại những câu lạc bộ (CLB) nói tiếng Anh, khiêu vũ, cây cảnh… Tại đây, họ cùng chia sẻ kinh nghiệm hay nâng cao trình độ. Bà Lê Thị Đẹp, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, đã đến thực hành tiếng Anh ở Trung tâm Hoa Kỳ (thuộc Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, Q1). Rồi bà lại gia nhập thêm các quán Cà phê Anh Ngữ ở Sài Gòn. Người phụ nữ tuổi gần lục tuần này tâm tình: “Đến các nơi này, tôi có dịp gặp những người trẻ để thấy mình không bị “lão hóa”. Các em trong CLB rất vui và tôi đã hòa đồng được. Bên cạnh việc được sử dụng tiếng Anh, chúng tôi có dịp tiếp xúc khá nhiều người nước ngoài với các hoạt động như thảo luận một đề tài hoặc khiêu vũ mỗi tối thứ bảy... Thật vui, tôi không cảm thấy mình lẻ loi, cô độc nữa!”.
Còn ông Trần Văn Tiến (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức - TPHCM) thì có chân trong CLB Cây cảnh. Cứ mỗi sáng, ông cùng bạn hữu uống trà, rồi tưới cây, bắt sâu và chia sẻ kinh nghiệm trồng cây. Ai tiếp xúc, cũng nhận xét ông trẻ hơn tuổi 70 của mình. Sự cô đơn của một ông già độc thân đã được khỏa lấp bằng những sinh hoạt tích cực như thế.
Trong các bạn bè hàng xóm hay cùng lớp, cùng trường mà cuộc đời đưa đẩy thành “lính phòng không” cũng khá dễ lập thành nhóm cùng đi uống cà phê, đi xem phim cuối tuần hoặc cùng đến những trung tâm Spa làm đẹp để tìm niềm vui cho chính mình. Bà Minh Hằng, 65 tuổi (Q1, TPHCM) vẫn cùng nhóm bạn già đi thư giãn mỗi tuần bằng cách ấy. “Tự tìm cho mình niềm vui chứ cứ ru rú ở nhà để trở thành bà cô khó tính của con cháu thì chẳng nên chút nào!”, bà dí dỏm.
Một bộ phận người độc thân khá giả lại chọn đi du lịch để cuộc sống bớt đơn điệu. Người dồi dào tài chánh thường có những chuyến đi nước ngoài, thăm thú các danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên thế giới; những vị ít tiền hơn thì du lịch trong nước. Cũng có người thường đi hành hương, tìm sự bình an và niềm vui nội tâm.
Tham gia các nhóm cầu nguyện, đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót cũng là cách để những ông bà độc thân tìm được ý nghĩa, xua tan nỗi buồn, nhất là khi ở tuổi về chiều.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.