1.
Năm 2016 vừa khép lại. Rất nhiều sự kiện đã diễn ra, trong Giáo hội lẫn ngoài xã hội, ở bình diện quốc gia hoặc có tính quốc tế !
Về phía Giáo Hội, có thể nói năm nay đã nhấn mạnh khá đậm đến cùng một chủ đề, đó là YÊU THƯƠNG, qua năm Thánh lòng Chúa thương xót, qua hàng loạt các đề nghị mở rộng vòng tay với người bị bỏ rơi, người tỵ nạn chiến tranh, người bị loại trừ hắt hủi… của Đức Thánh Cha, tại Tòa Thánh cũng như trong các chuyến công du, ở bất kỳ thời điểm nào có thể. Đặc biệt là với Tông huấn “Amoris laetitia - Niềm vui Yêu thương” công bố ngày 19.3.2016 và thánh lễ tuyên Thánh Mẹ Têrêsa Calcutta ngày 4.9.2016 - một người trọn đời dành trái tim mình cho những người cùng khổ và không ngừng nghỉ cổ vũ cho tình bác ái, sự liên đới, sẻ chia…
![]() |
Sẽ dễ nhận ra, từ sâu thẳm của những lời mời gọi yêu thương đó, luôn có các gợi ý cột lại, gia cố… giềng mối gia đình, nơi xuất phát tất cả những hoạt động xã hội, là cái nôi của yêu thương, là thượng nguồn của những quan hệ đối nhân hay truyền tải thông điệp cuộc sống.
Và, chắc chắn cũng chính vì nhận ra những thách đố của thời đại đã đến lúc phải báo động, và xác định chỉ có xốc lại đời sống gia đình mới cải thiện được tận gốc ngọn, nên Đức Thánh Cha đã hai năm liên tiếp (2014 - 2015) triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về những vấn đề Gia đình, ngõ hầu tìm ra lối đi và cách ứng xử đổi mới cho Giáo Hội, cũng như làm sao để mọi tín hữu cùng ý thức, chung tay vào việc làm cho đời sống tốt hơn. Ngài khẳng định : “Tin Mừng về gia đình là một phần quan trọng của công cuộc Phúc âm hóa mà các Kitô hữu có thể thông truyền cho mọi người, qua việc làm chứng bằng đời sống. Rõ ràng các Kitô hữu đang thực thi điều đó trong một thế giới đã bị thế tục hóa : người ta nhận ra các gia đình Kitô hữu đích thực qua sự trung tín, nhẫn nại, biết quảng đại đón nhận sự sống, kính trọng người già… Vậy với thái độ tôn trọng và lòng can đảm, chúng ta hãy lấy sự quan tâm và lòng thương mến đến với những gia đình đang gặp khó khăn, đến với những ai đang phải lìa xa quê hương, tâm hồn tan nát, không nhà cửa, không việc làm, hoặc những ai đang chịu đau khổ vì nhiều lẽ; đến với những đôi vợ chồng đang gặp khủng hoảng và những người hiện đã chia tay nhau. Chúng ta muốn đến bên tất cả những anh chị em đó…”.
Thấp hơn một cấp, Đại hội lần thứ XI của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) cuối tháng 11 vừa rồi tại thành phố Negombo, Sri Lanka cũng có chủ đề chính là “Gia đình Công giáo Á châu : Hội Thánh tại gia của người nghèo, thi hành sứ vụ thương xót”, với các khai triển chi tiết về Bối cảnh mục vụ của gia đình; Suy tư trong ánh sáng đức tin; Những đòi hỏi mục vụ cho gia đình Công giáo; Những đề nghị với các Hội đồng Giám mục và Hội Thánh địa phương; Linh đạo gia đình, linh đạo hiệp thông…
![]() |
Giáo Hội Công giáo Việt Nam cũng không đi ngoài trọng tâm ưu tiên của Giáo Hội hoàn vũ, trong Thư Chung gởi cộng đồng Dân Chúa sau Đại hội lần thứ XIII hồi tháng 10 vừa rồi, HĐGMVN nêu rõ : “…Mục vụ gia đình là thành phần chính yếu trong công tác mục vụ, vì gia đình là con đường Hội Thánh phải đi và mọi chương trình mục vụ của Hội Thánh phải đi qua gia đình...”. Các ngài quyết định chọn ba năm sắp tới (2016-2019) được quan tâm đặc biệt về Mục vụ Gia đình, với những điểm nhấn có chủ đề cụ thể từng năm.
2.
Tin Mừng từ gia đình ! Đó là bài học mà mỗi Kitô hữu chúng ta đã được dạy từ ngày còn vỡ lòng giáo lý, và luôn được nhắc nhớ trong từng buổi giảng, trong những lớp giáo huấn, chia sẻ… của các đấng trách nhiệm trong Giáo Hội, rằng hãy làm chứng cho Chúa ngay trong mái nhà của mình. Ngày nay, cách sống này đang cần mỗi người thực hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi trong xã hội công nghệ hiện tại, như Đức Phanxicô thường chỉ ra: người ta đang sống sự mâu thuẫn của một thế giới toàn cầu hóa, trong đó có biết bao chỗ ở xa hoa và các nhà chọc trời nhưng rất ít hơi ấm của mái nhà và gia đình; biết bao nhiêu dự án tham vọng, nhưng ít thời giờ để sống điều đã được thực hiện; biết bao nhiêu phương tiện giải trí tân tiến vượt bực, nhưng càng nhiều sự trống rỗng trong con tim hơn; biết bao nhiêu thú vui, nhưng ít tình yêu; biết bao nhiêu tự do, nhưng ít tự lập... Để rồi, càng ngày càng có nhiều người cảm thấy cô đơn, khép kín trong ích kỷ, trong buồn chán, trong bạo lực tàn phá, hay trong nô lệ thú vui và thần tiền bạc. Ở Việt Nam tám năm trước, trong Thư Chung HĐGMVN năm 2008, các chủ chăn của chúng ta cũng từng cảnh báo : “…Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói, đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ…”.
![]() |
Có một thực tế : Người ngoài thường đánh giá đạo Công giáo theo những gì họ thấy nơi các gia đình Công giáo. Do đó, gia đình giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc làm chứng Tin Mừng cho anh em xung quanh. Vậy nên, loan báo Tin Mừng, không còn nghi ngờ gì nữa, phải luôn được khởi đi từ gia đình. Công Đồng Vatican II hơn nửa thế kỷ trước cũng đã tha thiết nhắc nhở chúng ta nhiều lần, đặc biệt trong sắc lệnh Tông đồ giáo dân số 11, Công Đồng đã chỉ dẫn những việc làm cụ thể : “Trong các việc tông đồ của gia đình, phải kể đến việc ân cần tiếp đón những khách lạ, khuyên bảo, giúp đỡ thanh thiếu niên, giúp đỡ người trẻ để họ chuẩn bị hôn nhân được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những gia đình khi gặp khó khăn vật chất hay tinh thần, lo cho người già cả…”.
3.
Là người con sống trong lòng Giáo Hội, báo Công giáo và Dân tộc cũng không đặt mình nằm ngoài những định hướng, gợi ý chung. Thời gian qua, những bài viết thể hiện trên báo được tập trung nhiều vào khai thác các mảng sáng của những gia đình Công giáo, những giá trị dù là nhỏ nhất nhưng khắc họa được tinh thần Kitô giáo, khởi đi từ nền tảng gia đình. Song song đó là cảnh báo các nguy cơ có thể làm nghiêng ngả những viên gạch tạo nên một gia đình vững bền, như xu hướng đề cao lợi nhuận, thích hưởng thụ, ít hy sinh, không biết thông cảm sẻ chia…
![]() |
Để khởi đầu cho một chuyên mục mới trong năm nay là “Gia đình - Nôi ơn gọi…”, trong số báo đặc biệt mừng Xuân này, tòa soạn xin giới thiệu loạt bài của các Đức Giám mục Việt Nam viết về những ký ức của mình trong gia đình thời thơ ấu, sự vun đắp của cha mẹ, giáo xứ, Chủng viện… cho các ngài trong hành trình dấn thân phục vụ… Với ước mong: từ những câu chuyện gia đình của các đấng bậc, linh mục, tu sĩ…, chúng ta được tăng thêm lòng quảng đại, nhiệt thành; cũng như giúp nhiều gia đình Công giáo noi theo mà tổ chức cuộc sống gia đình mình cho chu toàn, giáo dục con em mình cho trọn vẹn, để nên Thánh giữa đời thường…
Kính chúc quý bạn đọc và toàn thể gia đình một năm mới nhiều ơn lành của Thiên Chúa !
Công giáo và Dân tộc
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.