Thứ Sáu, 30 Tháng Mười, 2020 14:07

Tình người trong bão lũ

 

Với tinh thần tương thân tương ái, trước tình cảnh bão lụt gây nhiều thiệt hại mất mát về người và của cho bà con miền Trung, khắp nơi trên cả nước, các cá nhân, tổ chức đang chung tay hướng lòng về mảnh đất ruột thịt thân thương này để sẻ chia, an ủi bằng nhiều phương cách.

 

BÀ CON RẤT MỪNG TRƯỚC SỰ SẺ CHIA       

Linh mục Vinhsơn Vũ Ngọc Ðồng (Giám đốc Caritas TGP TPHCM): Từ Sài Gòn, chúng tôi liên hệ với các giáo xứ có bà con bị ảnh hưởng bởi lũ, lấy nhà thờ xứ đạo làm địa điểm chính để đến, rồi khi tới nơi, theo dự chỉ dẫn của người địa phương, đoàn cứu trợ đến những chỗ cần. Ngay khi có thể tiếp cận là chúng tôi đi, chủ yếu di chuyển bằng ghe xuồng. Lúc đó, tuy nói là nước có dấu hiệu rút, nhưng mực nước vẫn cao tới nóc nhà. Nhiều ngôi nhà chẳng thấy mái ở đâu. Bà con cứ chọn chỗ nào cao, đeo bám được thì tìm cách trụ lại. Tình cảnh thật thương tâm. Chúng tôi đi trao quà gồm có gạo, mì và mỗi gia đình 400.000đ. Bất kỳ hộ nào mà đoàn đến được thì đều giúp như vậy. Khu nào bị sạt lở, thiệt hại nhiều thì ưu tiên hơn. Ðoàn chúng tôi đi ở vùng Hà Tĩnh, Quảng Trị, rải ra địa bàn thuộc 8 giáo xứ. Bà con vùng lũ rất mừng vì trong suốt một thời gian dài, có cả mấy ngày liền không có đồ ăn. Hiện tại, Cartitas TPHCM vẫn đang vận động sự hiệp thông của các ân nhân để có thể thực hiện một chuyến đi nữa. Bão số 9 đổ bộ vào miền Trung, chúng tôi đang theo dõi và xem xét tình hình để có phương cách trợ giúp cho phù hợp trên tinh thần là phát huy hết khả năng, giúp được càng nhiều càng tốt.

 

THƯƠNG BÀ CON VÌ BÃO TÀN PHÁ

Bà Lê Thị Bửu Trang (Trưởng Ban Ðoàn kết Công giáo Q.6; Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Q.6 - TPHCM): Có mặt trong đoàn công tác số 1 - Hội Chữ Thập đỏ TPHCM tại vùng Quảng Bình, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 8 vừa đi qua, tôi cảm nhận được sự thiếu thốn trăm bề của bà con lúc này. Sáng ngày 28.10, từ rất sớm, Quảng Bình đã mưa lớn dữ dội và không ngớt do bị ảnh hưởng bởi bão số 9 đang hoành hành. Ðoàn công tác của chúng tôi đã đến thăm gia đình hai liệt sĩ trẻ vừa hy sinh do làm nhiệm vụ cứu người trong cơn bão. Các anh ra đi ở tuổi đời quá trẻ, để lại niềm xót thương cho gia đình. Trong buổi sáng, đoàn đã trao 500 phần quà cho người dân. Mỗi suất quà gồm phong bì 800 nghìn đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác. Trong buổi trưa, chúng tôi di chuyển đến Quảng Trị và thực hiện việc phân phát, trung chuyển quà cứu trợ đã vận động được đến cho người cần. Là một giáo dân, đồng thời trong vai trò Trưởng Ban Ðoàn kết quận 6, khi lạc quyên cho miền Trung, tôi cũng vận động giới Công giáo đóng góp. Sáng Chúa nhật 25.10, nhóm chúng tôi đã đến nhà thờ giáo xứ Chúa Hiển Linh, quận 6 để xin hỗ trợ từ giáo dân. Cha xứ rất ủng hộ việc làm này và mọi người cũng rộng tay đóng góp. Ra tận miền Trung, chứng kiến tận mắt nỗi khổ của bà con vì bão chồng bão, tôi thật cảm thương và nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục vận động thêm nữa, để có thể giúp đồng bào mình. Ðó cũng là phương cách sống Tin Mừng mà tôi tâm niệm.

 

RA SỨC KÊU GỌI

Bà Lê Mỹ Uyên (Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường 10, Q.5, TPHCM): Trong tâm tình chung tay cứu trợ đồng bào miền Trung và trong khả năng cho phép, Ủy ban MTTQVN phường 10, Q.5 đã ra thư kêu gọi bà con, cá nhân lẫn doanh nghiệp đang sống, sinh hoạt khu vực phường ủng hộ bằng các cách. Từ hôm ra thông báo ngày 19.10 đến nay, sau 10 ngày kêu gọi, chúng tôi đã nhận được số tiền hơn 50 triệu đồng. Số tiền này sẽ được nhanh chóng chuyển đến tận tay bà con miền Trung. Như chúng ta đã biết, bão số 8 vừa qua để lại hậu quả nghiêm trọng thì bão số 9 ập đến, bà con đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đầy khó khăn lại tiếp tục đối mặt với thiên tai khắc nghiệt. Mọi sự đóng góp lúc này đều trân quý. Sự quan tâm, sẻ chia là thể hiện bằng cả hành động chứ không phải lời nói suông. Một cử chỉ nhỏ, có thể là số tiền nhỏ của mỗi người nhưng gộp lại từ nhiều người thì sẽ lớn, giúp thêm một hoàn cảnh nào đó. Hơn bao giờ hết, tinh thần sẻ chia cần được thực hiện ngay lúc này.

 

LÊN KẾ HOẠCH CỤ THỂ

Chị Nguyễn Thị Hồng Tuy (giáo xứ Bình Quý, giáo phận Nha Trang): Nhóm của chúng tôi xuất phát đi cứu trợ đồng bào miền Trung có khoảng sáu người, đến hôm nay là đã đồng hành với bà con được 15 ngày. Mọi người thông qua mạng xã hội kêu gọi các mạnh thường quân chung tay góp sức. Thời điểm này, nhiều nơi, nhiều đoàn thể, cá nhân đi cứu trợ đồng bào miền Trung, nên mọi người cần phải có kế hoạch cụ thể trước khi xuất phát. Mình phải biết họ thiếu gì, cần gì. Trong lũ thì hỗ trợ gì, nước rút thì giúp gì và sau lũ ủy lạo ra sao để giúp đúng người, tránh lãng phí. Ở những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, chúng tôi đến tận nơi chia sẻ với bà con những nhu yếu phẩm cần thiết để cứu đói như gạo, mì gói, cá hộp, thịt hộp, dầu ăn, bột ngọt, thuốc, dầu gió. Thật sự phải đến tận nơi, chứng kiến tận mắt và dầm mưa, lội nước với bà con thì mới thấu được cái cơ cực, tang thương của người dân nơi đây. Họ ngồi tận nóc nhà, ngâm mình trong nước, rét run, co ro vì mưa gió. Tiếng thở dài, tiếng em bé khóc… nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu chìm trong biển nước lũ, mọi người chỉ biết nhìn nhau không nói nên lời, bất lực. 15 ngày qua, chúng tôi ăn mì sống với bà con, uống vội tí nước xong lại tất tả đi cứu trợ. Chúng tôi động viên mọi người, dù mất tất cả nhưng vẫn còn sinh mệnh này nên phải vững vàng, mạnh sức chống chọi.

 

NIỀM VUI ÐƯỢC NHẬN HỖ TRỢ ÐÚNG LÚC

Chị Dương Thị Thương (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình): Lũ năm nay thật khủng khiếp. Những ngày sau lũ, ba tôi nói với nhà: “Sống 63 năm cuộc đời, chưa thấy năm nào lũ như bây giờ!”. Cơn lũ đi qua, mọi thứ bị cuốn trôi theo dòng nước từ gia súc, vật nuôi, đồ vật. Con người, bám víu vào đâu được thì cố chống chọi. Nhà tôi ở khu cao, những năm trước chưa bao giờ lũ bén vào thềm. Vậy mà hồi này nước ngập lênh láng, càng về đêm, nước càng dâng lên cao ngập hơn nửa nhà. Ba nói ưu tiên các khu vực thấp trũng hơn nên dù ngập cũng chưa dám gọi cứu hộ, dành cơ hội sống cho người cần nhất. Còn cầm cự được thì cứ cố gắng. Suốt đêm gia đình tôi thao thức, lo sợ. Cả nhà đều bất lực, buồn bã vì thành quả ruộng đồng bị lũ vùi, lúa bị cuốn sạch theo nước. Mẹ tôi đau ốm nhưng cứ liên tục nguyện cầu cho bớt mưa và nước rút đi. Những ngày khi nước xuống, nhà mới tiếp cận được với đoàn cứu trợ, nhận được mì tôm và một số nhu yếu phẩm khác. Sự sẻ chia ngay thời gian này rất đáng quý. Nghe tin cả nước có nhiều đoàn từ thiện đến về miền Trung giúp người dân mà trong đó có gia đình chúng tôi… Lòng chúng tôi ấm áp.

 

Anh Nguyên (thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm